Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 817, 20/04/2013
Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình (1917 – 1950), nổi tiếng với bài thơ Tống biệt hành, được Hoài Thanh đánh giá bằng những lời khá trân trọng trong Thi nhân Việt Nam: “… Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”
Tống biệt hành
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng.
– Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Tống biệt hành: bài thơ cổ thể
Thâm Tâm là nhà thơ của phong trào Thơ mới, nhưng lại chọn làm thơ cổ thể. “Hành” thuộc cổ thể. Điều này cũng dễ hiểu: văn chương nước ta đã trải qua một thời kỳ dài trói buộc với thơ luật: những câu thơ đầy điển tích với niêm luật cứng nhắc khiến người ta thấy bức bối. Cùng với trào lưu Âu hóa, một khuynh hướng giải phóng thơ ca bùng lên với phong trào Thơ mới, mà người chủ soái là Phan Khôi với bài thơ Tình già, nổi tiếng là mới cả về hình thức lẫn ý tưởng… Theo chân Phan Khôi, nhiều nhà thơ trẻ Việt Nam đã đưa thơ ca Việt Nam đến một chặng đường mới: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… đã từ bỏ hẳn những ràng buộc của thơ luật để làm thơ tự do… Đến Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân vẫn còn quyến luyến với âm hưởng thơ ca của một thời vang bóng, nên đã quay về với lục bát và thơ cổ thể. Cổ thể là thơ xưa nhưng lại gần với Thơ mới cả về tư tưởng lẫn phong cách sáng tác. Nhóm “Tam anh” này thích thể “hành”: Nguyễn Bính viết Hành phương nam, Thâm Tâm viết Can Trường hành, Vọng nhân hành, Tống biệt hành…
Tống biệt hành nổi tiếng nhất, được đưa vào sách giáo khoa trung học. Có người đã bàn về ngữ và nghĩa của bài thơ để cho rằng hành là đi đây đó rồi viết nên thơ. Đành rằng mặt chữ là một nhưng hành ở đây đơn giản chỉ là tên thể thơ. Yên ca hành của Cao Thích, Binh xa hành của Đỗ Phủ, Giới lộ hành, Bộ xuất Hạ Môn hành của Tào Tháo, Tòng quân hành của Dương Quýnh… quả là có diễn tả nhiều động thái, đặc biệt là cảnh trận mạc, chiến trường… nhưng nội dung của Tì Bà hành của Bạch Cư Dị, Oán ca hành của Ban Tiệp Dư chẳng hạn, chính là diễn tả tâm trạng. Kể cả bài thơ đang bàn đến của Thâm Tâm cũng không mang nội dung thiên di, mà chỉ tả cái bi tráng trong tâm sự kẻ ở, người đi. Ngoài ra, gọi Tống biệt hành là bài thơ nhưng chính thực là bài ca. Tống biệt hành là bài ca tiễn biệt. Gốc rễ của thể hành chính là những bài ca dao, dân ca được người nông dân nơi ruộng đồng, ngư phủ trên sông biển hát cho khuây nỗi nhọc nhằn… Các bài ca dân dã ấy từ xa xưa đã được Khổng Tử tập hợp trong Kinh Thi, rồi sau biến hóa thành từ. Thể loại này ban đầu mỗi câu chỉ có 4 chữ. Thí dụ Kinh Thi:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu
Về sau, Sở Từ có đến 6-7 chữ, thí dụ Li Tao:
Đế Cao Dương chi miêu duệ hề,
Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung.
Nhiếp đề trinh vu mạnh trâu hề,
Duy canh dần ngô dĩ giáng.
Hoàng lẫm quỹ dư sơ độ hề…
Những bài ca dân dã này đến đời Hán (203 tr.CN – 220) xâm nhập vào vũ nhạc cung đình, gọi là Nhạc phủ, mỗi câu có 5 chữ, có khi 7 chữ. Đến đời Đường, người ta sính thơ luật với khuôn phép chặt chẽ nên các bài dân ca mộc mạc đã vận dụng phong cách thơ luật để tạo thành “Thất ngôn ca hành thể”
Nói tóm lại, thể ca – hành nguyên là dân ca xưa của Trung Hoa rồi biến thành Nhạc phủ, sau đó lan truyền sang nước ta. Tống biệt hành của Thâm Tâm đã dùng thể ca – hành của Nhạc phủ đời Hán. Bài ca 7 chữ dài, vần không xuyên suốt từ đầu đến cuối mà thay đổi theo từng đoạn; phong cách thơ khoáng đạt, bi tráng…
Cuộc đời ngắn – tiếng thơ dài
Theo nhà văn Ngọc Giao, thư ký tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thì Tống biệt hành được làm trong bữa rượu tại nhà Lê Văn Trương, chia tay một người bạn tên Viễn sắp đi xa […] nhưng theo ông Phạm Quang Hòa (Lương Trúc), nguyên giám đốc Sở Thông tin Liên khu X, thì bài thơ được Thâm Tâm viết trong bữa rượu chia tay tiễn ông lên đường vào chiến khu
Xót xa thay, bài thơ cũng là lời báo hiệu vĩnh quyết mười năm sau của chính Thâm Tâm. Nhà thơ cũng đã “một giã gia đình một dửng dưng“… rồi ra đi, đi mãi không về, thân chôn nơi chiến địa. Thơ đã vận vào người:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Năm 2003, NXB Trẻ có xuất bản Thâm Tâm – cuộc đời ngắn, tiếng thơ dài của Hoài Việt. Cuộc đời ngắn là bởi nhà thơ đi chiến dịch rồi mất trên núi rừng năm 33 tuổi, còn tiếng thơ dài thì… cả tập sách mỏng mảnh khổ nhỏ chỉ có 138 trang, trong đó chiếm phần lớn là thân thế sự nghiệp nhà thơ cùng các bài viết dùng tham khảo, còn lại vỏn vẹn chỉ trích mấy bài thơ nổi tiếng của Thâm Tâm. Cũng có thể hiểu được ý Hoài Việt ở đây là thơ Thâm Tâm làm không nhiều nhưng rất hay, vang vọng mãi với thời gian. Thật vậy, có ý kiến đã cho rằng “Nếu cần chọn ra một trăm bài thơ hay nhất của thế kỷ XX, người ta nhất định phải lấy Tống biệt hành của Thâm Tâm” (1). Cả quyết hơn lại có ý kiến: “Nếu kể tên mười nhà thơ Việt Nam lớn nhất, không chắc có Thâm Tâm, nhưng chọn mười bài thơ mới hay nhất, khó có thể bỏ qua Tống biệt hành” (2)
Thâm Tâm viết khá nhiều truyện ngắn, truyện vừa, kịch… trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Ngày Nay… riêng ở tuần báo Bắc Hà, Thâm Tâm còn trình bày bìa, vẽ tranh biếm họa, viết thơ văn, truyện… nhưng thành công nhất chỉ có thơ, đặc biệt là các bài ca – hành – mà nổi bật nhất là Tống biệt hành (nếu không kể đến bài thơ tình đầu đời rất hay – Hai sắc hoa ti gôn – ghi tên tác giả là T.T.Kh.)
Có lẽ vì vậy mà viết Thi nhân Việt Nam – giới thiệu Thâm Tâm – Hoài Thanh chỉ trích mỗi một bài thơ Tống biệt hành
Từ tình riêng đến tình nhà – nợ nước
Năng khiếu thơ của Thâm Tâm đã phát tiết từ lúc còn rất trẻ; trước hết phải kể đến những bài thơ tình mà trong đó hay nhất là bài Hai sắc hoa ti gôn. Tác giả bài thơ tuy lên báo với cái tên bí ẩn là T.T.Kh. nhưng chính thật là Thâm Tâm (3). Nghi vấn suốt 70 năm qua rất nhiều; nhiều bài viết, nhiều đầu sách xuất bản đã cho rằng T.T.Kh. là người này, người nọ… nhưng xem xét kỹ, cân nhắc, so sánh lại thì T.T.Kh. quả không ai khác hơn là chính Thâm Tâm. T.T.Kh. là viết tắt tên người yêu của ông là Trần Thị Khánh. Trần Thị Khánh yêu Thâm Tâm, nhưng lại rẽ bước sang ngang, chọn một người chồng lớn tuổi giàu có, đã qua một đời vợ… Trần Thị Khánh không hề biết làm thơ. Thâm Tâm đau khổ vì mất tình nên đã tự làm lấy bài thơ thác lời T.T.Kh.; rồi lại giả cách nhờ một người con gái con bà cô chép bài thơ vào giấy học trò bằng bút chì, nét chữ run, nét mờ… bỏ vào bì mang tay đến tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy… (4). Bài thơ hay nên được phổ biến rộng rãi, được nhiều người đọc. Cả cô Trần Thị Khánh cũng đọc và có lẽ vì sợ vỡ chuyện làm ảnh hưởng hạnh phúc nên cô viết thư cự tuyệt Thâm Tâm. Vì thế mà lại có tiếp mấy bài thơ nữa cũng ghi tên T.T.Kh. gửi đăng báo: Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo, Bài thơ cuối cùng…
Hãy đọc lại lời kể của Nguyễn Vỹ trong Văn thi sĩ Tiền Chiến, ở đây Nguyễn Vỹ cũng giải thích rõ lý do tại sao Tuấn Trình lại chọn bút hiệu Thâm Tâm. Bút hiệu Thâm Tâm chính là đã xuất phát từ cuộc tình này: (5)
“… Tôi quen biết Tuấn Trình do Trần Huyền Trân giới thiệu. Nhà anh ở Chợ Hôm, cách chợ độ ba bốn trăm thước. Anh đẹp trai, y phục lúc nào cũng bảnh bao, người có phong độ hào hoa, lịch thiệp. Tôi thấy ở Sài Gòn có anh Hoàng Trúc Ly, nhà văn, giống na ná Tuấn Trình về dáng điệu cũng như tính tình, tư cách. Nhiều khi gặp Hoàng Trúc Ly trên đường Bonard Sài-Gòn, tôi quên lửng, cứ tưởng gặp Tuấn Trình trên phố Chợ Hôm, Hà Nội.
Một buổi chiều gần tối. Tuấn Trình đi lang thang gần chợ Khâm Thiên. Tôi từ Hà Nội về nhà, tưởng anh ta đến Trần Huyền Trân, nhưng anh bảo: “Thằng Huyền Trân nó đi đâu, không có nhà”. Tôi rủ anh về gác trọ của tôi ở cuối phố. Hôm ấy tôi có vài chục bạc trong túi, có thể làm một tiệc bánh giò chả lụa với Tuấn Trình. Tôi bảo anh ở lại ngủ với tôi cho vui. Đêm ấy cao hứng, Tuấn Trình ngà ngà say rượu Văn-Điển, kể chuyện tình của anh với cô Khánh cho tôi nghe.
Trần Thị Khánh là một cô học trò lớp Nhất trường Tiểu học Sinh-Từ. Thi hỏng, cô ở nhà giúp mẹ làm việc nội trợ. Nhà cô cũng ở đường Sinh-Từ, ngay cạnh Thanh-Giám, nơi đền thờ Khổng Tử. Thanh – Giám là một thắng cảnh Hà-Nội, đã liệt vào cổ tích Việt Nam, xây cất từ đời nhà Lý, tu bổ dưới đời nhà Lê, hình chữ nhất, chung quanh xây tường đá ong, cao độ hai thước. Đền thờ ở trong cùng, trước đền có Hồ Tròn, hai bên hồ dựng nhiều tấm bia ghi tên các tiến sĩ đời nhà Lê. Vào Thanh-Giám, có cổng Tam Quan lớn, trước cổng có tấm bia đề hai chữ Hán: “Hạ Mã”, và hai trụ cao. Trong vườn trồng rất nhiều cây cổ thụ và các cây kiểng. Nơi đây rất yên tĩnh và mát mẻ, cũng là nơi các cặp trai gái hẹn hò tâm sự. Trước kia có một bầy quạ chiều tối bay về ngủ, cho nên người Pháp gọi là “Pagode des Corbeaux” (Chùa Quạ) ngoài danh từ lịch sử “Temple de Confucius” (Đền Khổng Tử).
Cô nữ sinh Trần Thị Khánh là một thiếu nữ đẹp, nét đẹp mơn mởn của cô gái dậy thì, thùy mị, nết na, nhưng không có gì đặc biệt. Tuấn Trình có người cô, nhà ở phố chợ Cửa Nam, gần Sinh-Từ. Anh thường đến đây và thấy cô Khánh đi chợ mỗi buổi sáng. Lúc ấy vào khoảng tháng 2 năm 1936, họa sĩ Tuấn Trình (tên gọi hồi đó) mới 19 tuổi, và cô Khánh 17 tuổi, thi rớt Tiểu học và đã nghỉ học từ mùa hè năm trước. Tuấn Trình mới bắt đầu vẽ và viết chút ít trong tờ tuần báo Bắc Hà của Trần Huyền Trân vừa xuất bản.
Sau một vài tháng theo dõi, Tuấn Trình làm quen được với cô Khánh và gởi báo Bắc Hà tặng cô. Cô gái 17 tuổi, cảm mến người nghệ sĩ tài hoa, tình yêu chớm nở như cành hoa Antigone trắng vừa chớm nở trong tháng đầu hè trước sân nhà cô. Antigone là loại hoa của người Pháp đem qua hồi đầu thế kỷ, không thơm nhưng đẹp. Nó thuộc loại hoa dây, lá giống lá nho, cho nên ở miền Nam, nhiều người gọi là hoa nho. Nó có hai loại, loại hoa trắng và hoa hồng. Hoa nở vào đầu mùa hè, thành những chùm rất dễ thương, nụ hoa giống hình trái tim nho nhỏ. Ở Hà-Nội người ta trồng rất nhiều và bán rất nhiều trong chợ Đồng Xuân, cũng như ở chợ Hoa, bờ hồ Hoàn Kiếm. Cắm nó vào lọ để phòng khách, nó buông ra một vẻ đẹp lãng mạn, khả ái lắm. Người Bắc gọi tắt hoa Ti-Gôn. Ở phố Sinh Từ Antigone mọc rất nhiều, như trước sân nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Nhược Pháp. Nhà trọ của Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều ở phố Nam Long có cả một giàn hoa trắng và hồng. Nhưng mùa đông lá rụng hoa tàn, thì không cảnh nào tiêu sơ quạnh quẽ bằng.
Tình yêu của Tuấn Trình và Trần Thị Khánh chớm nở ngay lúc những chùm Antigone vừa hé nụ, và chết trong những ngày giữa mùa Đông năm đó, trong lúc giàn hoa Ti-gôn úa tàn, rụng ngập đầy sân. Thời kỳ mơ mộng ngắn ngủi trong mấy tháng Hè, sang hết mùa Thu, không đem lại chút thỏa mãn nào cho tâm hồn khao khát của Tuấn Trình. Chính lúc này Tuấn Trình lấy bút hiệu Thâm Tâm và cho cô Khánh biết: Hình ảnh của em, anh ghi sâu vào thâm tâm anh. Trong bài Màu Máu Ti-Gôn, cũng có câu:
Quên làm sao được thuở ban đầu
– Một cánh ti gôn Dạ khắc Sâu
Một vài bài thơ tình thức đêm làm tặng Khánh, những bài thơ đầu tiên đăng trên tuần báo Bắc Hà, đều ký Thâm Tâm, các tranh vẽ trong báo vẫn ký Tuấn Trình. Nhưng cô gái 17 tuổi, dè dặt theo lễ giáo nghiêm khắc của gia đình, chưa thật bao giờ đáp ứng với tình yêu tha thiết của Tuấn Trình – Thâm Tâm. Đó là điều đau khổ triền miên của chàng nghệ sĩ 19 tuổi. Trong lúc những cặp tình nhân trẻ trung dắt nhau đi du ngoạn khắp nơi thơ mộng ở Hà-Nội và ngoại ô: Hồ Tây, chùa Láng, Bạch Mai, Phúc Trang, Đền Voi Phục… thì Trần Thị Khánh cứ phải từ chối những lời mời của Thâm Tâm. Cô thường nói: “Thầy mẹ em nghiêm, gia đình em nghiêm lắm…” Lần nào cô Khánh cũng lặp lại chữ nghiêm gia giáo ấy để trả lời kỳ vọng khát khao của người yêu.
Chỉ được hai lần Khánh đến nơi hẹn, nhưng không được lâu. Lần thứ nhất, một đêm trăng, Khánh lén băng qua đường, vào vườn Thanh-Giám. Tuấn Trình đã chờ người yêu nơi đây, dưới bóng cổ thụ. Nhưng cô Khánh run cả người (theo lời Tuấn Trình kể lại) cậu cũng lính quýnh, tất cả những câu bay bướm cậu sắp sẵn để nói với nàng, bấy giờ cậu quên mất hết. Một lúc lâu Tuấn Trình mới nói được mấy lời tình tứ, nhưng lại trách móc, nghi ngờ, nàng không yêu mình. Nàng bảo: “Em không yêu anh sao dám ra đây gặp anh? Nhưng vì thầy me em nghiêm lắm, anh ạ.” Tuấn Trình hỏi chua chát: “Giờ phút này chỉ có thơ và mộng, chỉ có anh với em, ánh trăng đẹp của hai đứa mình có nghiêm không nhỉ?”. Có lẽ vì bất bình câu nói mỉa mai của người yêu, Khánh lặng yên một phút rồi đáp: “Ánh trăng đẹp, nhưng vẫn nghiêm đấy, anh ạ”. Cuộc gặp đêm ấy, chỉ lâu không đầy một tiếng đồng hồ. Tuấn Trình đặt một chiếc hôn âu yếm trên bàn tay của Khánh trước lúc nàng vội vã chạy về nhà.
Lần thứ hai, hai cô cậu cũng gặp nhau trong vườn Thanh (nhiều người sau này nói Thanh là Thanh Hóa, là hoàn toàn sai sự thật). Vườn Thanh-Giám đêm ấy cũng ngập ánh trăng Thu. Nhưng thái độ của Khánh lạ lùng khó hiểu. Hình như Khánh muốn nói với Tuấn Trình một điều gì, nhưng ngại ngùng không nói. Chàng lặng lẽ vuốt mái tóc huyền của Khánh rồi khẽ bảo: Ước gì anh được yêu em như thế này mãi… Nàng buồn bã hỏi: “Anh định bao giờ đến xin thầy me cho chúng mình…” Chàng họa sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ. Chàng lơ đễnh bảo: “Anh chưa nghĩ đến việc ấy, vì…” Câu chuyện bị bỏ dở nơi đây. Khánh không hỏi gì hơn nữa. Chàng nắm tay nàng đi dạo quanh hồ nước xanh rì lăn tăn gợn sóng, chàng dừng lại, khẽ kéo Khánh vào lòng, nhưng nàng khẽ buông ra, Tuấn Trình âu yếm nhìn nàng: “Em!” Khánh mải cười: “Anh bảo gì?”
– Hình ảnh của em, nụ cười của em, sẽ mãi mãi ghi sâu vào lòng dạ của anh, vào thâm tâm anh.
Trần Thị Khánh bẽn lẽn cười như để tạ ơn và xin từ giã. Tuấn Trình trằn trọc suốt đêm. Khánh muốn giấu chàng một điều gì quan trọng chăng? Tình yêu giữa hai người vẫn nguyên vẹn, thư từ qua lại vẫn âu yếm, nhưng Tuấn Trình bắt đầu thấy lòng buồn bã băn khoăn khi giàn hoa Ti-gôn bắt đầu héo rụng trong nắng úa tàn thu. Thế rồi một hôm, chàng họa sĩ đa tình nhận được một bức thư của người yêu, không, của người hết yêu, báo tin nàng sắp lấy chồng.
Thư viết bằng mực tím, trên bốn trang giấy học trò, xé trong một quyển vở Nam Phương hoàng hậu (loại vở học trò rất thông dụng lúc bấy giờ). Thư do một cô bạn gái của Khánh đem đến tòa báo Bắc Hà trao tận tay Tuấn Trình. Cô bạn gái hỏi “ông Tuấn Trình” chứ không gọi Thâm Tâm. Ngoài bao thư cũng đề: Monsieur Tuấn Trình (chữ Mr. bằng tiếng Pháp), nét chữ quen thuộc của T.T. Khánh. Đại khái, Khánh nhắc lại tình yêu “thơ mộng” của cô với “người nghệ sĩ tài hoa son trẻ” (những chữ cô dùng trong thư), tình yêu rất đẹp, nhưng vì thầy me của cô rất nghiêm, theo lễ giáo, nên dù người vị hôn phu của cô là một người chỉ mới biết sơ thôi, nhưng cô vẫn có bổn phận “giữ tròn chữ hiếu, không dám cãi lời thầy me đặt đâu ngồi đấy v.v…” Cô nói cô buồn lắm vì tình yêu dang dở, “Em yêu anh mãi mãi! Không bao giờ quên anh, nhưng ‘van’ anh đừng giận em, thương hại em, chứ đừng trách móc em v.v…” Cô than thở đời cô khổ nên tình duyên ngang trái, cô khóc suốt đêm v.v…
Khánh không nói một câu nào về người vị hôn phu, không cho biết ngày cưới, và cuối thư ký tắt: K.H. Bức thư của K.H chấm dứt một cách đột ngột cuộc tình duyên thật sự không mấy “thơ mộng” của họa sĩ Tuấn Trình và cô Trần Thị Khánh.
Sau do sự dọ hỏi vài người quen ở phố Sinh-Từ, Tuấn Trình được biết chồng cô Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, góa vợ và không có con. Trong câu thơ: “Bên cạnh chồng Nghiêm luống tuổi rồi” chỉ sự cách biệt tương đối giữa tuổi 39 của người chồng với tuổi hãy còn vị thành niên của cô Khánh. Đó chỉ là nhận xét chủ quan và mỉa mai của Thâm Tâm, so sánh tuổi mình 20 với người đàn ông được diễm phúc làm chồng cô Khánh, nhưng trên thực tế và theo lời những người hàng xóm ở phố Sinh Từ nói với Tuấn Trình thì người chồng cô Khánh “giàu sang và trẻ đẹp” chứ không phải một ông già. Tuấn Trình cũng nhìn nhận rằng một người nhà giàu 40 tuổi, đẹp trai, không thể là một ông già.
Đám cưới đã nhờ mối lái qua lại từ lâu, và đồ sính lễ có kiềng vàng, xuyến, nhẫn, vòng, kim cương, quần áo hàng lụa quí giá. Rước dâu bằng mười chiếc Citroen mới, cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo cưới màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi trên xe hoa như nàng công chúa ngồi cạnh người chồng mặc áo gấm xanh. Đêm trước hôm cô Khánh lên xe hoa, Thâm Tâm có tổ chức tại tòa báo Bắc Hà một tiệc thịt chó, uống Mai Quế Lộ, mời Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can tham dự. Họ say sưa, ngâm thơ, làm thơ, cười đùa cho đến khuya rồi lăn ra ngủ trên đất. Người đau khổ trong cuộc tình duyên dang dở này không phải là cô Khánh. Trái lại, cô có đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cô. Trần Huyền Trân đã gặp cô đi hí hởn với chồng vào ăn kem ở tiệm Blanche Neige (kem Bạch Tuyết), Bờ Hồ hai lần. Hai ông bà nhìn nhau và cười với nhau ra vẻ âu yếm lắm. Khánh đã có thai, được chồng săn sóc nâng đỡ lên chiếc xe nhà Citroen, lúc ra về, còn đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Trần Huyền Trân kể lại cảnh âu yếm đó cho Tuấn Trình nghe và kết luận: “Con Khánh nó cho cậu leo cây, cậu còn si nó làm gì nữa, thêm tủi nhục”. Người đau khổ dĩ nhiên là Tuấn Trình, Thâm Tâm. Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can.
Vì một chút tự ái văn nghệ, đối với mấy người kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” ký T.T.KH, với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ, con gái của người cô ở phố Cửa Nam, mang thư đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Cho nên giọng thơ hoàn toàn là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình, và lời thơ khác hẳn những lời tâm sự trong bức thư cuối cùng của KH, báo tin sắp lấy chồng. Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả! Và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác. Tuấn Trình đã nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận được một bức thư của Khánh, bức thư cuối cùng, tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô. Trong thư phản đối đó, Khánh xưng tôi, chứ không xưng em như những thư trước, để chấm dứt trò chơi vô ích ấy. Thâm Tâm lấy những lời nghiêm khắc giận dữ của người yêu cũ để làm ra “Bài Thơ Cuối Cùng”.
Ông Nguyễn Tố, người đã từng sống chung với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Vũ Trọng Can năm 1936 tại Hà Nội cũng xác định trên nhật báo Sống (miền Nam) ngày 15.4.1967: “… Thâm Tâm có mấy bài thơ ký tên T.T.Kh. như bài Hai sắc hoa tigôn. Lúc đó Khánh là người mà Thâm Tâm yêu say đắm, lúc Khánh đi lấy chồng, Thâm Tâm đau khổ gần như phát điên. Lũ chúng tôi vừa giễu cợt, vừa khuyên lơn. Chính trong thời gian thất tình, Thâm Tâm viết được mấy bài thơ ký tên T.T.Kh.” (6)
Có thể kiểm chứng được điều trên là thực, khi Thâm Tâm cố vượt qua nỗi đau khổ này và bộc lộ qua mấy bài đăng báo Bắc Hà lúc tạp chí này xuất bản “tập mới” gồm 19 số (từ 10.8.1936 đến 7.1.1937): Thâm Tâm đã đăng bài thơ Cố lãng quên đi (số 11) và truyện ngắn Đừng đan áo nữa (số 13). Truyện đã kể về nhân vật Khánh xưng “tôi” với tác giả.
Tình của Thâm Tâm nồng nàn lắm và chuyển biến qua từng thời kỳ: Từ tình yêu cá nhân, vụn vặt của Hai sắc Hoa tigôn đến tình cảm hào hùng bi tráng quyết
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!