Tống biệt hành, một bài cổ thi hiện đại không bao giờ cũ – Nguyễn Hàn Chung

TỐNG BIỆT HÀNH
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không úa không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ,ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Ly khách !Ly khách !con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị,hai chị,cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giời chưa vào thu , tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi, ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

Ngay từ câu thơ đầu tiên chất cổ thi đã thấm tràn con chữ “Đưa người, qua sông” chỉ là cách Việt hóa các hình ảnh có tính ước lệ về sự biệt ly trong thơ Đường nhưng không phải là sự Việt hóa đơn giản mà có sự đổi mới hơn về chất. Thâm Tâm dùng từ “qua’’ trong ngữ “qua sông” thật là đắt. Qua chứ không phải sang, dù qua và sang hàm nghĩa gần giống nhau trong nhiều văn cảnh. Nói qua người ta nghĩ đến lại. Ly khách qua sông rồi lại sẽ về chứ không phải như người tráng sĩ xưa “thử địa biệt Yên Đan” là “nhất khứ bất phục hoàn” dù trong mấy câu thơ sau tác giả có đề cập đến “không bao giờ nói trở lại”. Không nói chứ không phải là không trở lại.
Tôi không đồng ý với nhiều người cho rằng đây là cuộc chia ly nhuốm màu vĩnh biệt bởi điểm sáng thẫm mỹ của bài thơ một phần chính là sự trở về của ly khách. Nói như thế có khiên cưỡng chăng?
Người đi thấm đầy nỗi hoàng hôn trong mắt. Ngoại cảnh ‘’bóng chiều không thắm không vàng vọt’’không hề chi phối tâm trạng người đi. Nghệ thuật miêu tả bứt phá khỏi lối mòn của cổ thi’’bóng tà như giục..’’’’rừng phong thu đã…’’tạo nên một cảm quan mới mẻ. Lại nữa ‘’một giã gia đình một dửng dưng’’. Dửng dưng thế nào được khi cái gia đình ấy là mẹ, là chị.là em nghĩa là những người thân yêu nhất cần sự bảo vệ che chở của người đàn ông nhất là trong thờ binh lửa người phụ nữ, đứa con thơ yếu đuối kia vắng bóng người đàn ông trụ cột trong gia đình tránh sao khỏi những điều tai ương có thể úp chụp bất cứ lúc nào lên cuộc đời họ. Ta không thể ‘’dịch’’ hình ảnh’’ một dửng dưng’’sang bình diện lời nói hoặc khái niệm để hiểu một cách hiển ngôn. Việc thâm nhập vào hình tượng thơ rất cần sự thấu cảm (empathy) của người đọc.’’Một dửng dưng‘’là sự dồn nén đến độ tối giản của lòng thương nhớ. Quyến luyến bởi con người đã từng ‘’buồn chiều hôm trước ‘’’’sáng hôm nay’’ nghĩa là trước giờ chia biệt thì không thể nào có sự dửng dưng vô cảm khi cồn cào trong lòng là nỗi nhớ mong mẹ già,dòng lệ sót của người chị, chiếc khăn tay gói tròn thương tiếc của đứa em thơ.

Chính vì điều ấy tác giả cho kẻ tiễn tặng người đi một chữ ‘’thà’’dành cho ba con người thương yêu nhất, xem nó là cột mốc phân lằn ranh giữa tình nhà và chí lớn. Nếu so sánh chữ thà trong Tống Biệt Hành và chữ thì trong bài thơ Thưa Mẹ Con Đi của Nguyễn Khoa Điềm thì có hơi khập khiễng song sự mâu thuẫn đầy kịch tính thì không khác nhau một chút nào bởi vì hai tiếng ấy vừa giữ nhiệm vụ chặt đứt sợi dây tơ tình vừa thể hiện sự níu giữ điều ít tìm thấy trong thơ xưa nói về nỗi niềm ly biệt. Từ thà nghe có vẻ quyết liệt dứt khoát hơn nhưng nếu ta lắng lòng mình lại sẽ thấy từ thà giống như một con người có vẻ ngoài xơ cứng, liều lĩnh nhưng lại chứa đựng bên trong một trái tim nồng cháy yêu thương đợi chờ. Đeo đôi kính thấu cảm lên ta sẽ điểm trúng ngay huyệt đạo của ly khách mà có thể con người của cuộc đời thường nhiều khi không bao giờ tìm thấy sự yếu đuối trong thái độ làm ra vẻ bất cần ấy.

Ly khách là ai? Là ai cũng được miễn người ấy ra đi vì chí lớn. Ma lực của bài thơ cuốn hút con người chẳng những toát ra từ nội dung ý tưởng,mà còn ở âm điệu trầm hùng mà bi tráng. Các phù bình thanh,trầm bình thanh đan xen vào nhau lại có sự điểm xuyết của một vài thanh trắc đan cài luyến láy tạo nên một giá trị thẩm mỹ đích thực, một sự thôi thúc thông qua giọng điệu trữ tình riêng biệt mang phong cách cá nhân của nhà thơ thể hiện sự phức điệu trong chiều sâu trong tâm tưởng con người.

Chính vì thế có thể nói Tống Biệt Hành là một bài cổ thi hiện đại không bao giờ cũ.

(Bài đạt giải I cuộc thi bình thơ của Báo Giáo Dục và Thời Đại Tháng 6 năm 2001)
Nguyễn Hàn Chung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *