Thấy hiu hiu gió – Tùy bút của Băng Sơn

(Nhân Dân) – Mùa xuân năm nào cũng trở lại, tiếc sao con người một đi không thấy ai trở lại bao giờ, mà đều thành hư vô bóng khói trong cõi mịt mùng vô định.

Riêng Hà Nội từng có những con người kiệt xuất đã sống, đã làm việc và đã ra đi, cả sớm và muộn đều chỉ còn dư ảnh. Nhà văn Gam-da-tốp có lần đã viết: “Một đất nước khi cần đưa chứng minh thư ra thì đó là những nhà chính khách kiệt xuất, những nhà thơ”.

Chúng ta phải đổ máu suốt ba mươi năm chiến tranh. Vì chiến tranh mà chúng ta chưa kịp hay không kịp làm nhiều điều chúng ta cần và mong muốn, trong đó có việc phải làm là dựng những bảo tàng nhà văn, chí ít là những nhà lưu niệm nhà văn.

Hà Nội đã có đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, v.v. Nhưng chưa có con đường Thạch Lam mà Thạch Lam là một tâm hồn “trăm phần trăm Hà Nội”. Ngôi nhà ông từ đấy ra đi bên ven bờ Ao Vả làng Yên Phụ đã thay chủ mới từ lâu lắm, ngày nay ta cũng không biết nắm xương tàn kia nằm trong gió thốc thời gian ở một nơi nào hiu hắt với sao trăng!

Vũ Bằng nữa, người con sinh ra ở phố Hàng Gai, đi chiến đấu tít tận trời Nam và vĩnh viễn không về (ông được công nhận là liệt sĩ cách mạng sau bao oan trái). Con người ấy nhúng bút vào bình nước mắt nhớ thương để viết nên kiệt tác “Thương nhớ mười hai”, đó là tình cảm của người con Hà Nội xa xứ như bị lưu đầy luôn nhớ về quê mẹ. Ngày nay không hề có chút lưu niệm gì về họ Vũ, và ta cũng chẳng biết được linh hồn ông tìm nhập vào cốt xác ở nơi nào.

Nghe nói thị trấn Cẩm Giàng (cách Hà Nội 40 cây số) đã có một đường phố Thạch Lam và huyện Cẩm Giàng đang lập đề án xây dựng nhà lưu niệm Thạch Lam, người làm vẻ vang cho Cẩm Giàng, để mỗi chuyến xe lửa qua đây, linh hồn ông lại bay theo làn khói vào tâm hồn mọi người…

Thế Lữ, một chủ tướng của phong trào Thơ Mới những năm ba mươi, bốn mươi thế kỷ 20, rồi ông cũng là chủ tướng của nền kịch nói Việt Nam, nhưng đến nay, sau ngày ông ra đi hàng chục năm, có người muốn thắp một nén nhang hoài niệm mà đành ngậm ngùi không biết về đâu, họa chăng chỉ có nữ Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim đang ở số 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm đêm đêm nhớ thương phu quân của mình trong thời gian mờ xóa.

Một Tản Ðà (Nguyễn Khắc Hiếu) lừng danh ra đi năm 1939, sau thời gian nằm nơi chân núi Hương Sơn với rừng mơ hoa trắng mùa đông, quả thơm mùa hạ, ông được đưa về Sơn Tây, nơi ông cất tiếng chào đời. Không hiểu nhà thơ ngông này có gặp nhà quản lý văn chương Vũ Ðình Long, một người đỡ đầu cho cả mấy thế hệ nhà văn Việt Nam nổi tiếng, cũng đang nằm trên đất Hà Tây… Thật may, cả hai con người hiếm có này đều có ngôi nhà xây đàng hoàng, tường bao và bát hương gắn vào nắp mộ, thỉnh thoảng có bó hoa tươi bên cây vạn thọ lác đác chùm hoa vàng cho đỡ phần đơn độc…

Cả nước đang nhắc đến nhà thơ Quang Dũng, con người của “Tây Tiến” bất tử. Nhà thơ yêu quý đó đã “trời tiến” từ hơn mười năm nay, vợ con ông đang sống thiếu thốn nơi khu nhà tập thể cũ kỹ. Làm gì có khu lưu niệm nào, họa chăng ông sống trong lòng bè bạn vì thế mà ông được làm pho tượng chân dung bằng đồng đặt tại ngôi trường cấp một thị trấn Phùng để ông sống cùng quê hương.

Người lính Cụ Hồ nhà thơ Thâm Tâm, tác giả Tống biệt hành và Can trường hành, nhân vật huyền thoại của văn học một thời T.T.Kh., ông nằm đâu hay gần biên giới, muốn thắp cho ông một nén nhang mà đành nhờ gió xuân thổi hộ vậy thôi.

Vũ Trọng Phụng từng được xưng tụng là “Ông vua phóng sự đất Bắc Kỳ” đó là lời đồng nghiệp tặng tài năng kỳ lạ của ông. Ông sống cùng bà mẹ góa bụa rất sớm, chỉ biết thờ chồng nuôi con (tức là ông) rồi ông làm cho vợ mình cũng góa bụa sớm khi ông ra đi ở tuổi 27 sau mười năm cầm bút làm ra giông tố trên văn đàn.

Vũ Quân có may mắn không, khi đứa trẻ đỏ hỏn nằm trong tay vợ ông trong đám tang ông, sau này lớn lên là chị Vũ Mỵ Hằng đã lo toan và đảm đang đưa được nắm xương tàn của cha mình về với khu vườn xưa nơi quê hương chiu chắt. Ngôi mộ họ Vũ đặt ngay trong vườn tại làng Giáp Nhất sau đình làng Mọc, có bóng cây che chở và nhang khói quanh năm. Chị Vũ Mỵ Hằng còn bán bớt đi một ít vườn để xây được ngôi nhà lưu niệm khá khang trang, trưng bày sách và nhiều di vật của Vũ Quân. Ngày khánh thành, rất nhiều bè bạn đến tưởng niệm nhà văn có biệt tài này. Chồng chị Vũ Mỵ Hằng là anh Nghiêm Xuân Sơn còn có ý định từ nay về sau sẽ dành khu vườn này để các nhà văn nào muốn nằm chung với người đi trước là Vũ Quân, khi đã thành mây thành bóng… Một ý tưởng tốt và táo bạo, chân thành. Tiếc sao chị Hằng cũng sớm theo cha mình sang thế giới người muôn năm cũ. Cũng may là nhà lưu niệm Vũ Quân đang còn và vẫn có người đến thắp những nén nhang tưởng nhớ.

Có một nhà thơ trào phúng có biệt tài và nổi lên trên “Dòng nước ngược”, đó là Tú Mỡ. Sau khi cả ông và bà quy tiên, con cháu đã hỏa thiêu và đem di hài hai người trộn chung một bình đặt trong ngôi miếu nhỏ giữa khu vườn làng Láng, mảnh đất mà thời ông mua được do tiền nhuận bút. Bây giờ ba làng Láng đã đổi thay, vườn xưa thành nhà, làng xưa thành ra phố. Ngôi miếu kia chẳng biết ra sao?

Nhà phê bình Hoài Thanh từng nói khi đóng quyển Thi nhân Việt Nam lại ở trang cuối cùng rằng: Ðến đây, dù có thiên tài đến gõ cửa, tôi cũng không mở ra nữa… thế mà rồi ông phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa, đó là nhà thơ sau còn kiêm nhà hoạt động sân khấu Trần Huyền Trân.

Trần Huyền Trân sinh năm 1913, mất năm 1989 sau khi nằm bệnh viện gần bốn năm và lần lượt tháo hết cả hai chi dưới. Khi ra đi, ông chỉ còn một khúc thân, ông không còn lững thững một lần nào nữa, như ông từng viết:

Tôi nghe xa lắm làn mây trắng

Rời bóng kinh thành lững thững đi…

Ông từng là bạn thân của Thâm Tâm và Nguyễn Bính, mà Thâm Tâm từng viết về ông rằng: “Ðây một loài hoa khác hải đường”. Một đời lận đận, một đời thơ hay, một đời sân khấu tài năng, một đời vợ đẹp, nói thế vì sinh thời có nhiều phụ nữ quá yêu thơ ông, đã thêu thơ ông lên vải khiến ông phải viết những lời từ tạ. Ông làm cách mạng trong Hội Văn hóa cứu quốc, đã giác ngộ được nhiều văn nghệ sĩ khác, ông kết duyên với người đẹp một thời, nữ tài tử Hạc Ðính.

Sau khi thi sĩ Trần ra đi gần hai chục năm, nhờ con cái ăn nên làm ra, mà bà Hạc Ðính cất được ngôi nhà khang trang, bà dành riêng hẳn tầng một của ngôi nhà làm nơi kỷ niệm nhà thơ với bàn thờ, tranh ảnh, thơ lưu bút, sách vở, cùng nhiều di vật từ chiếc gạt tàn bằng gộc tre, bộ bàn ghế bằng tre, tủ sách bằng tre…

Năm 2005, nhà lưu niệm được khánh thành, cũng không ồn ào, chỉ dăm ba người quen cũ, những người yêu mến nhà thơ đến chia vui và thắp nhang tưởng niệm.

Không hiểu ngôi nhà lưu niệm này có phải là một trong vài ngôi nhà kỷ niệm những con người kiệt xuất một thời mà sau bao năm, đọc lại họ, chúng ta vẫn xao xuyến, bâng khuâng cùng xúc động và ta phải cảm tạ họ đã cho chúng ta được sống thêm trong một thế giới tinh thần giàu có…

Còn biết bao con người tài năng khác nữa mà nay chúng ta muốn chiêu niệm chút tình xuân mà chẳng thể. Họ nằm nơi nào trong không gian bao la này, họ nằm khúc nào trong thời gian mang mang này?

Mùa xuân lại đến, có lẽ ta nhớ thì họ sẽ về, nói như Nguyễn Du:

Mai sau…

Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *