Đời sống văn chương Việt Nam có những mối thâm tình nghề nghiệp, huynh đệ, bằng hữu thắm thiết giữa các “ngôi sao”, như Xuân Diệu và Huy Cận; như Tô Hoài với Nam Cao; nhóm “Thất tinh” gây dựng Tự lực Văn đoàn… Nhóm “Áo bào gốc liễu” của “Tam anh” Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm cũng là một trường hợp như thế.
Mẹ mất sớm ở Hải Dương, cậu bé Nguyễn Tuấn Trình theo bố và các chị lên Hà Nội nấu kẹo, lám bánh, đóng sách mưu sinh. Tuấn Trình năm 1933 – 16 tuổi, đã vẽ tranh bút sắt, mực màu bày bán ở hồ Gươm, thêm cả vẽ truyền thần. Ý thức tự học hỏi đã sớm bộc lộ qua những bức tranh kiếm sống đó, để rồi mấy năm liền, thi sĩ “Tống biệt hành” tương lai sẽ vẽ bìa, minh họa và cả viết cho tuần báo Bắc Hà do nhà thơ Trần Huyền Trân làm chủ bút. Cái chất ham tìm tòi, thử sức ấy cũng là nguyên cớ cho những cuộc “vẽ khuôn mặt mình” rõ hơn sau này của Tuấn Trình – Thâm Tâm với thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, kịch và báo chí.
Ngồi vẽ bên hồ, Tuấn Trình quen nhà thơ Nguyễn Bính cũng đang lang bạt và sớm đồng cảm khi biết người bạn hơn một tuổi cũng mất mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ khác, hai anh em được người cô ruột đón về nuôi. Rồi đôi bạn quen nhà thơ Trần Huyền Trân khi đó “sung túc hơn” bởi có nhà mẹ ở ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, nơi mà mấy anh em thường kéo về tụ tập, gọi là “gác Sơn Nam”. Hết tiền thì thổi ít gạo, ăn rau muống là thành bữa. “Rủng rỉnh” một chút thì đi ăn quán, hát cô đầu.
Nhà thơ Trần Huyền Trân sinh năm 1914, hơn Tuấn Trình ba tuổi. Năm 1934 – 20 tuổi, ông theo bạn đi Lào chơi trên Luongprabang, trở về viết được tiểu thuyết trinh thám diễm tình “Công chúa Lào”, vốn hồi đó là mảng đề tài hút người đọc, nhờ Tuấn Trình vẽ bìa và minh họa. Ông còn viết tiểu thuyết ngắn “Phát súng lục”, học theo cốt truyện nước ngoài. Những việc đó đều trở thành một cái gì đó thôi thúc với Tuấn Trình. Năm 1935, Trần Huyền Trân thuê tuần báo Bắc Hà, làm được 5-6 số thì đứng tên chủ bút trong hai năm 1936, 1937, cho đến năm 1938 thì trả lại chủ cũ. Bắc Hà đăng nhiều nội dung kỹ nghệ, kinh tế, có một phần văn chương, và “Tam anh” như các bạn văn chương gọi, cùng tham gia viết cho Bắc Hà.
Cũng trong thời gian này, Tuấn Trình bắt đầu tập viết kịch. Trước đó, “Xuân mộng” có thể coi là truyện ngắn đầu tiên của chàng trai trẻ. Ông cũng đã tập làm thơ, cho đến khoảng năm 1940, 1941 mới lấy bút danh Thâm Tâm. Những năm 1941, 1942 cũng là thời gian “Tam anh” trở thành những cây bút viết chủ đạo cho ấn phẩm Tiểu thuyết thứ bảy, tờ tạp chí mang nhiều tư tưởng mới, phổ biến tri thức cho quốc dân, khơi mở ước vọng cho thanh niên.
Cái tên “Áo bào gốc liễu” của nhóm được tạm xác định ra đời năm 1939, khi những làn gió mang không khí cách mạng thổi tới lớp văn sĩ trẻ nhiệt huyết. Từ cái nghèo, sự bất công của xã hội và của chính mình, họ dần chuyển mình theo tư tưởng mới. Gắn bó với nhau qua những năm tháng ấy, “Tam anh” có chung ước mơ thay đổi, muốn làm một điều gì đó cho xã hội trong cảnh lầm than. Điều này lý giải việc Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm đều tham gia phong trào Văn hóa cứu quốc và sau này trên con đường riêng của mình, mỗi người đều có đóng góp cho cách mạng.
Năm 1943, Nguyễn Bính ra đi từ ga Hà Nội, vào Nam cho đến năm 1955 mới trở ra Bắc. Ông đi tìm con đường sinh sống, rồi hoạt động cách mạng, theo kháng chiến, sáng tác nhiều bài thơ đấu tranh đầy chất hùng ca, trong đó có bài “Cửu Long giang” năm 1950, trở thành lời bài hát “Tiểu đoàn 307” nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí. Cũng năm 1943, Trần Huyền Trân và Thâm Tâm tham gia Việt minh. Ngôi nhà Thâm Tâm ở phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) ngày nay từng là nơi đi về của nhiều cán bộ cách mạng: Lê Quang Đạo, Lê Liêm, Lê Thu Trà… Đội trừ gian của nhạc sĩ Văn Cao cũng qua lại nơi này, người em ruột của Thâm Tâm là Nguyễn Tuấn Bích cũng tham gia hoạt động. Không khí hoạt động sôi sục khi đó đã tràn vào ca khúc mới của Văn Cao viết cho thanh niên, như “Thăng Long hành khúc ca”, và sau là “Tiến quân ca” bất hủ. Còn Thâm Tâm thì viết “Vọng nhân hành”, “Can trường hành” “Tráng ca”. Khát vọng đấu tranh của thanh niên Việt Nam đã bộc lộ rõ ở Trần Huyền Trân, Thâm Tâm. Họ sáng tác về sự ra đi, niềm mong chờ thay đổi, ban đầu người xem còn chưa hiểu rõ, sau này mới biết ở đó ngầm ẩn tinh thần cách mạng. Thâm Tâm có bài “Thơ lên đường” ghi “Đề tựa thơ Trần Huyền Trân”. Thơ rằng: “Chàng say màu son sắt/Lại khát ánh hoa sương/Nửa đời khôn ném bút/Dăm chuyến vẫn chê hương//Thơ chàng cho lính thú/Lính thú ngút trùng dương/Thơ chàng cho xuân nữ/Xuân nữ lười đoạn trường//Hôm nay thơ lên đường/Hồn chàng ra thiên hạ/Ta vừa nghe lã chã dòng sương/Ngâm thôi/Quăng bút cười ha hả/Đây một loài hoa khác hải đường”.
Qua nhiều thăng trầm dâu bể, khi những người cha đã yên ngủ từ lâu, ba người con của ba thi nhân mới có duyên gặp nhau khi tóc đã bạc. Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính từng dành nhiều năm sưu tầm tài liệu về nhóm “Áo bào gốc liễu”. Giảng viên nhiếp ảnh Trần Kim Bằng, con nhà thơ Trần Huyền Trân thì bỏ rất nhiều công tìm lại các tờ tuần báo Bắc Hà mà cha mình từng làm, qua đó phát hiện lại vai trò họa sĩ với những đóng góp liên tục của Thâm Tâm trên ấn phẩm này. Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu và ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ Thâm Tâm xúc động khi nghe ông Trần Kim Bằng kể, hồi chưa mất, trên bàn làm việc của cha ông vẫn thường để một cái khay với ba chén rượu. Bây giờ ngày giỗ chạp, ông Bằng vẫn rót đều ra ba chén dâng lên bố và hai người bạn thi nhân như thế. Họ cùng nhau xem bài “Thơ Nguyễn Bính gửi Trần Huyền Trân” được “thi sĩ chân quê” viết năm 1963 khi đã ra Bắc từ lâu và về quê sinh sống. Bài thơ ấy như thế này:
“Nhớ xưa hồi còn trẻ
Thâm Tâm, Trân với mình
không Đào Viên kết nghĩa
nhưng cũng thành tam anh
Tiếng tăm thật là nổi
nhưng cũng thật là nghèo
gác Sơn nằm nhịn đói
cùng đọc thư người yêu
Hễ có tiền trong túi
đời lại làm ông hoàng
đập vỡ quán Lã Vọng
đốt cháy lầu Mộng Hoàn
Những lúc trốn hè phố
trở về đầm Liên Hoa
gió buốt chân Kỳ, Ký
mưa run lều mẹ già
Rồi mùa thu khởi nghĩa
rồi Cách mạng vùng lên
rồi chín năm kháng chiến
rồi một trận Điện Biên…
Rồi hòa bình lập lại
tóc chúng mình còn xanh
tưởng đời ta sẽ dược
đẹp như người trong tranh
Tất cả là ánh sáng
tất cả là hoa hồng
cuộc đời cứ tiếp diễn
không có màn cuối cùng
Những cái oan Thị Kính
những cái dại Xúy Vân
chỉ còn trên sân khấu
mỗi khi chèo mở màn
Ta vẫn là nghệ sĩ
ta vẫn là nhà thơ
nghệ thuật vẫn chung thủy
không chết yểu bao giờ
Sớm nay buổi đầu xuân
gặp nhau bờ sông Vị
đời chúng mình đẹp nhỉ
tiếc không còn Thâm Tâm.
Năm 1954 tại Hà Nội, nhà thơ Trần Huyền Trân viết bài thơ “Đi dưới mưa xuân”, đề “Khóc Thâm Tâm”. Bài thơ có đoạn: “Mùa xuân đã biếc trên mồ/Rừng xanh thác đổ… Bây giờ biển xanh/Ở đâu đã nát xương anh/Gió lùa cửa mộ tâm tình nằm trơ/Xuân về lên thịt da xưa/Anh đem hoa đến muôn nhà là đây/Nhớ người không uống rượu cay/Mưa rơi mái tóc mà say trong lòng”.
Thời nay, số Xuân Giáp Thìn 2024