HIẾU KHÁCH
Đây là một xóm bãi ở bên ngoài thành phố, lèo tèo chừng độ vài ba chục nóc nhà tre lợp gianh. Xóm lập thành kể cũng đã trải một thời gian đủ cho tre mọt, gianh nát, và những cây xoan cao vượt lên khắp ngõ.
Hoa xoan tím nhạt rồi lại quả xoan vàng uá, lá xoan rơi rụng nhiều mùa, biết bao nhiêu sự đổi thay. Bãi trước kia cao, bây giờ thấp xuống, xét ra cũng chả phải là do đất xốp dễ lún, nhưng chính là do cái cớ tức bực này: thường ngày, rác rưởi của thành phố tống đi bằng những cái xe bò tràng khoát, vẫn nhè những nơi có đầm ao cần lấp mà trút xuống, cái xóm trên kia lại ở ngay khu bãi xung quanh lổn nhổn đầm ao, tất nhiên những phu xe rác được lệnh phải lấp phẳng những vũng nước tù hãm ấy; ngày tháng chồng chất bao nhiêu vết bánh xe, những đống rác cứ cao ùn ùn, la liệt, đầy khắp, và sau cùng những xe rác vĩnh biệt con đường qua xóm; thì cỏ gai mọc lên um tùm, khiến cho mắt người trông ra thấy toàn khu đầm ao cũ đã biến thành một dải gò mai rùa chi chít đủ các thức cây hoang dại; dải gò ấy đắc thế, ép vào cạnh sườn xóm bãi, và thông lưng với con đường đá dốc ngược lên thành phố, để ngạo nghễ đánh chìm xóm gianh kia lọt xuống vòng lòng chảo bè bè.
Cục diện đổi thay đến thế, rất có ảnh hưởng cho dân trong xóm. Nguyên là từ ngày mặt gò rác cao hơn mặt đất nền trong bãi, thì cứ mỗi trận mưa to nước không có lối thoát mới dồn vào trong xóm, ứ lại, các rãnh chứa nước khơi mãi cũng không thông được đi xa, mùa khô cạn còn dễ chịu, chứ đến vụ tháng năm tháng bảy thì tha hồ người ta cứ chửi, cứ rủa, cứ ngăn, cứ cản, nước bất trị vẫn cứ dềnh vào trong sân trũng của non nửa số nhà trong xóm; ấy là những nhà chưa đủ lực đắp cao cái nền họ ở lên quá mực nước đọng, cũng có những nhà không chịu đổ thêm đất vì lẽ họ cho nơi cư trú tạm bợ này chả còn được mấy nỗi nữa tất phải rời hết đi nơi khác, chứng cớ thì là họ tin rằng cứ mỗi lần thành phố lấp xong các đầm ao quanh một khu đất công nào ắt hẳn lại cần đòi lại những chỗ đã cho họ thuê dựng nhà có hạn; những miếng đất không được gia hạn thuê ấy phải trả lại thành phố để san phẳng một lượt toàn thể khu rộng và chia thành lô bán đứt cho dân sẵn tiền, vì chỉ hạng dân phú túc này mới đủ điều kiện xây thành những tòa nhà lầu hợp với thể lệ mở mang phương diện kiến trúc mỹ thuật một nơi đô thị.
Đoạn khai mào câu chuyện ở trên thật là dây rườm rà, song cái nhẽ không thể hà tiện bớt nhời đi được, vì những dây muống ấy rất có quan thiết đến tấm lòng kẻ hiếu khách sau đây.
Nguyễn Văn Bạch, là họ tên gã. Vợ gã lấy chưa lâu, xem ý kém bề tương đắc, vốn dĩ chỉ tại một chiều thu xanh kia bà mẹ đùng đùng lôi tuột Bạch về cố hương; rồi trong mùi thơm của lúa nếp, vườn chanh; bà cụ tụ tập họ hàng lại, dẫn người con trai đi làm rể, mà trên chuyến tầu lên tỉnh ngay đêm hôm ấy, mặt nhìn mặt, Bạch đã không có thiện cảm đối với người con gái sắp sửa cùng mình đổi thịt trao xương. Cái sự không có thiện cảm ấy, ngẫm cho kỹ ra, chính do Bạch cũng là người chữ nghĩa, tuy rằng chưa gặp thời làm nên ông nọ thầy kia, vẫn còn phải chạy hàng sách kiếm ăn, đó chỉ là con thuồng luồng ở sâu trong ao bùn đợi một ngày kia được nước; và cái ngày tốt đẹp ấy không lẽ ông chồng ấy lại chỉ có bên gối eái thứ vợ quê mùa thô kệch! Chao ôi, trời sinh ra hồng thắm làm chi, sinh vóc lụa làm chi, sinh ra son phấn làm chi, để cho Bạch khổ!
Mặc cho lòng khổ, Bạch vẫn phải sử trọn đạo hiếu đã, nghĩa là cứ vì mẹ mà chịu đựng người vợ bất như ý kia. Vả lại xét cho chí lý ra, thì gã còn nương náu mái gianh vách đất, tất rằng nơi cư trú hàn vi ấy cũng chỉ có thể chứa được người vợ áo nâu khăn vải là cùng. Cái nhà của gã quay lưng ra phía gò rác, và cách với gò bởi một dải nước lờ lờ ngọn cỏ vốn là một trăm thức nước tụ thành. Như đã biết, cứ đến mùa, trận mưa lớn đầu tiên đủ khiến cho dải nước sau nhà Bạch dềnh vào trong sân rồi chiếm đóng tại đó qua thu sang đông mới chịu rút lui trong mấy tháng khô cạn.
Bạch tuy biết ở như vậy là không hợp với phép vệ sinh, là bẩn, là liều, nhưng vẫn cứ phải ở cho qua ngày đoạn tháng, và muốn được an ủi đời nghèo đôi chút thì gọi phỏng nơi cư trú đó là cái nhà thủy tọa của ẩn sĩ cũng không sao.
Ngoài những giờ có hàng hóa phải chạy xuôi chạy ngược, mối đông lái tây, thì Bạch lại nằm khàn ở trong nhà thủy đình để chờ thời có người đến mời ra khỏi lều gianh làm việc lớn. Bạch nằm như thế không biết đã bao nhiêu ngày tháng, khách đến mời đi cũng không phải ít, song chỉ là những con bạc quanh xóm đến lôi kéo gã vào cuộc đỏ đen. Phàm con người ta, trong lúc hàn vi, ai mà chẳng như thế cả!
Trên kia là chuyện một gã, dưới này kể thêm gã thứ hai. Gã này ra nòi văn nhã, ngày hoa tháng nguyệt, sẵn tiền nên cũng được vui vợ đẹp con khôn. Nhưng mà gã cũng biết sống chỉ có thế thì chưa là đủ. Loài người ganh đua nhau vì tư tưởng. Gã đã làm được gì và nghĩ được những gì, ngoài cái bổn phận làm cho người đàn bà sung sướng? Ba mươi năm, một sớm trong gương lộ sợi tóc sâu trắng gốc, liệu eó phải vì xấu máu hay vì người xứ nóng mau già? Vậy mà gã vẫn luẩn quẩn không lên cao hơn được cái mái tóc xanh xanh của vợ; buồn ơi!
Nỗi buồn, một chiều kia, khiến gã có những luồng tư tưởng gớm ghiếc, như sấm sét ở trong đầu óc. Gã muốn rằng giá đấm một cái hoặc đá một cái vào người vợ yếu mà nẩy ra được một sự nghiệp trong đời, thì gã cũng đấm hoặc đá một cái lên trên thứ da thịt mềm non như cánh hoa, không tiếc.
Ý muốn dại dột này không lâu đã thành ra sự thật. Đôi vợ chồng trẻ có nhiều lúc bất hòa. Lời đi tiếng lại, những câu thịnh nộ do cửa miệng một thiếu phụ thanh thanh cuống họng thốt ra, dù có thật tình hằn học, cũng vẫn không thiếu kém những âm điệu pha phách, hơi bổng giọng trầm, nhất là những lúc cần đay nghiến và day dứt và rền rĩ…
Con ngưởi văn nhã cứ sau mỗi cơn ngớt giận, nhìn trộm vợ hồng thắm hay hay, lại nhắc lại hoài trong tư ức những giọng điệu đàn bà mà lần thứ nhất gã được hưởng trong một thời băn khoăn chưa thật sống cho đủ nghĩa. Nào nhịp thép như sắt vàng xô xát, nào tiếng cao khi rít, nào tiếng thấp chìm chìm khi than trời đã mỏi, tất cả lọt qua cái tai thẩm âm đều giòng giống như thơ nhạc cả. Người đàn ông nhờ đó mà sáng lý ra. Bao nhiêu công phu tìm tòi thắc mắc một con đường qui hợp với tri thức mình; không đến nỗi uổng, một khi gã được vợ đưa dắt vào cõi du dương phảng phất ca ngâm.
Từ đó, đêm nào gã cũng hì hụi thức rõ khuya, tắt đèn đi, chỉ đốt một ngọn nến tù mù khét lẹt mùi mỡ trăn, rồi gục đầu xuống những trang giấy thơm mà trắng.
Thường thì người vợ nằm chờ chồng, ngủ quên đi một giấc rõ lâu, chợt thức đậy, vẫn thấy chồng ngồi một cách thiểu não như thế, mới lấy làm thương và ngạc nhiên hỏi:
– Minh làm sao vậy? Khuya lắm rồi, mình không vào ngủ chả sợ mệt ư?
Giọng gã như từ địa ngục đưa lên:
– Ta còn tìm tứ… tìm tứ…
Người vợ lo lắng và sợ sệt, không hiểu cái gì cả. Xưa nay, cái gã quí vợ ấy chỉ sưng là anh hay giận lắm thì đổi ra tôi, chứ sao đột nhiên lại biến mà xưng là ta giữa đêm hôm như vậy? Ta với ai mới được chứ? Vả là cái thá gì mà dám xưng ta? Vợ tức lắm, bèn làm cho kêu giát giường, cất lời rên rỉ:
– Mình điên hay sao thế, giời ơi!
Chính ra, phải viết thế này mới đúng:
– Mình đi-i-iên hay sao Th-ê-ếếể… gi-i-ời… ơ-ơ-ơi… ơ…
Ô, tứ đó rồi, đó chính cũng là một câu thơ. Vì lời nói thường ngày của người ta cũng là văn xuôi, mà văn xuôi ngân lên cho có âm điệu nhịp nhàng tức khắc hóa ra văn vần, thi pháp không ngoài cái định luật hình thức ấy! Nhà thi sĩ, trong muôn vàn giác ngộ, quay lại sung sướng bảo với vợ đáng kính rằng:
– Ta là thi sĩ, con cháu thần minh, Ngươi có phúc lắm mới được làm vợ ta, biết chưa? Phải thờ ta cho vẹn đạo rồi ta sẽ dâng nàng những bài thơ nhất khí của ta vì giúp công cũng có nhời nàng mới nên. Nàng ngâm thơ hay, hay lắm.
Vợ bật cười, khẽ bảo:
– Thế mình thử đọc nghe vài câu, xem có đáng phục chăng.
Chồng hãnh diện ngâm ư ử:
– Mình đi-iiên hay sao th-ê-ếếể… gi-i-ời… ơ.ơi..ơi-ii.
Không hiểu vợ nghe và nghĩ ra làm sao, lại nói:
– Đó chả phải là thơ. Nếu mình định làn văn sĩ thật, thì câu đó có hay chăng nữa chỉ đúng vào trong một lớp kịch cãi nhau được thôi.
Chồng sáng mắt ra, tỉnh hẳn người, kêu to:
– Ô… hô… nàng chính xứng đáng là vợ của con cháu thần minh! Phải, phải, kịch mà lại, kịch thơ mà lại! Chính ta đương cần thảo xong một bản kịch thơ để cho ban kịch do bạn đồng chí của ta tổ chức vào tháng sắp tới đây. Hay quá, thật là hay quá! Thôi, hãy im đừng nói gì thêm nữa, kẻo cái luồng tư tưởng của ta đứt quãng bây giờ…
Đêm lẳng lặng tàn. Ngọn nến tắt đi, mặt trời lại mọc… Cứ như thế cho đến lúc vở kịch hoàn thành.
Ông bầu gánh kịch bằng lòng xếp vào chương trình vở kịch thơ của nhà thi sĩ có tiếng về thơ nhất khí, tuy rằng thơ nhất khí của gã mới sản xuất được chừng hai hay ba câu nhờ ơn ở vợ nhiều.
Các vai trò được cắt đặt vào mấy thanh niên vốn dĩ tốt giọng kêu gào. Người ta nhớ đến nhà hùng biện phương tây kia trước khi sấm sét ra đời đã phải dùng sóng gió ngoài bãi bể mà luyện sức kêu gào. Một vài kẻ bàn nên bắt các tài tử cũng phải tập theo phương pháp đó. Song tác giả vở kịch thơ cương quyết cho rằng người Việt Nam tốt giọng bổng trầm lắm rồi, chứng cớ do sự kinh nghiệm trong gia đình riêng thi sĩ. Ấy thế mà khi vai chính biểu diễn thử tài nghệ minh, thì thi sĩ nhất định chê là không lột được hết tinh thần các câu thơ. Người ta lao xao lên, và ông bầu gánh cũng sốt ruột vì mỗi lời bàn tán thêm vào lại thêm một lần cục diện rối bung. Mãi sau cùng, mới có một người bước ra giơ tay mà nói:
– Tôi xin tiến cử một người có thể đảm nhận lột hết tính thần vai chính trong vở kịch được.
Chúng nhìn xem ai thì là một cái mặt cũng tầm thường trong bọn.
Ông bầu gánh lạnh lùng không thèm hỏi, vì dưới mắt ông ta, nhân tài trong thiên hạ trừ bọn đào kép đã ở dưới tay ông chỉ huy, thì không có thể còn ai được nữa.
Nhưng thi sĩ lại tin rằng nhân tài trong thiên hạ gồm cả vợ mình chưa lộ diện thì cũng có thể còn một người khác nữa chưa xuất đầu, gã bèn săn đón hỏi kẻ vừa mới lên tiếng kia:
– Người ấy là ai ở đâu?
– Y hãy còn nằm khàn ở trong lều gianh ngoài thành phổ, vì tài chưa có chỗ dụng. Nếu ta được người ấy, dám chắc ban kịch đi suốt ba kỳ có thể thò tay vào túi thiên hạ mà lấy tiền như bỡn.
– Nếu đúng thế, anh hãy vì ban kịch mà đi mời y đến ngay đây.
– Đến ngay thế nào được! Cầu nhân tài không phải là một việc dễ. Tuy y là bạn thân của tôi, nhưng nếu ban kịch ta định dùng y thì tôi cũng phải đóng một vai thuyết khách. Tôi sẽ lấy nhời hơn nhẽ thiệt nói cho y xiêu lòng trong ba ngày.
Chúng đều tín cậy và phó thác công việc cầu một vai chính trong vở kịch vào mồm mép kẻ chịu du thuyết kia.
* *
*
Ai còn lạ gì cái kẻ nằm khàn trong lều gianh mà không đoán biết ngay ra là Bạch.
Đầy sân nước ngập mông mênh, thương thay cho con cá nọ phân vân đường lối! Mây trời trắng nổi, cành xoan gầy võ vì lá rụng, trong ngõ nghèo, mái tóc còn chờ đến thứ gió nào mới lên trong bụi đô thành?
Chiều hôm ấy, Bạch đương vắt tay qua trán, nằm khểnh mà nghĩ sự đời chơi, thì có bạn đến thăm. Tiếng bạn toang toang ngay từ ngoài cổng:
– Người ta đứng dậy làm việc lổm nhổm cả tứ phía, sao anh ung dung nằm gãi gầu mãi như thế được?
Bạch nhổm ngồi mời bạn ghé cạnh, cười mà đáp:
– Ấy tôi cũng đương nghĩ kế bán quách cái nhà tre này trả phắt miếng đất cho thành phố, rồi vào ở ngay ruột thành phố một phen chơi. Khổ lắm rồi, anh bạn lâu ngày mới gặp của tôi ạ.
– Gớm chửa, anh lại trách ngọt tôi đấy rồi. Phải, quả thật lâu nay tôi không xuống thăm anh được, cũng vì một lẽ. Tôi mới có một câu chuyên làm ăn bận toái cả người đi.
– Câu chuyện gì mà ghê gớm vậy, lại chẳng hề có rủ anh em chấm mút với cho vui?
Người bạn đà đận cười nói:
– Thì hãy cho người ta uống chén nước cái đã, rồi có chấm mút hay không sẽ biết.
Bạch tuồn xuống khỏi tấm ghế ngựa mọt, ra bên chiếc bàn con xách ấm nước và hai cái chén bạch định nội hóa vào, vừa rót trà vừa nói:
– Mẹ đĩ đi chợ vắng; anh xơi tạm nước nguội, càng mát. Chiều nay, anh ở đây ăn cơm với tôi nhé.
– Thôi, chuyện xong thì tôi phải về, không thể ở được. Rồi còn khối bữa ta chè chén với nhau, nếu việc này mà xong.
– Việc gì?
– Tôi đương tập làm kép kịch. Nguyên do có một ban kịch lớn lắm sắp sửa diễn mấy tối long trọng ở thành phố này. Lại có một điều mới lạ, lý thú vô cùng, là một thi sĩ vửa viết xong một bản kịch thơ, cũng đem lên sân khấu.
– Kịch bằng thơ?
– Phải. Một vở bi kịch cam đoan ngâm lên câu nào là một phần khán giả phải thổn thức vì câu ấy. Người ta đương lo không khéo xẩy ra một vài vụ chết ngất ở giữa đám công chúng đàn bà.
– Hay đến mức ấy kia à? Anh làm thế nào xoay cho tôi một ghế ngồi không mất tiền đấy nhé.
– Anh muốn mười ghế ngồi cho bà con nữa cũng được, có khó gì, miễn là anh biết chạy theo con đường của tôi.
– Nghĩa là cũng làm kép kịch? Nhưng làm kép kịch thì có những mối lợi gì?
– Ôi dào, lợi thì bằng mười cái lợi chạy hàng sách bấp bênh của anh. Này nhé: một tài tử diễn kịch thơ phải là một người đã mang sẵn tấm lòng đầy âm điệu. Đem cái tấm lòng rung động nhiệm mầu ấy ra, để gợi cảm xúc tiềm tàng của hàng ngàn khán giả khiến cho họ chợt thấy thức dậy những tiết tấu kỳ thú vốn dĩ sẵn có trong đời họ, ấy là đạt tới cái điểm tối cao trong nghệ thuật. Một tài tử được như thế, thì không thiếu gì sự hoan hô. Một tài tử được hoan hô mà lại đương thanh xuân, thì không thiếu gì những phần thưởng quí báu, thượng quan tay bắt, mệnh phụ để ý, thiếu nữ quý phái đưa mắt, năm ngày một tiệc nhớn, ba ngày một tiệc nhỏ, còn như tiền bạc thì bất tất kể đến cho rườm nhời.
Bạch thật thà gần như ngớ ngẩn mà hỏi:
– Thế thì ra làm kép kịch cũng ngang giá trị với một đào hát tuồng cải lương đấy nhỉ.
Bạn trợn mắt đáp:
– Giá trị vật chất thì nói là ngang nhau cũng được, nhưng giá trị tinh thần thì đào hát so sánh làm sao nổi. Anh chớ nghĩ lẩn thẩn mà tổn hại đến thanh danh ta.
– Ơ, thì tôi biết đâu. Tôi cứ tưởng… Nhưng thôi, bây giờ tôi muốn cùng theo anh, thì phải làm thế nào?
– Cái đó không khó. Có tôi đảm nhận sự giới thiệu là được rồi. Xưa nay vốn anh vẫn tốt giọng ngâm nga. Tôi sẽ chỉ vẽ qua loa cho anh mấy điều cần thiết về kịch thơ, anh cứ theo đó mà lên tiếng biểu diễn tài nghệ mình, ban kịch thử rồi tất phải dùng anh vào việc.
– Xin anh cứ hết sức tác thành cho, tôi sẽ nhớ ơn anh đời đời.
– Chỗ bạn thiết nói gì đến ơn với huệ, chỉ cốt lúc đầu nhất nhất anh phải nghe tôi dặn bảo mọi điều. Đại khái như ngày mai, giá anh biện được một chầu rượu để tiếp họ thì cái lễ tương kiến long trọng lắm.
Bạch giật mình xua tay:
– Ấy chớ, ấy chớ! Nhà cửa bẩn thế này, sao anh mời họ đến làm gì?
Bạn thản nhiên nói:
– Cái nhẽ phải xử như vậy. Anh đừng ngại. Mình nghèo mà không che đậy cái nghèo của mình đi, chỉ cốt lấy cái bụng chân thành để tiếp đãi họ, ấy là một cử chỉ vô cùng cảm động. Phàm con người ta chỉ thiết tha nhau ở những chỗ cảm động như thế mà thôi. Mình đụng chạm với đời, nên biết khôn khéo tí chút chứ. Đây không là một việc buôn bán mà cần khoe của. Đây là những nghệ sĩ, họ chỉ trọng nghĩa và khinh tài.
Tuy trên nét mặt Bạch còn nhiều băn khoăn, song gã cũng phải hân hoan nói:
– Được, anh đã bảo cho như thế, tôi xin làm theo. Vậy nhất định chiều mai, anh mời giúp họ xuống chơi tôi nhé?
Người bạn nhận lời, kiếu về.
Ông bầu kịch, ông thi sĩ và ông bạn giới thiệu kia, một chiều tạnh ráo, đã qua những đường thành phố khô nắng, xuống một xóm gianh nứa điêu tàn.
Ngõ vào nhà Bạch không lội, nhưng xa xa vẫn nghe những tiếng chân ai khua trong bùn nước lõm bà lõm bõm. Ông bầu kịch kinh ngạc, ông thi sĩ tỏ vẻ sửng sốt, duy ông bạn giới thiệu chỉ mủm mỉm cười.
Đến cổng, ông bạn lên tiếng:
– Ông Bạch có nhà không đấy?
Vợ Bạch, một người đàn bà nhà quê thô kệch ló đầu từ trái bếp nhìn ra, luống cuống đáp lời:
– Dạ, thưa các ông có ạ. Mời các ông vào chơi.
Người bạn dẫn đầu, bước mạnh bạo lên hai thân cây cau bắc làm cầu đi qua sân úng thủy. Thấy bóng nước động, những tảng muỗi vỡ tan ra rồi cơ man cánh muỗi đập vo vo lên khỏi mặt nước tù hãm đen ngòm. Ông bầu kịch, mặc dầu đi giầy kín mít, cũng thấy hai bàn chân ngứa ngáy. Huống hồ ông ta lại sợ bẩn gấu quần hàng lụa, mà không dám vén, vì lo muỗi thừa cơ luồn vào trong ống chân. Đi sau rốt là ông thi sĩ run như cầy sấy, dò từng bước sền sệt, nhiều lúc phải lấy can đảm nhoài cánh tay để vịn cho kịp cái ba toong mà ông bầu kịch chống dần từng nhịp lên thân mảnh dẻ vừa cong chĩu xuống lại vừa rung rinh. Họ đều nín tiếng im hơi để cố thoát nhục hình leo cầu vồng, và đều không còn mắt nào nhìn xem chủ nhân đã ló ra hay chưa…
Trong khi ấy, ngưới đàn bà tất tưởi sắn quần lội luôn xuống nưởc, ra khỏi cổng rất nhanh và chạy băng xuống ngõ dưới.
Người bạn dẫn đầu tới thềm thủy đình trước nhất, quay lại dơ tay đón ông bầu kịch và ông thi sĩ. Ông bầu kịch mừng quá, chìa thẳng cánh tay trái cho bạn nắm lấy kéo vào, còn tay phải thừa dịp làm việc nghĩa hiệp mới vung chiếc ba toong ra phía sau để nhà thi sĩ đương bị đưa võng kia vớ lấy. Thế là cả hai qua khỏi được cơn sông nước lớn, Ông bầu kịch thở phào một cái, vuốt mồ hôi trán. Còn ông thi sĩ thở phù, biết rằng mặt mình tái lắm, mới châm một điếu thuốc lá hút, khẽ than:
– Không biết phải dùng đến thuốc gì cho lại được hồn. Leo ôi!
Người bạn giới thiệu nãy giờ mới có thì giờ quay tim chủ nhân, thì chẳng thấy chủ nhân đâu. Nhà im phăng phắc, vắng leo teo. Người đàn bả cũng đã biến mất lúc nào không biết. Nhìn xuống bếp, bếp lạnh như tha ma. Gã bực mình lẩm bẩm:
– Quái…Quái…
Ba người ngơ ngác. Bỗng như một con hổ lao mình tới khiến cho nhà thi sĩ lại giật thót ngực, Bạch đã chạy về đầu tóc bơ phờ.
Ta đừng nên cười gã. Vốn từ hôm trước, Bạch đã sống ở trong một tình trạng thảm hại vô cùng. Nhận mời khách lạ đến chơi, bàn việc to, nói chuyện lớn, không có rượu không xong. Mà tiền thì Bạch lại vừa cạn túi. Đã thế, cái chương trình gã phác tạm về sự tiếp đãi cho thật thanh lịch lại hơi tôn tốn đôi chút. Gã xoay mãi cũng chỉ được ba đồng bạc, buổi sáng hôm ấy, đang cầm cân nhắc ở trong tay, thì chợt nghĩ đến hai mặt sấp ngửa, hai màu đỏ đen. Gã bèn quyết tâm tự nhủ: Nếu trời định cho ta thành công trên kịch trường phen này, thì ta sẽ phất một canh.
Thế là Bạch vững niềm tin, thốc xe đi mời một kép đàn và một hồng lâu ca nữ quen thuộc xuống nhà gã để hát đám, hẹn chừng ba giờ chiều phải có mặt, lại hứa trả một giá rất hời. Đoạn, gã trở về sớm, mò vào một đám sóc đĩa, lưng vốn còn hơn hai đồng.
Đương lúc gã tưởng chiều trời còn sớm, chưa cần về, vì vận đương tấy, thì vợ gã hớt hơ hớt hải chạy tới báo tin có khách. Gã giật mình, nhưng cũng mừng rỡ; vì vừa lúc để mà ăn non ra khỏi ngoài chiếu bạc. Ra ngoài, gã dúi cho vợ đâu chừng mười của, khẽ dặn:
– Xem trong xóm ai có gà vịt mua lại vài con, rồi về sửa soạn cơm rượu, nhanh nhanh lên nhé.
Vợ gã càu nhàu:
– Sao không bảo từ sáng, bây giờ mới…
Gã gắt vung lên:
– Câm ngay cái mồm. Ai biết đâu họ xuống sớm thế. Đi luôn, đi luôn đi, con tườu.
Rồi gã chạy tuột về nhà, đổi nét mặt tươi cười hớn hở.
Người bạn giới thiệu chủ với khách. Đôi bên tay bắt mặt mừng. Chuyện nắng mưa, chuyện đông tây, chuyện văn võ, đủ cả, để sau cùng ông bầu kịch hóa ra một nhà đại giang hồ, mà nhà thi sĩ thì hóa ra một tay đại cung kiếm, mà tay giới thiệu trung gian kia lại hóa ra một ông dàn kịch bậc thầy. Lẽ tất nhiên, Bạch cũng phải có địa vị của mình, cái địa vị ấy được bộ ba nọ đồng thanh tạm mệnh danh là lãng nhân hiếu khách.
Chén trà mấy tuần nhạt biếc. Những muội thuốc tàn rơi khắp nền đất ẩm. Câu chuyện đương nồng, bỗng tiếng vịt kêu quang quác làm cho cả chủ lẫn khách đều phải đưa mắt nhìn ra.
Làn nước rung rinh động. Một đôi vịt trắng như tuyết chuồi qua lỗ rào, ngăn nước sân này với nước sân khác, bơi tung tóe sang phía bếp nhà Bạch. Tiếng người kêu lên đồng thời với tiếng trẻ reo hò:
– Thôi, nó vào bếp nhà bác đấy rồi, mau lên bác Bạch ơi!
Vợ Bạch hiện ra ở phía sau vách nhà hàng xóm, đương lội bì bõm, mặt đỏ rừ. Ả đi về sân nhà mình bằng cái lối thông mà người ta đã bỏ lâu ngày, vì nước ngập mà hàng rào nứa đã đổ ụp. Nguyên là ả vâng lời chồng đi hỏi mua gà, song gập lúc có bệnh toi gà, suốt xóm không ai nuôi của nợ ấy, chỉ mua được hai con vịt lại là vịt đương thả dưới nước, phải đuổi bắt lấy rất khó khăn. Á vừa lội vừa hẩy hẩy bàn tay xua cho đôi vịt nhâng nháo đừng hòng tìm lối bơi chạy nữa, May thay, vài đứa trẻ ngoài cổng cũng vừa ùa vào lùa giúp người đàn bà một tay, dồn đôi vịt vào hẳn phía bếp để cho ả chộp luôn ngay được.
Trong thủy đình, ông thi sĩ đưa mắt nhìn ông bầu kịch cười một nụ cười ranh mãnh.
Người đàn bà nhốt vịt vào một xó, rồi kéo tấm liếp che cho kín gian bếp khỏi lộ liễu với nhà trên. Đoạn, ả nhóm lửa. Chỉ một lát sau, đã có, đứa bé bên hàng xóm cắp về một rổ rau hành và các thức gia vị, kèm thêm một chai rượu bổ. Đó là người đàn bà đã thuê nó mua bán lặt vặt hộ ở ngay giữa ngoài đầu bãi, trong khi ả bận đi bắt vịt.
Nước uống mãi cũng đâm ra nhàm miệng, mà rượu thì chưa làm xong món nhắm, Bạch nháy người bạn thân ra một chỗ, khẽ hỏi:
– Hay là ta khênh cái bàn tĩnh về trước, rồi chén sau.
Bạn cười và gật:
– Thế thì tốt nhất. Sao từ nãy, anh không nói.
Bạch vội vã chạy biến ra ngoài ngõ, một lát, trở về người không, nói vọng vào bếp mấy câu giục vợ mau tay. Đoạn, gã trải lại chiếu trên giường và rũ lại mấy cái gối.
Khách sắp ngáp dài bỗng tỉnh hẳn người nhìn thao láo ra cổng. Cả một đám rước ô hợp diễn ra: mội tên xo vai bưng một khay đèn thuốc phiện, theo sau có một lão kép vác cái đàn đáy lênh khênh và một ả đào, không trẻ, không già xách một khăn gói đỏ; ngưyên do đào ấy kép ấy xuống đến xóm hỏi thăm lớ ngớ vào ăn khao cửa nhà ông Bạch, thì lại gặp ngay cái tên mang khay đèn tới cho Bạch thuê, nó mới bảo có phải tìm vào cái nhà bác Bạch hôm ấy thết khách giết những hai cọn vịt thì cứ đi theo nó. Trẻ con kéo nhau theo xem ở phía sau lúc nhúc như đàn dê.
Trong nhà rộn hẳn lên một lúc. Tất cả có hai cái giường thì một để thiết tĩnh, một dùng cho đào kép ngồi sửa soạn hát. Người kép già mở khăn gói đồ, lấy ra nào trống; nào roi. phách, rồi lên giây đàn tửng tưng. Ả đào ngồi làm thinh, nhân thể, có đủ thì giờ ngoạn cảnh thủy đình làn nước thanh thanh, trên cành xoan ngơ ngác đôi chím sẻ… Bạch bưng trống đặt sang giường thiết tĩnh, trân trọng mời ông bầu kịch đánh lên ba tiếng thật ròn. Trong khi ấy, người bạn đã bắt đầu hơ nhựa nha phiến lên đèn vàng một ngọn.
Ả đào tủm tỉm miệng cười, đã bắt đầu hát:
Thuyền lan nhè nhẹ,
Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ tây,
Sóng rập rờn, sắc nước lẫn chèo mây
Bát ngát nhẽ khéo ghẹo người du tử…
Ông thi sĩ bỗng vỗ đùi cười ha hả mà kêu lên:
– Hay! Hay thật là hay! Hát đến bài đó thật là hợp cảnh hợp tình.
Ả đào lườm ông thi sĩ một cái, có ý nhắn: Hiểu lòng ta không ai bằng nhà ngươi.
Duy chỉ có Bạch là đỏ mặt, vì biết mình vừa bị lỡm.
Một chốc, mâm rượu bưng lên, có tiết canh đỏ choé, lòng sào với dứa vàng rợi; thịt vịt luộc chẩy mỡ, lẫn với ớt tía rau xanh, ngon lành lắm. Người đàn bà cung kính nâng mâm rượu ngang mày, từ từ đặt xuống giường, rồi vẫn cứ cúi mặt mà lui ra.
Họ nhất tề nhổm dậy. Bạch rót rượu ra chén, mời mọi người lên đũa. Cái nhà ông bạn thân kia, đã nhắp môi sắp uống hớp rượu thứ nhất, bỗng ngừng lại, nhìn Bạch trừng trừng, và hất luôn chén rượu đi mà quát:
– Tao không uống! Có phải mày định đầu độc tao đấy phải không?
Lại đổi luôn giọng hơi đau khổ:
– Vợ mày nó định hại tao. Trời ơi, thế ra chỉ vì một mụ đàn bà!
Dưới bếp vợ Bạch cuống cuồng lo sợ, ứa cả nước mắt. Lão kép già ôm chặt lấy cây đàn, để ngộ có xẩy ra việc gì nguy hiểm, mau chân chạy được. Ả đào cũng hơi hơi bắt chước lão kép. Duy chỉ có ông bầu kịch và ông thi sĩ, trước nét mặt kinh hãi ngơ ngác của chủ nhân, là vẫn thản nhiên nhấp cạn hớp rượu, và lùa cho trôi miếng tiết canh thơm mát, rồi mới tranh nhau cả cười mà khen người bạn chưa uống rượu kia rằng:
– Khá đấy! Phải, phải có bữa rượu thực hành như thế này, thì cái tài mới lột xuất được tận độ chứ… Khá đấy! Đến hôm này, anh cứ giữ nguyên cử chỉ hôm nay thì chẳng còn ai bắt bẻ vào đâu nổi.
Bấy giờ, người bạn mới giơ chén nói cùng Bạch:
– Xin lỗi anh! Xin anh chén rượu khác, bây giờ thì tôi uống thật. Vừa rồi là thử một chỗ khó ở trong vở kịch đấy mà. Phí một chén rượu nhưng tôi mua được một cảm giác xuất thần.
Bạch lắc đầu, khẽ nói:
– Gớm, thế mà tôi cứ tưởng…
Ông bầu kịch vỗ vai Bạch, mà bảo:
– Tôi sẽ dùng anh vào cái vai mời khách uống rượu, ấy anh cũng cứ giữ nguyên nét mặt hốt hoảng vừa rồi là anh sẽ thành tài.
Trống lại tom tom tom chát tom. Ả đào lại ê a hát. Dưới bếp, người đàn bà ngồi khóc vì không hiểu chồng mình hay 1à bạn chồng mình điên dại ra làm sao. Tiếng nức nở vang đến tai thi sĩ. Y mới hỏi rằng:
– Gần đây hình như có một giai nhân đau lòng?
Bạch chưa kịp đáp, ông bầu kịch đã nói:
– Anh đến hay dùng hai chữ giai nhân. Thế nào là giai nhân mới được chứ?
– Đại khái như nàng Mạnh quang ngày xưa.
Vài người cất tiếng cười rúc rích. Ông thi sĩ lại tiếp:
– Nàng Mạnh quang là một người đàn bà tốt, dâng vật gì cho chồng cũng đều dâng lên ngang mày, đời gọi thế là kính chồng, tôi gọi thế là giai nhân.
Ông bầu kịch vuốt ria mép cãi:
– Tôi bảo không phải là giai nhân. Vi sao? Vì nàng Mạnh quang xấu, không bao giờ dám để chồng nhìn rõ mặt, cho nên dâng vật gỉ gần chồng mới phải giơ cao lên tận trán để che mặt đi, chứ có phải tại cái lòng kính chồng mà làm như thế đâu.
Người bạn thân của Bạch vụt nói:
– Nghĩa là tóm lại đàn bà mà xấu thì sẽ khổ.
Ông thi sĩ gật gù nhưng rồi lại lắc đầu lè nhè nói:
– Đàn bà mà xấu lại là một cái phúc cho chồng. Tôi nhớ sách có chép chuyện một ông già rất thọ, người ta hỏi tại sao được thọ, thì ông già ấy đáp thật thà rằng tại vợ mình xấu quá.
Mọi người cười ồ, duy Bạch cười hơi gượng. Người bạn thân của gã vội kết luận:
– Vợ đẹp, có tổn thọ hay không, cũng mặc các ông chồng. Ta ngồi uống rượu ở đây, đàn ngọt hát hay, thì hãy cứ biết mâm rượu ngon này là nhờ ở bàn tay đàn bà mới có, vậy vị chi tất cả đàn bà đều đáng gọi là giai nhân, có hề gì đâu.
Nghe đến chữ hề, ông thi sĩ vội giở ra một tập giấy đánh máy, bảo Bạch:
– Rượu ngấm giọng rồi, anh thử ngâm cái đoạn này xem ra làm sao. Hãy nghỉ nói phiếm, để vào việc đã.
Bạch coi qua, nhân đương có cơn ấm ức bất bình riêng ở trong lòng, mới tợp luôn một hơi dài, vung tay ngửa mặt mà thét nhạc:
Người đẹp ở đâu, hề, ta tìm đây
Người đẹp ở đâu, hề, ta đương say…
Trời hỡi đất ơi, hề, ta chí lớn,
Mong cầu người đẹp, hề, ba năm nay…
Ông thi sĩ vỗ đùi khen:
– Hay! Được! Ta đã tìm được một người bằng ngọn đuốc phù dung! Anh hãy cứ lấy chính cái lửa ở lò lòng anh ra mà luyện giọng điệu kịch thơ, thì rồi anh thành công đấy. Kẻ trượng phu sao cứ chịu nín náu mãi ở trong lều gianh, cho uổng một đời! Hãy đi cùng chúng tôi, lập một sự nghiệp, tạo một thanh danh; và…
Ông bầu kịch bất tất giữ ý nói phăng:
– Không thiếu gì người đẹp!
Dưới bếp, người đàn bà càng nức nở.
Say sưa đủ mọi thứ, Bạch hăng hái nói:
– Phải, tôi quyết phải theo các anh, ra khỏi cái xóm đau lòng này. Đời tôi u uất quá rồi, nhục nhã quá rồi. Dưới bếp đem cơm lên đây nhé! Thắp cái đèn lên cho sáng!
Không có tiếng dạ, và lâu lâu cũng chẳng thấy đèn, cũng chẳng thấy cơm. Bạch điên tiết, chạy xuống bếp, túm ngay đầu vợ bấy giờ còn đương gục ngồi thổn thức; mà đá phốc cho một cái. Người đàn bà kêu trời, giằng ra mà chạy được khỏi cổng. Bạch không có thì giờ đuổi đánh vợ thêm, vào hậm hực tự thắp đèn và bắc cơm lên đãi khách.
Ông bầu kịch an ủi xa xôi:
– Anh thật là người hiếu khách, khiến cho chúng tôi mới gặp đã phải coi như bạn già. Sự chân thành bầu bạn hôm nay của anh, chúng tôi sẽ lo đền tạ lại…
Lão kép và ả đào cùng thu xếp xin lui, vì nghe nhắc lại hai chữ đền tạ. Bạch tiễn họ ra tận cổng, còn bao nhiêu tiền được bạc dổc hết để trả lời hứa lúc sáng.
Cơm xong, bọn tứ tài tử còn tráng miệng bằng cao phù dung nướng, đến lúc trăng mọc sáng ngời mặt nước, mới chia tay nhau, hẹn ngày mai Bạch lên tìm họ tại nhà ông bầu kịch để bắt tay vào việc.
Đêm ấy, Bạch không thể nào tha thứ được cái tội của vợ ban chiều. Gã tìm vợ về, đánh cho một trận xiêu cửa bếp, gẫy cầu sân, và sau cùng, nhất định viết một tờ cam kết vắng mặt mẹ, hẹn cho người đàn bà khốn nạn thê thảm nọ sớm hôm sau phải cầm tờ đó khăn gói về ở hẳn nhà quê mà đợi ngày tái gìá. Tờ rằng:
“Tên tôi là Nguyễn Văn Bạch, bằng lòng ly dị hẳn người vợ tên là Nguyễn Thị Te, vì cớ không thể hòa thuận với nhau đến trăm năm đầu bạc được. Than ôi! Nhẽ phải như thế, tôi nuốt lệ mà viết giấy này, dù mẹ tôi có muốn bắt Nguyễn Thị Te về ở với tôi phen nữa cũng không thể được. Vậy Nguyễn Thị Te cứ việc giữ lấy cái giấy này, rồi có ai thương yêu thì việc về với người ta, tôi không dám làm lôi thôi một điều gì cả, mà cả đến mẹ tôi cũug không có quyền lôi thôi gì nữa. Ngày… tháng… năm… Ký tên: Nguyễn Văn Bạch”.
Tiểu thuyết thứ bẩy – Nguyệt san, Số 7, Tháng 12 năm 1944