Trong cuộc đời, mỗi con người ai cũng đã từng chứng kiến những cảnh chia li tiễn biệt, không cuộc chia ly nào giống cuộc chia ly nào và đây ta bắt gặp ở bài thơ “Tống Biệt Hành” một cảnh chia ly rất đặc biệt.
Trước hết, ta cần biết người ra đi ở đây là ai? Đó là một “trang nam nhi” ôm”chí lớn” với khát vọng lên đường lập công. Nhưng cái đặc biệt đáng chú ý ở đây là anh ta lại có một gia cảnh rất nặng nề, éo le: đó là một mẹ già, hai chị luống tuổi chưa chồng và một em thơ còn nhỏ dại. Đáng lẽ ra anh phải ở nhà để phụng dưỡng mẹ già, cùng hai chị nuôi dạy em thơ thì mới phải đạo. Nhưng anh lại quyết tâm dứt áo ra đi để lại trong lòng người thân sự bạc bẽo, vô tâm của mình đối với họ:”Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi / Em thà coi như hơi rượu say” . Điệp từ “Thà coi” được nhắc lại sau mỗi đại từ xưng hô nhằm nhấn mạnh sự lạnh lùng, dửng dưng, dứt khoát quyết tâm ra đi bỏ lại cả một gia cảnh nặng nề đang cần ở anh một chỗ dựa.
Có phải anh ta bạc bẽo vô tình thật không? Ta hãy xem người bạn tri kỷ nhân vật “Ta ” cảm nhận được điều gì sau vẻ bề ngoài lạnh lùng ấy:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước/ Ta biết người buồn sáng hôm nay” Tưởng rằng trang nam nhi ấy ra đi dửng dưng, kiêu bạt… Nhưng không đằng sau khuôn mặt tưởng chừng như vô cảm ấy, lạnh lùng ấy là những đợt sóng lòng ngổn ngang day dứt đầy uẩn khúc. Đó chính là một nỗi buồn triền miên” từ chiều hôm trướcđến sáng hôm sau Anh phải đối diện với chính mình đấu tranh để lựa chọn giữa tình và chí. Bổn phận núi kéo anh ở lại, khát vọng lại giục anh lên đường,anh phải chọn sao đây? Nếu như chỉ một bên nặng thì không sao, đằng này bên nào cũng sâu nặng. Cuối cùng, anh đã quyết định ra đi ; điều đó thuận với thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, rất cần những thanh niên có chí lên đường để lập công phục vụ Tổ quốc- ” Nước có yên thì nhà mới ấm” Đó là trách nhiệm thiêng liêng cao cả của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ.
Để có thể ra đi anh ta phải rắn lòng mình, bề ngoài phải tỏ ra dứt khoát lạnh lùng, dứt khoát ” Chí lớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại” những người chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài bề ngoài nên thấy anh là kẻ vô tình, bạc bẽo; chỉ có Ta, người bạn tri kỉ, người đưa tiễn anh mới thấu hiểu được nỗi lòng uẩn khúc bên trong của anh : đó là một nỗi buồn day dứt khôn nguôi ” Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng/ Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong” .Một sự đồng cảm thật kỳ diệu”trong mắt trong” ; “chứa đầy hoàng hôn”- Nỗi buồn vô tận không hiện ra ở vẻ bề ngoài mà phải nhìn thấu bằng cả tấm lòng đồng cảm của một người bạn tri kỉ mới thấu hiểu được tâm can đang giằng xé, day dứt của trang nam nhi phải lên đường vì chí lớnvì trách nhiệm đối với đất nước.
Như vậy, hình ảnh người ra đi trong bài thơ ” Tống biệt hành” được Thâm Tâm xây dựng bằng sự tương phản giữa vẻ bên ngoài và nội tâm bên trong. Bên ngoài tưởng dửng dưng , lạnh lùng, kiêu bạt mà bên tronglại đầy lưu luyến ngậm ngùi, giằng xé buồn bã; đây chính là nỗi lòng uẩn khúc của hình tượng người ra đi. Kết hợp với lời thơ nhẹ nhàng sâu lắng, lời ít ý nhiều đã làm nên sức hấp dẫn , sức sống trong lòng bạn đọc đối với bài thơ ” Tống biệt hành” của Thâm Tâm – Nhà thơ, người chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.