Tuổi xuân, những trang thơ, những cuộc đời – Nguyên An

TUỔI XUÂN, NHỮNG TRANG THƠ, NHỮNG CUỘC ĐỜI

Nguyên An

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sỏng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

                                   (Tống biệt hành)

ÔI NÚI THẲM RỪNG SÂU

TRUNG ĐỘI CŨ VỀ ĐÂU?

Các nhà nghiên cứu lịch sử và những người có nhiều quan tâm, có nhiều hiểu biết về văn chương dân tộc mỗi khi nhìn lại sự phát triền của văn chương Việt Nam vào những năm bốn mươi và năm mươi vừa qua đều có chung một ý nghĩ là: Năm 1945, với cái mốc chói lọi là sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, đời sống vật chất và đời sống tinh thần dân tộc (trong dó có hoạt động sáng tác và nghiên cứu văn chương) đã bước sang một bước ngoặt mà trước dó chưa hề có. Kể từ đây, muôn triệu người Việt Nam không phân biệt lứa tuổi và tầng lớp, đã từ thân phận làm thuê cơ cực cho bọn cướp nước và bè lũ tay sai của chúng mà dần dần xác lập được quyền làm chủ thực sự của mình đối với nước nhà. Kể từ đây, hoạt động sáng tác và nghiên cứu văn chương không còn là mảnh đất giành riêng cho một số người đang quẩn quanh với “cái tôi” chật hẹp, mà hoạt động đó đang dần dần được coi là một mặt trận có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của hàng triệu người. Trên mặt trận này, các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, phê bình, dịch thuật đang trở thành những chiến sĩ thực thụ.

Sự thay đổi lớn lao và kỳ diệu đó có thể được chúng ta nhận thấy ngay trong việc tìm hiểu quá trình lao động của một số tác giả đang được kể tới trong tập sách này. Họ là Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, và Thâm Tâm.

Xuất thân trong một gia đình nhà giáo nghèo và đông con ở thị xã Hải Dương, hồi còn nhỏ nhà thơ Thâm Tâm có tên là Nguyễn Tuấn Trình. Khi học hết lớp nhất, người con thứ ba này của gia đình đông con kia phải ở nhà giúp bố mẹ làm thêm nghề đóng sách và nấu bánh kẹo. Năm 1938, khi Thâm Tâm 21 tuổi, gia đình chuyển lên Hà Nội. Thời gian này nhờ có chút ít năng khiếu hội họa và cũng dã nhanh nhẹn trong lao động kiếm sống, Thâm Tâm bỏ tiền ra mua giấy bút và các loại màu để vẽ tranh sơn thủy đem bán cho khách xa về vãn cảnh Hồ Gươm. Hà Nội và trung tâm của nó là Hồ Gươm vào thời gian sôi nổi của phong trào dân chủ 1936 – 1939 này đã là nơi giúp Nguyễn Tuấn Trình – Thâm Tâm hiểu thêm nhiều về mọi sự đời và mọi lẽ sống. Nhiều khuôn hình cần lao và mỏi mệt vì gánh nặng của thuế khóa thực dân, nhiều gương mặt hào hứng với khí thế cách mạng buổi được ra công khai, và nhiều dáng dấp quá phè phỡn vì no đủ, áp bức… tất cả, tất cả đều soi bóng nước Hồ Gươm, đều như có dịp thoáng hiện trên những bức tranh vẽ vội để sinh sống cho qua ngày của Thâm Tâm. Đó là những bức tranh có núi non, sông bến, và con người gợi một vẻ hơi hiu quạnh, buồn buồn.

Rồi cũng như bao nhiêu thanh niên giàu xúc động và có tư chất lúc bấy giờ, Thâm Tâm lại làm thơ. Đó là vào đầu những năm bốn mươi, sau khi đã phản bội lại phong trào dân chủ, thực dân Pháp quay ra đàn áp khốc liệt các biểu hiện của lòng yêu nước và các tổ chức cách mạng, các chiến sĩ yêu nước lại rút vào hoạt động bí mật. Ngày lại ngày đi về trên các đường phố Hà Nội, Thâm Tâm không còn thấy những gương mặt hào hứng, tin tưởng của buổi nào. Căn nhà nhỏ của gia đình Anh ở ô Cầu Dền như buồn tẻ hơn, chật chội hơn. Cuộc sống chung và riêng là vậy, nên nhiều người đọc thơ Thâm Tâm in trên báo Tiểu thuyết thứ bảy và báo Truyền bá thời gian này đều cho là thơ Thâm Tâm rất buồn. Các bài thơ ấy đượm cái chất trượng phu thời cổ, hào hùng thì ít, u hoài thì nhiều (1), Thơ Anh là tấm lòng Anh nuối tiếc, bâng khuâng với những kỷ niệm vừa êm đềm đẹp đẽ vừa như có phần khó chia sẻ hết được với một ai. Tên các bài thơ, chỉ là tên bài thôi, cũng đã nói lên những điều ấy: Lưu biệt, Chào Hương Sơn, Ngậm ngùi cố sự, Vọng nhân hành, Tống biệt hành, Hoa gạo…

     Đưa người ta không đưa qua sông

    Sao có tiếng sóng ở trong lòng

    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

                                      (Tống biệt hành)

Mấy dòng thơ trên, Thâm Tâm đã viết cách đây hơn bốn mươi năm. Từ đấy đến nay, không biết đã có bao nhiêu người thuộc? Không biết đã có bao nhiêu người nao lòng khi tự nhẩm lại mấy dòng thơ này vào mỗi một lúc nào đó của đời mình? Chỉ biết là buồn thì có buồn, nhưng nỗi buồn ấy trong Tống biệt hành của Thâm Tâm đã không làm người ta mềm yếu và hèn kém đi, trái lại, nó làm cho người ta biết quý một tình bạn chân chính hơn lên rất nhiều.

Với Tống biệt hành, qua mấy câu mở đầu như vậy, Thâm Tâm đã tự tạo nên một sự đối lập khiến nhiều người kinh ngạc: Con người này vốn nhỏ bé và ít nói đến mức khô khan khó gần – Hẳn là cuộc sống cực nhọc đã khiến anh sắt lại mà không có chỗ cho những ba động của tâm hồn đấy chăng?  Thế thì cái tiếng sóng ở trong lòng và cái ánh hoàng hôn trong mắt trong kia lại ở đâu ra?

Sau này, khi quen biết Thâm Tâm trong những ngày tham gia cướp chính quyền hồi Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội và cùng đi với Anh trên những nẻo dường Việt Bắc rồi khu III kháng chiến, mọi người đã càng hiểu Anh mà mến phục anh, mà bớt dần nỗi kinh ngạc kia đi.

Lớp người đã chứng kiến, đã hòa nhịp mình vào những ngày đổi đời của toàn dân tộc ở Hà Nội dạo tháng Tám năm 1945 chắc không thể nào quên được sự rộn ràng náo nức, sự căng thẳng và hào hứng của những ngày này: Thanh niên cứu quốc vẽ và dán áp phích hoan hô cách mạng, cổ vũ toàn dân kiến quốc. Thiếu nhi tập hợp từng đoàn khua trống ếch rền vang đường phố. Dân chúng các phường, các ngõ nô nức thu dọn vệ sinh và góp tiền mua công trái. Những đơn vị vệ quốc quân nghiêm trang hành quân… Từ căn nhà nhỏ trước đó ít lâu đã là nơi đi về, gặp gỡ của những chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật của gia đình ở ô Cầu Dền, Thâm Tâm mới vào giữa tuổi hai mươi mà đã có lúc đăm chiêu trầm mặc như một người già khắc kỷ giờ đã vụt trẻ lại. Cách mạng là ngày hội của quần chúng lao khổ, trong đó có Anh và gia đình Anh. Thâm Tâm đi suốt ngày. Khả năng hội họa của Anh được sử dụng và phát triển. Những áp phích của Anh chưa thật đẹp, nhưng đã diễn tả được lòng hăng hái của Anh và những người như Anh. Người ta nhận ra ở đây một niềm say mê và một ý thức công dân tích cực đối với chế độ mới. Để tập hợp, tổ chức và hướng dẫn giới văn nghệ sĩ và giới khoa học tham gia xây dụng chế độ mới, Hội Văn hóa Cứu quốc bắt tay xuất bản tờ báo Tiên Phong. Số một của Tiên Phong được chuẩn bị từ trước ngày tổng khởi nghĩa, sau buổi cách mạng thành công mới ra mắt mọi người. Ở trang bìa của Tiên Phong số này vẽ một lá cờ đỏ sao vàng to lồng lộng làm nền cho cả trang, bức vẽ ấy là do Thâm Tâm thực hiện. Thời gian này, ngoài việc vẽ áp phích và tham gia mọi hoạt động tổ chức dưới sự chỉ đạo của các chiến sĩ dày kinh nghiệm, Thâm Tâm – qua sự nhớ lại của một số bạn bè Anh, có viết một vở kịch nói tên là Nga Thiên Hương và được ban kịch Tháng Tám diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo lời kêu gọi tha thiết và mạnh mẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm..., toàn dân tộc bắt đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp toàn dân toàn diện với niềm tin tất thắng. Thâm Tâm bàn với gia đình tản cư về quê, còn mình thì gia nhập quân đội. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực của ta rút về thành lập các chiến khu ở Việt Bắc, ở miền tây Bình Trị Thiên, ở miền Đông Nam Bộ, ở vùng rừng U Minh… Bước vào tuổi ba mươi, Thâm Tâm đã tỏ ra có nhiều từng trải, già dặn trong công tác. Riêng về nghề làm báo, Anh cũng là người thành thạo từ khâu tổ chức bài, biên tập bản thảo đến việc trình bày, minh họa báo… Anh được trên tín nhiệm giao nhiệm vụ Thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân ngay từ buổi đầu Vệ quốc quân ra đời. Ở cương vị này, Thâm Tâm, cũng như nhiều cây viết đã lăn lộn với hoạt động báo chí – văn nghệ từ trước, nay đang hăm hở và quyết tâm phục vụ kháng chiến với tất cả khả năng và tấm lòng của mình, Anh đã làm hết mình. Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là chủ bút Vệ quốc quân Trần Độ và nhờ sự mẫn cán của các thành viên khác trong tòa soạn như Thôi Hữu, Trần Đăng, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Trúc Kỳ… báo Vệ quốc quân đã đến với chiến sĩ và đồng bào đều đặn với nội dung khá phong phú, hình thức trình bày và phong cách viết linh hoạt. Trên Vệ quốc quân, thỉnh thoảng cũng có đăng vài bài thơ của Thâm Tâm. Những bài viết này chưa tiếp nối thành công của thơ Thâm Tâm trước đó. Thâm Tâm cũng tự biết như vậy, nhưng Anh không bận lòng nhiều về sự thành đạt hay chưa thành đạt của mình trong chuyện sáng tác này. Anh đang vui với cuộc kháng chiến, với sự có mặt thực sự tích cực của mình và nhữrg văn nghệ sĩ nguyện đi theo kháng chiến như mình. Anh cũng biết là con đường sáng tạo văn chương để phục vụ cuộc sống mới và con người mới là con đường không ít gian nan đối với những người đã nhuộm một nỗi buồn, đã quen một lối viết cũ từ trước như mình. Trên tờ Văn nghệ số 5 ra vào tháng 9 năm 1948, Thâm Tâm với bút danh là T.T. đã viết một bức thư đề ngày 8-8-1948, trong thư có một đoạn tâm sự:

Với tôi, thật ra cái cầu sáng tác bắc qua con suối nước lũ của công tác mình đang phụ trách, càng chật vật lắm. Quyết tâm có tác phẩm, Anh hãy tin ở sự cố gắng của tôi. Còn hay hoặc dở, đó lại là vấn đề khác, nói trong một lúc khác…

Do công việc nhiều nên phải dàn xếp mãi, đến giữa năm 1948 Thâm Tâm mới có dịp đi một chuyến công tác dài ngày và xa cơ quan. Lần ấy Anh từ Việt Bắc trở về vùng địch hậu liên khu III. Một chiều mưa, ngồi trên căn nhà tranh quạnh vắng, Thâm Tâm nhớ cồn cào miền Việt Bắc xa xăm. Qua màn mưa trắng đục trên cánh đồng xa, Anh như thấy hiện lên những nguời và cảnh Việt Bác qua đôi mắt sao đăm đăm – chứa cả trời mây nặng của mình. Anh ghi vội lòng mình bằng những dòng thơ năm chữ. Bài Chiều mua đường số 5 ra đời. Bài thơ, như một trang nhật ký tâm trạng này đã cho thấy đến lúc này, Thâm Tâm đã tìm lại được nét tinh tế, tình cảm chừng mực, sâu đậm là cách quen thuộc của Thâm Tâm (2). Qua nỗi nhớ được ghi lại bằng một điệu thơ hơi buồn, bài Chiều mua đường số 5 của Thâm Tâm cũng đã giúp bạn đọc bấy giờ hiểu Anh hơn và hiểu thêm về một phần của cuộc kháng chiến chống Pháp ngày ấy :

Chiều mưa ngàn mai nở

Hoa phới bay màu xuân

Bếp sàn gây ngọn lửa

Chén trà ngát tình dân.

Chiều mưa lùa các cửa

Ngày bộ đội hành quân

Mẹ già không nói nữa

Nước mắt nhìn rân rân…

Chiều mưa giã gạo mau

Chày tập đoàn thình thịch

Ôi núi thảm rừng sâu

Trung đội cũ về đâu

Biết chăng chiều mưa mau…

Ở đây, cũng nói về tình quân dân, tình đồng đội, nhưng nếu như trong bài Nhớ của Hồng Nguyên, mối tình ấy gợi lên trong ta một bối cảnh chan hòa, rộn rã của vùng hậu phương khu IV; thì trong thơ Thâm Tâm, mối tình ấy lại làm ta liên tưởng tới một vùng địch hậu ắng lặng, buồn buồn, khiến cho “mối tình Việt Bác” đã thấm đượm vào tâm khảm anh bộ đội Thâm Tâm, giờ đây lại dạt dào sôi động.

Tháng 4 năm 1949, Hội nghị Văn nghệ quân đội lần thứ nhất được tổ chức trên chiến khu Việt Bắc. Tại hội nghị này, Thâm Tâm đã trình bày bản báo cáo nhan đề Văn thơ bộ đội. Lần đầu tiên, qua bản báo cáo này, người ta đã thấy được bức tranh toàn cảnh của phong trào sáng tác văn chương trong quân đội những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đọc lại bài tường thuật về Hội nghị này của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trên tạp chí Văn nghệ số 11 và 12 ra vào tháng 5 năm 1948, chúng ta có thề biết được phần nào giá trị tổng kết của báo cáo Văn thơ bộ đội.

12-4-1949: Câu chuyện rất đời của Thâm Tâm về văn thơ bộ đội vạch ra một sự thật: loại thơ anh hùng của cán bộ, những hình ảnh tưởng tượng, lời văn mỹ miều của những văn nghệ sĩ công tác trong bộ đội không được đội viên hoan nghênh. Trái lại họ thích những bài thơ hợp với đời sống của họ, những bài thơ ở bộ đội mà có, những sáng tác này trở lại ảnh hưởng bộ đội rất mạnh.

Tuy bản báo cáo chưa đưa ra thật nhiều thí dụ, nhưng qua bản tường thuật của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta có thể hiểu là ở đây, Thâm Tâm đã cổ vũ cho các sáng tác ra đời từ cuộc đời anh bộ đội và phục vụ cho đời sống tinh thần những anh bộ đội đó như thơ Chính Hữu, Hồng Nguyên, Vũ Cao, Hoàng Lộc, Minh Huệ, Trần Hữu Thung hồi đó. Sự cổ vũ và khẳng định ấy của Thâm Tâm cho đến nay vẫn còn có giá trị tham khảo quý báu. Một điều cũng cần được đặc biệt ghi nhận nữa là: Nếu như ngày nay, chúng ta nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn của đàn thơ dân tộc – điều đó là sự bình thường trong các trang sách giáo khoa và trong sự nhìn nhận của các nhà lý luận văn chương, thì cách đây hơn một phần ba thế kỷ, có lẽ Thâm Tâm là người đầu tiên, đã nhận định như chúng ta, trong một báo cáo chính thức, báo cáo về Văn thơ bộ đội. Lúc đó nhà thơ đã viết:

Hồ Chủ tịch không rảnh việc nước, nhưng khi nghe giao thông chạy ngựa đưa tới tin thắng trận liên tiếp, nhưng khi nghe du kích đi giết giặc đã quay về với tiếng tù và vang trên núi, vị cha già của chúng ta cũng rung cảm thành thơ, mà cả những Bức thư từ hơn 10 năm nay, Người gửi cho mọi tầng lớp dân chúng thời thường cũng là thơ; những đoạn văn có vần chúng ta đọc một lần không bao giờ quên được.

Hồ Chủ tịch là người lính số một của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người lính số một trong khi đuổi giặc vẫn làm thơ, vì hay thơ vẫn là một trong những dân tộc tính của chúng ta. Tiếp tục truyền thống văn nghệ ấy, những người con cháu đứng dậy cầm súng giết giặc giữ nước, ngay từ phút đầu cũng đã rập với tiếng đạn nồ ngân lên những vần thơ – mầm mống của văn nghệ bộ đội mà hôm nay chúng tôi có dịp trình bày trước hội nghị…

Kết thúc Hội nghị Văn nghệ quản đội, Thâm Tâm được bầu vào Ban Văn nghệ trung ương thuộc Phòng Tuyên truyền gồm bảy người do nhà thơ Tố Hữu làm trưởng ban (3). Thâm Tâm vốn là nguời cần cù, mẫn cán với công việc. Công việc hàng ngày của Anh dường như tất cả không ngoài chuyện nâng cao chất lượng của báo Vệ quốc quân. Anh xa lạ với những buổi chuyện phiếm vô bổ đã có lúc được một số văn nghệ sĩ coi là “nhu cầu giao tiếp”. Nhận thêm công việc ở Ban Văn nghệ trung ương, thì giờ giành cho sáng tác của Thâm Tâm cũng có cơ ít đi. Song biết rằng đây cũng là một trọng trách, nên dù có sốt ruột với chuyện sáng tác, Anh vẫn cố gắng dậy sớm hơn và thức khuya hơn một chút, Anh như người “giữ gôn” ở tòa soạn Vệ quốc quân, các anh em khác được đi viết nhiều hơn vậy.

Khoảng giữa năm 1950, một lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bấy giờ vừa ở miền Trung ra nhận công tác ở Quân ủy trung ương đã mời Thâm Tâm và Vũ Cao tới làm việc. Hai người vừa mừng vừa lo không biết có chuyện gì hệ trọng. Hôm ấy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết là ta sắp mở một chiến dịch lớn – đây là lần đầu tiên quân đội ta đánh lớn như vậy. Chờ cho nỗi reo vui của Thâm Tâm và Vũ Cao đã lắng lại, Đại tướng đề nghị hai người về thu xếp để đi làm báo cho chiến dịch này. Khỏi phải nói về nỗi vui mừng của hai người như thế nào. Riêng Thâm Tâm, Anh coi đây là một nhiệm vụ đột xuất và chỉ có thể phải hoàn thành tốt đẹp mà thôi. Vừa gói ghém đồ đạc vào  ba lô, Anh vừa trao đổi khe khẽ với Vũ Cao về những ngày sắp tới. Thể rồi họ lên đường, Thâm Tâm gầy nhỏ, ít nói, Vũ Cao lênh khênh và nhộn nhạo luôn, Vũ Cao kể về Thâm Tâm trong lần đi chiến dịch ấy thể này:

Mấy ngày đêm liền hành quân, anh rất vui, rất khỏe, nói năng nhiều hơn, đôi lúc cũng đùa. Tới Cao Bằng, bỗng một hôm anh kêu mệt. Anh sốt, nằm ở nhà sàn, gần biên giới. Thuốc men đầy đủ, thức ăn bồi dưỡng cũng không thiếu, tôi cũng tưởng anh chỉ sốt bình thường một hai ngày rồi qua khỏi. Đến một buổi chiều, tôi được cử xuống đơn vị. Trước khi đi, tôi vào ngồi với anh một lát. Tôi nắm tay anh thấy rất nóng. Mắt anh vàng hơn ngày thường. Anh bảo tôi đưa anh sang một chỗ nằm khác cho thoáng hơn. Tôi ôm lấy lưng anh, dắt anh đi. Anh vừa run lẩy bẩy vừa khẽ bảo:

– Mình thấy trong người thế nào ấy. Cậu đi khỏe nhé. Tôi không thể ngờ đó là câu cuối cùng anh nói vởi tôi. Ở đơn vị được một tuần, một hôm bỗng Thôi Hữu gặp tôi, báo tin là Thâm Tâm đã mất. Chiến dịch sắp mở, đường thì xa, chúng tôi không về được nữa rồi. Một sự ngẫu nhiên là hôm ấy trời rét và có nắng. Tôi bỗng nhớ cái buổi chiều nào năm trước, cũng trời đất như vậy, chính Thâm Tâm báo tin cho tôi là Trần Đăng không còn nữa. Trần Đăng nằm lại ở biên giới, còn bây giờ Thâm Tâm cũng nằm lại ở biên giới…  Anh đã mất trước khi được thấy một chiến thẳng lịch sử: Chiến thắng Biên Giới (4)…

Từ sự lặn lội với cuộc đời mà dạn dày, chín chắn, Thâm Tâm đã tiêu biểu cho không ít văn nghệ sĩ buồn đau phẫn chí dưới chế độ cũ, nhờ có cách mạng và nhanh chóng hòa nhập với cách mạng mà xác lập được vị trí của mình trong cuộc sống mới. Sáng tác thơ của Thâm Tâm đăng báo không nhiều, nhưng không vì thế mà hình ảnh Anh mờ nhạt trong tâm trí những người đã cùng sống và làm việc với Anh. Cuộc đời và sáng tác của Thâm Tâm là một bài học về đức tính kiên trì rèn luyện, về sự chịu thương chịu khó, xuất phát từ một ý thức trách nhiệm cao đối với công việc.

  1. Vũ Cao, bài Vài kỷ niệm về Thâm Tám. T.C. Văn nghệ, tháng 12-1989.

  2. Ngô Thảo, bài Nhà thơ Thâm Tâm. T.C. Văn nghệ quân đội, 7-1981.

  3. Theo Ngô Thảo, bài Nhà thơ Thâm Tâm – Văn nghệ quân đội, 7-1981.

  4. Theo Ngô Thảo, bài đã dẫn.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *