Nhớ Vũ Cao, nhớ lại chuyến về nguồn – Trần Đăng Khoa

Tôi không ngờ bây giờ, nhà thơ Vũ Cao đã thành người của cõi nhớ thương. Trong khoảnh khắc ly biệt này, tôi lại nhớ những kỷ niệm với ông, đặc biệt là chuyến theo ông về nguồn. Cũng lâu rồi. Có lẽ đã chục năm.

Có lần, bên ấm trà đã nhạt, trong một căn phòng nhỏ ở nhà số 4 Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã kể cho đám hậu sinh chúng tôi về cái cảm giác của ông khi lần đầu tiên trông thấy Nguyễn Công Hoan. Đứng trước cụ Hoan, Nguyễn Minh Châu cứ thấy rợn ngợp như đứng trước một con Khủng Long vừa hiện hình người. Mà cũng phải thôi! Cụ Hoan có truyện ngắn in báo từ năm 1920. Mãi mười năm sau, cậu bé Châu mới ra đời. Bởi thế, đối với Nguyễn Minh Châu, cụ Hoan như người ở thế kỷ trước, ở mấy kiếp trước. Thế thì ông cụ đúng là con Khủng Long rồi còn gì!

Tôi cũng có cái cảm giác rợn ngợp như vậy khi nhìn thấy Vũ Cao. Đối với tôi, Vũ Cao cũng chẳng khác gì một con Khủng Long. Trông ông cụ cũng cổ kính lắm, hồng hoang lắm. Ông viết Núi Đôi khi tôi vẫn đang còn là một hạt bụi, bay phiêu diêu, lơ lửng đâu đó trong cõi hoang dại. Nhưng khi hỏi ông về bài thơ đã làm nên tên tuổi ông thì ông chỉ cười hô hố. Cái cười cứ nhẹ tênh tênh. Nhiều người bảo Vũ Cao hơn người ở tiếng cười ấy. Bằng tiếng cười đó, ông có thể vượt qua bao nhiêu sóng gió, phức tạp. Hồi ông còn trụ trì ở ngôi chùa thiêng có cái tên rất hiện đại: Tạp chí Văn nghệ quân đội, anh em trong cơ quan với nhau đều thành người ruột thịt. Gặp nhau vui ríu rít. Đó là thời hoàng kim của Văn nghệ quân đội. Tạp chí tung ra đời hàng loạt tác phẩm đặc sắc. Bạn đọc cả nước đón nhận nồng nhiệt. Tạp chí thành một địa chỉ văn hoá đáng tin cậy của cả nước. Ở tòa soạn của tạp chí, ngày nào cũng nườm nượp khách khứa. Nhà thơ Xuân Quỳnh bảo: “Đây là cái nôi của những cây bút trẻ, là trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam”. Rồi có lần, chị còn đến tìm gặp Vũ Cao: “Anh cho em tòng quân với nhé. Em chỉ làm lính của anh thôi. Anh xếp em việc gì cũng được”. Vũ Cao vui lắm: “Tốt quá! Nhưng ở đây không thiếu nhà thơ, chỉ thiếu lãnh đạo thôi. Hay cô về thay tôi làm lãnh đạo nhé!”. “Ôi dào ôi! Em tưởng làm nhà thơ mới khó, chứ làm lãnh đạo thì khó quái gì!”. Vũ Cao lại bụm miệng cười. Ông công nhận Xuân Quỳnh nói đúng. Làm lãnh đạo như ông chẳng khó gì. Ông lãnh đạo mà lại như không lãnh đạo gì cả. Đó mới đúng là cách lãnh đạo văn nghệ. Điều này thì không phải ai cũng biết. “Mình nghiệm thấy ở cái nhà số 4 này, anh nào thế nào thì nó đã như thế rồi. – Vũ Cao rủ rỉ. – Người sắc sảo thì đã sắc sảo ngay. Người tham lam, lủn mủn thì đến già cũng vẫn cứ tham lam, lủn mủn. Giời sinh ra thế nào thì nó cứ thế thôi. Làm sao mà “rèn luyện” với “giác ngộ” được cơ chứ! Nói như lý thuyết, như sách vở, như người ta vẫn a dua nhau là sai toét!

Còn nhớ hồi tạp chí Văn nghệ Quân đội in truyện ngắn Hai người trở về trung đoàn của Thái Bá Lợi. Đây là dạng truyện ngắn viết dài. Cái truyện cũng chẳng có gì ghê gớm. Chỉ mỗi một chi tiết: Nhân vật chính là anh lính lại tằng tịu lừa một cô gái, thế mà rồi chẳng sao, lại lên cấp lên chức, rồi làm đến Trung đoàn trưởng. Thế là ầm ĩ lên. Một độc giả chống ba toong đến toà soạn gặp nhà thơ Xuân Sách, người biên tập cái truyện ngắn này: “Cái truyện bậy bạ quá! Phản động quá! Thế mà sao các anh lại cho in? Đề nghị phải bắt ngay cái thằng viết truyện này!”. “Vâng! Cụ nói chí phải! Cái truyện bậy bạ quá! – Nhà thơ Xuân Sách cười tủm tỉm. – Chỉ tiếc tác giả lại đang đánh giặc ở chiến trường. Người cho in cái truyện này là đại tá Vũ Cao. Ông ấy đang ở tầng hai đấy. Cụ lên bắt ngay đi, không ông ấy trốn mất!”. Ông độc giả thập thễnh lên tầng hai, thấy Vũ Cao cười hô hố. Tiếng cười cứ nhẹ tâng. Hoá ra trời đất vẫn hoà bình, chẳng có gì nguy hiểm ảnh hưởng đến an ninh thế giới!

Sau này, Vũ Cao chuyển ra ngoài quân đội. Ông để tiếng cười ở cơ quan, làm hồng phúc, hương hoả cho anh em ở lại.

II

Mùa xuân bữa ấy hình như đến sớm hơn thường lệ. Mới giữa tháng Mười đã thấy mưa bụi bay phiêu diêu như khói. Không khí đã nhuốm hơi xuân. Có gì bâng khuâng, náo nức trong trời đất, trong lòng người. Tạp chí Văn nghệ quân đội làm một cuộc về nguồn. Trưởng đoàn là nhà thơ Vũ Cao, cựu tổng biên tập Tạp chí. Đi “hộ tống” nhà thơ còn có cả một đoàn tuỳ tùng, gồm đầy đủ các thành phần cơ cấu: Nhà văn lão thành cách mạng Nam Hà, nhà văn đương kim phó tổng biên tập Nguyễn Bảo, nhà phê bình Hồng Diệu, còn tôi làm anh loong toong. Thế là đủ cả ba thế hệ nhà văn cầm súng.

Ở làng Quặng, xã Định Biên, Thái Nguyên, nơi đóng quân của báo Cứu Quốc xưa, bây giờ Vũ Cao chỉ còn nhớ được hai kỷ niệm. Đó là một cây đa già và một cô gái trẻ. Cây đa chẳng biết có từ bao giờ, sùm soà buông rễ uốn thành một cái cổng làng rất độc đáo. Còn cô gái trẻ tên là Ma Thị Chanh. Cứ như lời Vũ Cao thì cô Chanh đẹp lắm. Trong đời mình, dường như chưa bao giờ ông gặp một cô bé nào có vẻ đẹp như thế. Hình bóng cô cứ lung linh suốt trong tâm trí của ông.

Chiếc xe lướt như trôi trên con đường mềm như một dải lụa, lượn qua mấy dải đồi xập xoè những tán cọ xanh mỡ. Tôi quay lại, hỏi trêu Vũ Cao:

– Sao ngày xưa các bác tìm được chỗ ẩn nấp khéo thế? Đúng là An toàn khu. ở đây còn an toàn tuyệt đối hơn nữa. Bởi chỉ có mỗi một con đường độc đạo này thôi. Hai ổ súng trấn ở hai ngọn đồi kia là xong rồi. Chẳng thằng địch nào có thể mò vào được. Đánh giặc như các bác thật sướng!

– Đâu có! – Vũ Cao cười ho hố. – Ngày xưa làm gì có con đường đẹp như thế này. Chỉ mỗi lối mòn phủ đầy lau sậy. Ngựa đi còn thấy khó, huống hồ người. ấy vậy mà cũng rất nguy hiểm. Thôi Hữu đã hy sinh ngay khi đang đi trên con đường này đây. Tội! Cậu ấy khoẻ lắm. Người cứ chắc nịch như thợ cày. Ăn khoẻ. Ngủ khoẻ. Viết khoẻ. Cậu ấy bị một quả moóc-chi-ê bắn trúng đầu. Thế là chết. Chết tang thương. Mà chết cứ như đùa…

Nói rồi, Vũ Cao ngồi im lặng, vẻ tư lự. Trông ông như một pho tượng đá. Mãi đến lúc nhìn thấy “cố nhân”, ông như mới choàng tỉnh, mới từ cõi đá về lại xứ người. ấy là khi cây đa hiện ra trước mũi xe, che rợp cả một khoảng sân kho mà như lời Vũ Cao, trước đây, nó là một bãi chợ, lèo tèo vài cái quán xiêu vẹo lợp lá mía. Cây đa đúng là rất già. Gốc và cành nổi múi cuồn cuộn. Từ trên cao, buông xuống những chùm rễ to sụ, uốn vắt thành một cái cổng sùm sòa ôm lấy con đường rải sỏi chạy ngang qua cánh đồng sang mãi làng bên. Xưa kia, Thâm Tâm và ông ngày nào cũng hai lượt đi qua cái “cổng làng” này đến cơ quan và bếp ăn tập thể. Bây giờ trông nó vẫn thế. Cả cây đa nữa, vẫn y hệt như ngày xưa. Vũ Cao lặng ngắm cây đa. Còn tôi thì tò mò ngắm ông. Cảm giác như trước mặt tôi là hai cây đa đang đắm đuối nhìn nhau. Chẳng biết “cây đa” nào cổ kính hơn “cây đa” nào. Giọng Vũ Cao bùi ngùi:

– Đến đây, mình thấy nhớ Thâm Tâm quá. Mình hơn một năm sống với Thâm Tâm. Cái này, cứ như là có số trời sắp đặt ấy. Mình được tổ chức phân công sống cùng nhà với Thâm Tâm. Nhà cô Chanh, ở ngay đầu xóm kia thôi. Đấy, nóc nhà sau mấy khóm lau ấy…

Đó là căn nhà sàn khá rộng, nằm khuất trong cây lá. Đường vào nhà đầy lá mục. Cỏ lau lan đến tận chân sàn. Thiên nhiên ở đây dường như vẫn giữ được nguyên vẻ hoang sơ như mấy chục năm trước. Tất tưởi đón chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn. Bà Chanh! Người trong cõi mộng của Vũ Cao đây ư? Tôi bàng hoàng kinh ngạc. Bà Chanh mời chúng tôi lên nhà, rồi lúi húi pha nước. Nước lá rừng ngai ngái đắng. Nhưng Vũ Cao uống rất ngon lành. Hình như ông đã nghiện cái thứ trà rừng này từ xa xưa.

– Năm ngoái, bác lên vội quá, em chưa kịp ngả con lợn mời bác thì bác đã đi rồi…

Bà Chanh tỏ vẻ nuối tiếc. Vũ Cao cười:

– Bây giờ già rồi, chẳng ăn gì được đâu. Cô đừng bày vẽ làm gì!

– Ừ, đúng là bác Cao già rồi! Mà em cũng già rồi! ốm đau luôn đấy. Ngày xưa leo núi phăm phăm. Bây giờ chẳng leo núi cũng mỏi. Em cũng đã 67 tuổi rồi đấy, bác Cao ạ!

Quả là so với cái tuổi 67, bà Chanh còn trẻ lắm. Trông bà chỉ như người ở lứa tuổi 50. Má căng. Da hồng ửng nhu trái táo Mèo. Dáng nhỏ nhắn và nhanh nhẹn. Đôi mắt sáng. Hàm răng hạt na đen rưng rức. Mái tóc xanh dày, búi cao, chưa có một sợi bạc. Bà cười, rất hồn nhiên:

– Ngày xưa có nhiều anh bộ đội yêu tôi lắm. Nhưng tôi không dám lấy đâu. Bố mẹ tôi cũng không cho lấy, sợ phải theo chồng về xuôi, mất con. Nếu hồi ấy, tôi lấy chồng Hà Nội thì không khéo tôi lên tướng rồi. Tôi có nhan sắc nhá, lại có trình độ nhá. Thế thì lên tướng là cái chắc rồi…

– Nói đúng ra là chị có thể làm bà tướng. Là vợ một ông tướng nào đó…

Nhà văn Nam Hà nói chen vào. Bà Chanh lắc đầu, quả quyết:

– Không, tôi phải làm tướng kia. Làm vợ tướng thì cần gì phải học. Tôi có trình độ mà!

– Cô học lớp mấy hồi ấy?

Tôi đâm tò mò. Bà Chanh cười:

– Tôi học lớp Bốn mờ. Lớp Bốn là trình độ cao rồi đấy. Có thể làm tướng được đấy. Có người chỉ học có lớp Ba mà vẫn làm được ông to. Kiến thức cả đời dùng vẫn không hết. Có phải thế không, bác Cao?

Vũ Cao bụm miệng cười:

– Đúng là cô Chanh ngày ấy đẹp lắm. Ở cả vùng này chỉ có hai cô đẹp thôi. Cô Chanh và cô A Mai…

– Bà Mai bây giờ còng rồi. Răng rụng hết rồi. Còn em thì cũng thành Chanh héo, Chanh úa, Chanh thối, sắp vứt xuống lỗ rồi. Hồi bác Cao ở đây, em còn bé tí…

– Chính vì thế mà cô chẳng nhớ chúng tôi đâu nhỉ?

– Chỉ có các bác nhớ em, chứ làm sao em nhớ được các bác. Mấy năm gần đây, thỉnh thoảng bác còn về. Còn một bác nữa thì không thấy về…

– À, đấy là anh Thâm Tâm. Anh ấy ở đây một năm. Rồi sau, chúng tôi về Cao Bằng. Anh Tâm mất ở trên ấy. Cô còn nhớ anh Thâm Tâm không?

Tất nhiên, bà Chanh không còn hình dung nổi gương mặt người chiến sĩ cách mạng ấy nữa. Bà chỉ mang máng nhớ có một người đàn ông đội chiếc mũ nồi, khoác tấm áo bông đã bạc, dáng nhỏ nhắn, hiền lành, rất ít nói, gương mặt lúc nào cũng trầm ngâm. Anh hay ngồi im lặng bên bếp lửa này. Bây giờ cái bếp vẫn thế. Cột nhà, xà nhà và mái lá vẫn đen óng bồ hóng. Cũng tại đây, trong một đêm mùa đông năm 1949, khí núi và sương rừng lùa từ chân sàn lên, buốt ngăn ngắt, Vũ Cao đã đọc cho Thâm Tâm nghe hai câu thơ Thâm Tâm mà ông rất tâm đắc:

Ngoài cửa mưa bay, xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê…

Đấy là hai câu trong bài Vọng nhân hành, viết sau Tống biệt hành. Cả hai bài này, Thâm Tâm muốn ném vào dĩ vãng. Ông quyết đoạn tuyệt nó, chối bỏ nó để đến với cách mạng, không muốn vướng víu những nỗi buồn tiểu tư sản xưa cũ. Không ngờ, những cái ông toan vứt bỏ, người bạn đường của ông – người chiến sĩ cách mạng Vũ Cao – lại trân trọng gìn giữ và nâng niu. Điều ấy, làm ông vừa bối rối vừa sung sướng. Sau đó, ông cùng Vũ Cao đi chiến dịch Biên giới, rồi lên Cao Bằng. Hai ông vẫn ở cùng nhà. Đầu năm 1950, Vũ Cao cùng một đoàn cán bộ sang công tác bên Trung Quốc. Thâm Tâm tiễn ông ra đầu bản: “ Thôi, Cao đi nhé. Mình thấy trong người khó chịu quá!”. Vũ Cao tưởng ông chỉ ốm xì xằng như mọi bận thôi. Ai ngờ sau trận sốt đó, ông ra đi mãi mãi…

– Khổ bác ấy quá nhỉ! – Bà Chanh bùi ngùi. – Thế mà em không biết bác ấy là Thâm Tâm. Bài thơ của bác ấy, con Bính nhà em, con Ma Thị Bính ấy, bác Cao ạ, nó vẫn dạy cho học trò. Thế mà cả nhà chẳng ai biết bác Thâm Tâm nổi tiếng ấy đã từng ở đây hơn một năm giời… Tội quá!…

Trần Đăng Khoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *