Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm: Siêu thoát nơi bản nhỏ – Hoàng Quảng Uyên

Nhà thơ Thâm Tâm, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, quê ở thị xã Hải Dương, là thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân, tiền thân của báo Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ Quân đội (từ năm 1948 đến năm 1950)… Chiến dịch Biên Giới chuẩn bị mở màn, ông vượt đèo, lội suối đưa một tổ công tác ra tiền phương để ra báo phục vụ tại mặt trận rồi hy sinh… Hơn nửa thế kỷ sau, người thân và đồng đội cũ mới tìm thấy phần mộ của Thâm Tâm…

Ngày 18-8-1950, người dân bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng cùng đơn vị bộ đội đóng quân trong bản đã tổ chức an táng với nghi thức gọn nhẹ, ân tình cho một anh Bộ đội Cụ Hồ mới hy sinh. Nấm mộ của người chiến sĩ vô danh ấy (không có bia) nép mình nơi bìa rừng, dưới tán lá của những cây xau xau, cây nghiến xanh tốt quanh năm. Năm tháng trôi đi nấm mồ nhỏ dần theo thời gian, thậm chí lẫn trong cây, trong cỏ nếu như không có việc khơi lại ký ức thời gian…

Khởi đầu là bài báo của nhà báo Trúc Kỳ viết tháng 9-1992, in trên báo Quân đội nhân dân với tựa đề “Những phút cuối cùng của Thâm Tâm”:Thu-Đông năm 1950, tôi (Trúc Kỳ) nhận lệnh điều đến chỗ ở mới của cơ quan là một bản nhỏ của đồng bào Nùng, ở chân đèo Mã Phục, gần thị trấn Án Lại, cách thị xã Cao Bằng khoảng 18km về phía Bắc. Từ đây, tôi được điều tiếp ra biên giới thay Thâm Tâm đang ốm. Đến Bản Riềng, thấy Thâm Tâm nặng quá, tôi cho người cáng anh trở lại cơ quan, dọc đường thì anh hy sinh. Tôi báo cho cơ quan biết để liên hệ với địa phương lo mai táng anh. Đồng chí Bí thư chi bộ xã đã vượt qua những phong tục tập quán của bản làng, cho đưa người chết vào nhà mình, lại tháo cánh cửa tự tay đóng quan tài. Chúng tôi khóc Thâm Tâm, lại khóc vì cảm động trước việc làm đầy tình đồng chí của Bí thư chi bộ xã mà cho đến bây giờ tôi cũng không thể nào quên được, mặc dù từ bấy đến giờ, bốn mươi hai năm đã trôi qua…”.

Đọc bài báo ấy, những người làm văn nghệ ở Cao Bằng đã rất bất ngờ và tự hào. Bất ngờ vì tới nay họ mới biết nhà thơ Thâm Tâm đã từng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại ở núi rừng Án Lại, Phục Hòa, Quảng Uyên… Tự hào vì có những người bí thư chi bộ xã đã có những tình cảm và việc làm đầy nhân ái, hiếu nghĩa đối với cách mạng, với kháng chiến, với Bộ đội Cụ Hồ.

Hãy đi tìm nơi an nghỉ của nhà thơ Thâm Tâm! Những tiếng lòng mách bảo chúng tôi như vậy, thật may mắn, sau nhiều chuyến đi tìm tưởng như vô vọng, vào năm 1997, chúng tôi đã xác định bản nhỏ trong bài viết của ông Trúc Kỳ là bản Pò Noa và tên người bí thư chi bộ năm xưa.

Sau khi xác định được chính xác nơi hy sinh và an nghỉ của nhà thơ Thâm Tâm, tỉnh Cao Bằng và Đài Truyền hình Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã thực hiện bộ phim “Nhớ Thâm Tâm” (năm 2000). Gia đình nhà thơ Thâm Tâm đã lên bản Pò Noa nhiều lần, lần nào cũng được sống trong tình thân ái như anh em ruột thịt của bản… Mỗi lần gặp là một lần nặng nghĩa nặng tình. Năm 2002, bà Phạm Thị An, vợ nhà thơ Thâm Tâm đến Pò Noa, bà lặng đi trước nơi yên nghỉ của chồng. Năm 2005, bà An quy tiên, tôi cùng đạo diễn điện ảnh Nguyễn Nhàn đến viếng, nhìn đôi mắt hiền dịu, thanh thản trong tấm di ảnh của bà An, tôi như thấy sự mãn nguyện của bà khi đến với ông ở cõi vĩnh hằng.

Đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Thâm Tâm (đầu năm 2007) Nhà nước ta truy tặng ông phần thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật. Trong lễ Tảo mộ 3-3-2007 (âm lịch), gia đình anh Nguyễn Tuấn Khoa, con trai nhà thơ cùng cán bộ Viện Thông tin y học, lần thứ tư lên Pò Noa dựng bia tưởng niệm Nhà thơ, Liệt sĩ Thâm Tâm. Dân bản Pò Noa, con cháu của người bí thư chi bộ năm xưa lại tận tình tiếp đón chu đáo gia đình nhà thơ Thâm Tâm và dựng bia kỷ niệm như chính việc của gia đình mình vậy. Cảm ơn dân làng, anh Nguyễn Tuấn Khoa xúc động không nói nên lời, thay vì những câu cảm tạ anh đã quỳ xuống vái lạy dân bản Pò Noa và mảnh đất mà cha anh đã nằm xuống, yên nghỉ mãi mãi.

Rồi đây du khách phương xa, các nhà thơ, nhà văn đến Cao Bằng sẽ có một nơi để tìm về với Thâm Tâm từ “Đỉnh cao các con chữ”, dậy lên “tiếng sóng ở trong lòng” nhớ một thời cách mạng hào hùng với những kỷ niệm về một nhà thơ-chiến sĩ ra trận và hy sinh trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950.

HOÀNG QUẢNG UYÊN
QĐND – Thứ Sáu, 03/08/2007
Nguồn: Nhà thơ liệt sĩ Thâm Tâm: siêu thoát nơi bản nhỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *