Có lần, trên hồ Tây, Nguyễn Huy Tưởng đã hỏi Trần Huyền Trân:
– Tại sao cậu lại dùng cái bút danh khăn yếm như thế, dẫu cho đó là tên một tuyệt tác giai nhân?
Câu hỏi cũng là một nhận xét. Nhà tiểu thuyết lịch sử ấy đã thấy gợn gợn khi xem ra cái tên kiều diễm không hợp chút nào với dáng dấp con người nhà thơ
Trần Huyền Trân, nước da bánh mật, ánh mắt thăm thẳm và cặp này xếch, từ thuở nào tới giờ vẫn dường như khắc khổ, nhưng lại trang nhã và phảng phất vẻ gì giăng gió.
***
Trần Huyền Trân chỉ lặng lẽ mỉm cười.
– Ồ, cái nàng công chúa Huyền Trân nhất thực đa tình nọ nào có bận đất đến nhà thơ của chúng ta.
Người con gái tài sắc phải bán mình sang Chiêm để cho vua cha được người la dâng đất châu Ô, châu Ri. “Nước non ngàn dặm ra đi… Mượn màu son phấn, đến nợ Ô Ly… Thế rồi cái anh chàng tướng trẻ tài hoa Trần Khắc Chung kia phụng mệnh sang Chiêm cứu nàng khỏi bị nạn thiêu sống bởi phải chịu tang chồng, đã dùng mưu đưa được người đẹp từ giàn lửa ra bờ bể làm lễ chiêu hồn ở ven trời”. Rồi lại cướp được Huyền Trân thoát xuống thuyền. Con thuyền trở về lênh đênh mãi ngoài khơi qua những cửa Thần Phù, Tuần Vương bao nhiêu tháng, bao nhiêu lần mà cố tình vẫn chưa nhìn ra đường nước vào bến. Đôi trai gái đã để lại thế gian một trang tình sử cực não nùng.
Ai đếm được, làm sao kể xiết biết bao nông nồi đẹp và buồn trong đời tình của mỗi tuổi trẻ. Thuở ấy có người mê thơ Trần Huyền Trân, nhiều năm ròng, bàn tay yêu kiều ở một thị trấn trung du ủ bóng đồi cọ đã thêu những bài thơ Trần Huyền Trân trên lụa, chữ lụa. Năm tháng qua đi, “Mặt nhau chưa từng biết. Tiếng nhau chưa từng nghe” (Trần Huyền Trân) chẳng khi nào ai biết ai. Nhưng biết rằng thế là đã gặp những chiêm bao không gì sánh nổi, không bao giờ có được.
Ai còn nhớ những câu thơ “trở lại vườn Thanh có một mình” quãng 1937 ở cái khi mà những người yêu của chúng tôi chắc chắn các cô còn vắt vẻo tóc bỏ đuôi gà và chưa biết tỉa lông mày.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài những lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi!
Có lần tôi gặng hỏi Thâm Tâm, nhưng con người bé nhỏ âm thầm mà gai gạnh ấy chỉ nói:
“Vườn Thanh là Thanh Giám, chứ không phải xứ Thanh đâu. Lại càng khó hiểu hơn.
Trên gác báo Bút Hà, – Trần Huyền Trân thuê lại báo của ông Bùi Đức Dậu, làm được mấy số – phố Cao Đắc Minh trông sang Thanh Giám Văn Miếu. Bãi cỏ bậc thềm bậc đá, tường gạch vỡ, mái ngói rêu phong, những gốc đề, gốc muỗm cổ thụ và sự vắng lặng. Câu chuyện tình u ẩn mà nhiều báo nhiều thời bàn tán nào Hai sắc hoa ti-gôn, nào T.T.Kh, nào Thâm Tâm và Khánh, là hai người ấy hay là ai. Những éo le mơ hồ, các anh Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính – những đồng tác giả câu chuyện tình huyền thoại ấy hôm nay cũng còn có bạn có thể kể lại rành rõ được (hay là người ta cứ muốn để mờ ảo mãi như thế), tôi không quan tâm, mà chỉ muốn mách các bạn: không phải chỉ Nguyễn Bính làm thơ về T.T.Kh, mà riêng nhà thơ Trần Huyền Trân có đến bốn bài thơ viết ở “vườn Thanh”. Những bài Thưa bà – 1938 (Gửi một bà yêu thơ), Tiếng đàn đôi ta – 1938, Có những mùa đông – 1939 và Trưa ấy qua rồi – 1939, đều viết ở Thanh Giám.
Và bài thơ sau cùng Trưa ấy qua rồi miêu tả tâm sự “trở lại vườn Thanh” của Trần Huyền Trân có những câu:
Bây giờ năm tháng vô duyên quá
Em đã theo những bên cát xa
Đò đã sang sông, chèo lái mới
Sao còn khua bóng mãi thơ ta
Ai vẽ giùm tôi một buổi trưa
Bối, trời mây gió đến đem cho
Một hy vọng lao từ đâu lại
Giấu o trong lòng mấy tiếng thơ
Thanh Giám 1939
Bạn yêu thơ chắc, còn nhớ những “sang sông, sang ngang”, “bốn trời”, và “bến cát xa” không phải của riêng Trần Huyền Trân. Hình ảnh những chữ mênh mang man mác ấy cũng thường thấy ở thời kỳ ấy trong thơ và tên bài thơ, tên truyện ngắn của Thâm Tâm, của Nguyễn Bính.
Đó là những câu chuyện thơ mộng có và không có của một thời, của một lứa tuổi, một lớp người.
Cái bút danh Trần Huyền Trân cũng thế, đấy là sự tích một thiên trong những pho tình sử não lòng người thơ. Huyền Trân không bận, không dính dáng chút nào đến cô công chúa nhà Trần dan díu với Trần Khắc Chung mà Nguyễn Huy Tưởng đã hỏi. Huyền Trân này là cái tên của những ngày khốc liệt, oan nghiệt.
Ơi hỡi! Đứa con không có tên
Nằm trong xác bụng mẹ vô duyên
Con lên mẩm sống trong lòng chết…
(Cái thai hoang, 1942)
Ngày trước, Trần Huyền Trân có viết một tiểu thuyết tên là Sau ánh sáng. Những cảnh và người quanh phố Khâm Thiên trong tiểu thuyết được miêu tả như một tự truyện, những lều cá, những bè rau muống trên các ao chuôm, cống rãnh khúc khuỷu cạnh ngõ Sơn Nam, ngõ Liên Hoa qua Cống Trắng, sau ánh sáng của nơi ăn chơi nghiêng trời.
Thời ấy, những người cơ cực các nơi lên thành phố kiếm cái sống đều tìm chỗ trú ngụ ở vùng bãi sông Hồng và bám vào các rìa phố phường như thế. Sau lưng, phố Khâm Thiên đủ loại trác táng và bài bạc, những lầu xanh chỗ chơi của người phong lưu, nhà thổ đèn đỏ cho người kiết xác, các tiệm nhảy Pa-gốt, Ta-na-ka, thời Pháp – Nhật. Nhưng ngay ở nơi mà hai chữ Khâm Thiên dễ làm cho người ta ngày nay tưởng ở đấy chỉ rặt những cảnh đêm ngày ném tiền qua cửa sổ, không phải, còn vô số những con người lênh đênh giạt đến các nhà hát làm đào rượu, một loại gái điếm chuyên đứng quạt, hầu rượu, ăn ghẹ rồi mắc màn ngủ vòi tiền khách làng chơi, những gái nhảy bị đổ bệnh tim la, mọi số phận cùng đường.
Cô Hiền, cô Trần Nguyệt Hiền không phải gái giang hồ nhưng cũng ở trong cảnh lẽ mọn tương tự đám người có những cái tên hoa lá cành được khách làng chơi đặt cho, nào Mộng Điệp, Mộng Hồ, nào Tuyết Hấp, Tuyết Lành, Nguyệt Lìm, đại khái vậy.
Trần Huyền Trân gặp Hiền ở một nhà hát. Cũng không phải gốc gác “rằng xưa vốn là người Kẻ Chợ” mà Hiền đã trôi từ đồng quê ra, có lẽ đã có lần đứng ở phố Mới buôn người đợi kẻ có tiền đến giắt đi làm con sen, con nụ cho những nhà giàu bạc ác. Rồi người ta thản nhiên tống khứ con ở ra khỏi cửa, Hiền ra khỏi kiếp tôi đòi ở một nhà quyền quý kia với cái thai trong bụng. Xót sa, những con người lận đận, cơ nhỡ gặp nhau. Hiền trở dạ. Chỉ có anh chứng kiến, một mình anh lo cho Hiền được mẹ tròn con vuông với đủ mọi việc: niêu nước mắm chưng, tiền đút nhà thương làm phúc, cái áo cũ xé làm tã và làm tờ khai sinh cho cháu bé. Chút thương đau chết đuối trong cảnh ngộ ấy của hai con người họ Trần giữa trầm luân đời người, đã khiến cho họ nghĩ ra cái dấu nối đẫm nước mắt. Trần nối với Trân bằng dấu huyền ở giữa là Trần Huyền Trân – cô bé con thiên hạ được khai sinh là con anh và tên là Trần Huyền Trân, đấy là đứa trẻ tội nghiệp và là bút danh, tên thơ yêu dấu của anh.
Tên đứa trẻ và tên thơ tuyệt nhiên không ngẫu nhiên. Tính nhân đạo cao đẹp, Trần Huyền Trân tiếp thu được do anh đã giác ngộ cách mạng. Cuộc đời luân lạc và ý chí, lý tưởng trong thời kỳ đất nước trải qua những hoàn cảnh hết sức lớn lao, mỗi người đứng trước cái sống cái chết trong giai đoạn khẩn trương cả nước, nhà thơ bất giác tự nhận ra mình và dặn đứa con không bao giờ gặp lại.
Rồi lớn lên con mở mắt nhìn
Khóc cùng bách tính sống như đêm
Nhưng không! Đừng khóc! Thán gân cốt
Ta bậc thang đời, con giẫm lên
(Cái thai hoang)
Tên thơ, ba chữ Trần Huyền Trân ra đời xiết bao tình nghĩa như thế.
Bây giờ cô bé Trần Huyền Trân năm xưa ở đâu nếu trời còn để cho chứng sống đến hôm nay, chắc đã nên bà.
Sau ánh sáng và Bóng người trên gác kinh là tên những tiểu thuyết của Trần Huyền Trân. Những “sau” những “bóng”, những chau mày hồi hộp và tiếng thở dài não ruột, những ảo tưởng, ước muốn.
Bạn tôi được sinh ra giữa thành phố, thật giữa kinh thành – hai chữ “kinh thành” du dương một cách vu vơ của mấy người cầm bút đói khát và lãng mạn, bởi nếu tôi có kể lể một chút về cuộc đời của bạn tôi giữa Hà Nội thì người đọc cũng chỉ thấy như câu chuyện ngổn ngang vướng vất heo hút đồng sâu nào chứ chẳng hề liên quan tới bóng dáng những kinh thành hoa lệ tưởng tượng kia.
Mẹ ở cữ anh ở khu nhà thương thí trong bệnh viện Phủ Doãn. Kể ra, cái năm 1913 ấy, người khốn khó mà được đến đẻ ở cái nhà thương làm phúc, không phải nằm ở trong xó buồng có bà già hàng xóm sang cầm chiếc que nứa soi đèn lên cắt rốn cho đứa trẻ, kể cả như tôi, thì cũng là may. Được may, cũng bởi mẹ anh làm “cu ly san” nhà thương Phủ Doãn. Trần Huyền Trân được mười tuổi thì bố chết, mẹ anh một nách nhếch nhách bốn con mọn, trai có gái có, nhưng tất cả các em đã chết dần chết mòn hết. Làm thế nào lần hồi qua bước cơ hàn, người đàn bà “cu ly san” ngày ngày đi làm, tối tối đội cái thúng đi rao bán bánh khoai lang rán, mà khách ít tiền ăn quà gọi sang trọng là bánh dừa rán. Tiếng ời ời vào các ngõ phố quanh co đêm đông giá buốt sang đêm hè, quanh năm thế.
Nửa đêm kia, bà bị cảm giữa đường, tình cờ, một người đi làm khuya về nhìn thấy, vực bà lên, giúp tỉnh lại. Rồi bà lấy người đàn ông đã cứu bà. Nhưng oái oăm, cuộc đời vẫn chỉ như bước từ ngoài sân vào cái nhà dột, ông ấy vốn là cu ly khuân vác trên ga Hàng Cỏ, đã có vợ con. Cảnh đò nát đụng nhau, làm không đủ ăn, lại eo sèo vợ lẽ con thêm, ông ấy đến dựng lều kéo vó kiếm thêm con tép com tôm ở Cống Trắng sau lưng Khâm Thiên. Bà ở lều thả bè muống quanh cọc kiếm ăn bòn mót những chợ Hôm, chợ Đuổi, đầu ô, anh sống lay lắt trên mặt nước với mẹ, cái lều kéo vó trong đầm nước cạnh Cống Trắng đối với Trần Huyền Trân chẳng phải chỉ là kỷ niệm buồn tủi một thời thơ dại, mà túp lều còn thực sự là nơi đi về sinh sống hẳn hoi cả về sau này, khi anh đã biết đi kiếm ăn, đã làm thơ.
Đi đâu thì đi, rồi lại chui lủi rúc ráy về đấy. Cái lều kéo vó, hình ảnh hiện thực cuộc sống rách nát đã vào Trần Huyền Trân suốt cả đời thơ.
Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
(Thu 1939)
Bạn bè đến với Trần Huyền Trân cũng tụ hội lênh đênh mặt nước, trong cái lều trước mặt có bốn chiếc gọng vó chỏng lên trời. Mỗi lúc đi về lều bám ngón chân vào vấu cọc tre, khoả chân rửa rồi chui vào cái sàn nữa, những ngày gió bấc gió nồm chúng tôi nghe óc ách nước khua bốn phía phên liếp.
Mưa lũ ao bèo mưa trắng đêm
Cây bờ ngơ ngác nước đang lên
Lều tôi kiến đã rời lên mái
Bà lão chài lo chửa có thuyền
Vó nghèo được nước đã lê thê
Đàn cá giang hồ nhảy nhót đi
Cả cụm bèo xanh nằm cạn mãi
Cũng như cất cánh gọi không về
Tôi ở lều gianh Cống Trắng này
Trạnh lòng cá nhẩy với chim bay
Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
Dăng phải hồn tôi một lưới đầy
(Một đêm Lều vó, 1940)
Gió ngớt khua lau dưói gậm cầu
Người về gió lạnh bước thôi mau
Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm
Đây lúc đôi mùa tiễn đưa nhau
Ấy lúc hồn hoa trở gót về
Thả đàn chim mộng xuống thâm khuê
Tôi nghe xa lắm làn mây trắng
Rời bóng kinh thành lững thững đi
(Đôi Mùa, 1940)
Hồi sau, anh thuê được một gác xép ở ngõ cạnh đấy, cùng một lối trổ xuống bến. Các bạn gọi một cách khoa trương là gác Sơn Nam, không phải Sơn Nam hoài cổ, mà các nhà trong ngõ cho thuê là của ông chủ Bạch Sơn Nam, nhiều truyện ngắn và thơ được đề một cách hoa mỹ “Viết ở gác Sơn Nam”, “ở đầm Liên Hoa” cũng chỉ là ở đấy. Những cái tên đẹp đẽ chỉ là chiêm bao gửi mộng vậy, lẫn lộn, thực và mộng, cuộc sông gay gắt và hoạt động đổi đời, đương đến với một lớp người.
Trong những năm Hà Nội dũng cảm và quyết liệt sửa soạn Tổng khởi nghĩa, chính ở cái gác “Giường ken chiếu nối xoay ngang dọc. Xương gối vào xương chẳng đủ nằm” (Trần Huyền Trân, 1940) có những chuyến liên lạc của đoàn thể Việt Minh, mối giao thông đã đến gửi cán bộ trú tạm ở đấy. Ở mái lều vó ngoài hồ, Trần Huyền trân đã gài báo và tài liệu bí mật mới nhận đợi chuyển đi. Đã có những lần anh Bé (một bí danh của Lê Quang Đạo, bí thư ban cán sự Đảng ở Hà Nội những năm ấy) đến với Trần Huyền Trân ở lều, ở gác Nam Sơn những ngày thành phố đen tối quằn quại.
Thơ Trần Huyền Trân càng về sau càng gồ ghề sắc thái thời thế.
Thuở ấy ra quân lớp lớp dài
Mẹ già phẩy áo hẹn tương lai
Lòng con nắng giục mầm hoa lửa
Gió bốn phương lùa lộng chí trai.
(Lòng chiến sĩ, 1939).
Trông lên đèn cũng nở hoa,
Tưởng đâu trong ruột bấc già đượm hương.
Đèn soi giấy mực yêu thương,
Đón sang trang mới mở đường xuân đi
(Đêm trừ tịch, 1943)
Máu bốc lên! Hỡi anh em!
Chân trời đã rạng một nền tự do.
(Những người chưa chết, 1944)
Hiện tượng đó không phải bất chợt, mà đấy là tâm hồn, sức sống và hành động đã quyện làm một trong thơ Trần Huyền Trân, ở các bài trên báo chí công khai và báo chí bí mật. Trong giai đoạn Tổng bộ Việt Minh kêu gọi toàn dân “đánh Pháp, đuổi Nhật tiến tới Tổng khởi nghĩa”, Trần Huyền Trân đã sáng tác nhiều thơ và ca dao ký bút danh Đỗ Quyên, hoặc không ký tên. Như Phong và Nguyễn Huy Tưởng đến liên lạc lấy các bài ca dao của Trần Huyền Trân đem in trên các báo Cờ Giải phóng của Đảng Cộng sản Đông Dương và báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh, phát hành bí mật.
Một vẻ nhọc nhằn vất vả mãnh liệt từ đất đấy lên, nhưng lúc nào cũng vẫn như dang dở.
Ở con người cũng như trong sáng tạo. Đấy là cảm tưởng mỗi lần tôi nghĩ về bạn, không phải chỉ bây giờ, mà từ những ngày tôi thường lui tới với anh và Thâm Tâm ở ngõ Sơn Nam.
Cuộc đời điêu đứng từ trong trứng của con người lăn lóc “từ buổi chân làm ngựa” (Trần Huyền Trân) để kiếm miếng sống, từ nghề gõ đầu trẻ tư gia và các trường tư còm cõi quanh quẩn Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa, rồi làm ét thợ chiếu bóng vác cái phim Người kẻ cắp thành Bát-đa đi hầu khắp các tỉnh, tới Sài Gòn, sang Phnom Pênh. Thay đổi công ăn việc làm trên bước đường luân lạc chẳng qua chỉ xoay xoả đến thế, mà cũng không đủ miếng cơm manh áo. Những gian truân ấy càng đưa anh đến với những khao khát đổi đời. Trong đời văn của một người có nghị lực tự học, Trần Huyền Trân đã trải đủ bước và bước lên từ những chập chững. Lúc đầu, anh viết loại truyện kiếm hiệp “tiểu thuyết ba xu”, viết lời ca cho “bài hát ta theo điệu Tây” ký Trần Kim thì cũng vẫn chẳng khác anh dạy trẻ học, làm thợ nguội, làm ét chiếu phim. Rồi dần dà anh viết truyện ngắn, tiểu thuyết, làm báo, làm thơ, hoạt động báo chí trên nhiều mặt.
Từ sau cách mạng cho tới nay, Trần Huyền Trân say mê sân khấu, viết vở và đạo diễn. sau cùng chuyên về nghệ thuật chèo mà tôi đã có duyên với anh trong vở chèo Giáng Kiều, Tô Hoài viết, Trần Huyền Trân chuyển thể.
Trong văn học, không thiếu những người có khả năng, đà thả sức vào hầu hết các lĩnh vực sáng tác. Khi đương xuân, phơi phới đi trong những thành quả, những nghênh đón, đôi khi chỉ một loạt vỗ tay cũng khiến được ta ngây ngất. Thế rồi, một lúc nào đấy nhìn lại mới chợt nhận ra dẫu cho đâu cũng có mặt, nhưng không ở đâu đọng lại được thành tựu thực sự. Mà sức lực đầu óc với tinh hoa sáng tạo thì không phải lúc nào cũng như nhau và thì giờ lúc xế bóng cũng chẳng còn bao năm.
Ở Trần Huyền Trân không có những biểu hiện đến đỗi giật mình, như Cao Bá Quát xưa thở dài “một đời đã phụ cả năm xe sách”. Trong thơ và sân khấu, Trần Huyền Trân có đường nét sắc thái riêng biệt và hấp dẫn.
Nhưng mà làm sao tôi vẫn thấy ở Trần Huyền Trân chỗ nào cũng tưởng như đương còn dở dang, chưa hẳn đã tỏ rõ đầy đủ khí thế lẫm liệt có thật của anh, nhất ở trong thơ. Nếu ai đã đọc thơ Trần Huyền Trân dễ thấy có lẽ những bước nhảy vọt trên đường phát triển mà anh chưa sửa soạn, chưa có khai phá mới, luôn luôn mới mà lại tưởng chừng như bị đứt quãng, trong khi thật sự tiềm lực sáng tạo của anh hơn thế nhiều.
Đường thơ Trần Huyền Trân, nhật ký thơ Trần Huyền Trân có thể gọi như thế, với một phong cách tung hoành của người thơ cùng với quá trình phát triển và hình thành bước đường tư tưởng Trần Huyền Trân.
Từ mọi tâm tư giằng xé giữa đời vươn lên thái độ và trách nhiệm của con người trước vận nước Rồi trải hai cuộc kháng chiến. Rồi sự nghiệp xây dựng đất nước. Rồi tình cám với con người và đất nước bạn bè không biên giới, ở Mát-xcơva, ở Xi-bê-ri, ở Beclin, từ những bài thơ đầu tiên 1938 đến bài mới viết năm 1980 ở Nam Đồng, vẫn một thái độ, một tấm lòng.
Đọc lại bản thảo thơ Trần Huyền Trân cảm thấy thật lạ lùng khi nhẩm lại tưởng như mắt trông rõ được thơ anh quấn quít với đời, từ đầu thế kỷ tới hôm nay.
Hầu hết cả đời anh đã đi về sinh sống ở một góc thành phố, từ khi lặn lội ao chuôm sau lưng Khâm Thiên sang Ô Chợ Dừa. Bao nhiêu năm rồi, bây giờ anh lại về ở Nam Đồng cũng trong vùng ấy. Ngoài song cửa hôm nay lưa thưa bóng trúc và xa kia nhấp nhô ánh nước ngát mùi hoa sen. Cụ bà sinh ra anh, “bà lão chài” xưa, tuổi ngót một trăm còn mạnh khoẻ, cụ ngồi chiếc ghế đẩu ngoài hiên nhà.
Sự kiên nhẫn và thời gian không bao giờ phai mờ có thể là hình ảnh ví được với mạch thơ, hơi thơ Trần Huyền Trân gồ ghề, uy nghiêm. Như lời tựa thơ Trần Huyền Trân của Thâm Tâm:
Hôm nay
Thơ lên đường
Hồn chàng ra thiên hạ
Ta vừa nghe lã chã dòng sưong
Ngâm thôi
Quăng bút cười ha hả
Đây một loài hoa khác hải đường.
Những câu thơ Thâm Tâm viết 1942 đề đầu tập thơ Trần Huyền Trân chép tay, tới nay vẫn là bản thảo chép tay đã bốn mươi tư năm, lạ thay. Nhưng nghe sảng khoái đến tận bây giờ…
Đây một loài hoa khác hải đường.
Tô Hoài
“Những gương mặt – Chân dung văn học”