Một tờ tuần báo, mấy nhóm thơ văn (xung quanh tuần báo Bắc Hà những năm 1936 – 38) – Lại Nguyên Ân

1/ Nói về các nhóm phái văn học ở Việt Nam thời kỳ trước 1945, các nhà nghiên cứu (và các nhà báo thích lặp lại họ) thường chỉ nêu tên mấy nhóm dễ thấy, chẳng hạn nhóm Đông Dương tạp chí, nhóm Nam phong, nhóm Phong hoá-Ngày nay (hay là Tự Lực văn đoàn), nhóm Tân dân, nhóm Tri tân, nhóm Thanh nghị, nhóm Hàn Thuyên… Song hầu như chưa ai thử tiếp cận theo một lối khác, nghiêm chỉnh hơn, ví dụ hãy bắt đầu bằng việc thống kê xem, chẳng hạn, chỉ trên đất Hà Nội thôi, suốt thời gian ấy (1900-1945) có bao nhiêu nhóm văn học, là những nhóm nào, gồm những tên tuổi nào, biến động của từng nhóm ấy ra sao, v.v… Như thường thấy, những ai muốn biết tường tận bao giờ cũng cảm thấy được chỉ dẫn rất ít! Vì sao ư? Chính là vì họ vấp phải − trong hầu khắp các công trình văn học sử đã có − lối khái quát không cần thống kê, chỉ dựa vào suy đoán ước chừng, và tuy là ước chừng nhưng đã trở thành mẫu mực trong “tư duy nghiên cứu” của nhiều lớp học giả đàn anh.

Tôi biết có không ít nhà nghiên cứu lớp trước muốn dừng lại thật lâu ở sự tranh cãi suông về chuyện “thế nào là nhóm phái”, trước khi cho phép từng nhà nghiên cứu vẽ bức tranh thực có về các nhóm phái. Nếu phải chọn, tôi không chọn lối làm ấy; tôi sẽ nương theo những loại sự kiện một số nhà văn nhất định nhóm lại với nhau, dù nhất thời hay lâu dài, quanh một công việc gì đó, thường thường là một tờ báo hay tạp chí, để hình dung diện mạo của cái gọi là nhóm phái trong đời sống văn nghệ. Còn các việc tiếp theo, như xét xem các hoạt động của cái tạm gọi là nhóm phái ấy có ý nghĩa ra sao, có ảnh hưởng ra sao, có đáng để gọi là nhóm phái hay không, v.v. − ấy là điều sẽ phải làm về sau, sau khi đã có khá nhiều dữ kiện về những gì có thể và nên được gọi là nhóm phái.

Chẳng hạn, vài chục năm trước đây, nhân lướt qua đôi bài hồi ức về Nguyễn Bính (1916-1965), tôi thấy một vài tác giả đã nhắc sơ sơ đến một nhóm nhà văn hồi những năm 1940 thường nhóm nhau ở vùng Cống Trắng-Khâm Thiên hay là sau ga, “Sau-ánh-sáng”, hay Thanh Giám gì đó, một nhóm mà Nguyễn Bính có giao du thậm chí có thể coi như đã tham gia trong một quãng thời gian… Người ta gợi ý những tên tuổi chính của nhóm ấy là Trần Huyền Trân, Thâm Tâm…[1] Nhưng hầu như không có tài liệu gì rõ rệt.

Vừa rồi, trong khi tìm tòi để làm rõ thêm cho một tài liệu đã có, tôi tình cờ được thấy một vài dấu tích về hoạt động của một vài tên tuổi thuộc nhóm nhà văn ấy, và tất nhiên còn thấy dấu tích về hoạt động của nhiều tên tuổi quen hoặc lạ khác nữa. Chứng tích ấy gắn với tuần báo Bắc Hà ở Hà Nội những năm 1936-1938.

Trước tiên hãy nói vài nét chung về tờ tuần báo Bắc Hà.

Trong chuyện “nói vài nét chung”, cũng cần sòng phẳng rằng: ở đây không tìm được thông tin tuyệt đối; chỉ tìm được những tin mà giá trị thông báo là hữu hạn.

Soạn giả Nguyễn Thành trong Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Hà Nội, 2001: Nxb. VHTT, tr.49) ghi nhận báo này có từ 10/8/1936 đến tháng 3/1938.

Còn tại thư viện quốc gia ở Hà Nội, có thể đọc được ở thông tin khái quát và thông tin “thực địa”, tức là ở bộ sưu tập báo này hiện còn lưu trữ tại đây.

Theo nội dung chỉ dẫn trong ô phích tra cứu (fiches de bibliothèques) thì báo này có từ tháng 3/1935 đến 26/3/1938. Cụ thể, 1935: tháng 3-8 (các số từ 1 đến 20); 1936: tháng 1-12 (các số từ 1 đến 17); 1937: các số từ 18 đến 19, và các số (đánh số lại) từ 1 đến 10; 1938: các số từ 1 đến 12.

Trên “thực địa” tức là bộ sưu tập báo này hiện lưu lại tại thư viện quốc gia Hà Nội (ký hiệu J 237) thì, ở dạng vi phim (microfilm) ta có thể được biết là có hầu như tất cả các phần thuộc sưu tập báo này, kể cả phần báo trong năm 1935; nhưng ở dạng bộ sưu tập báo gốc (báo giấy), hiện không còn các số ra trong năm 1935 và đầu năm 1936; phần còn lại và đọc được chỉ là từ số 1 ra ngày 10/8/1936, thuộc về “Bắc Hà, năm thứ hai”, cho đến số cuối cùng còn lưu lại là số 12 ra ngày 26/3/1938, thuộc “Bắc Hà năm thứ tư”.

(Về các phần chưa biết rõ của sưu tập Bắc Hà, xin mở ngoặc nói thêm 2 chi tiết:

Một là, về Bắc Hà trong năm 1935: trong số khá nhiều trang photocopy báo chí tiếng Việt trước 1945 mà hai bạn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman chuyển cho tôi − không rõ chụp được từ nguồn của thư viện quốc gia Hà Nội hay từ nguồn nào khác, − có 3 trang của Bắc Hà ra trong năm 1935, cho thấy nó là báo thời sự văn hoá xã hội, khổ trung bình (30×40 cm); trang nhất số 6 ra ngày 1er Mai 1935 ghi rõ “năm thứ nhất” và trụ sở toà báo: 14 rue Takou [= Hàng Cót] Hà Nội, Directeur propriétaire [chủ nhiệm]: Bùi Đình Tiến; trang nhất số 7 ra ngày 10 Mai 1935 cũng ghi như trên; trang nhất số 20 ra ngày thứ sáu 13/9/1935 ghi thêm chức danh Rédacteur en chef [chủ bút]: Ngô Văn Triện.

Hai là, về Bắc Hà đầu năm 1936: trong sưu tập hiện còn, có nửa trang bìa còn lại của Bắc Hà năm thứ hai, số ra ngày Samedi 1er Janvier 1936 [= thứ bảy 1/1/1936], cho thấy rõ nó là tuần báo kỹ nghệ và thương mại).

Như vậy, về báo Bắc Hà, hiện có sai lẫn cả ở thông tin vắn tắt về báo này trong Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam dẫn trên (chỉ nói đến báo này ở phần còn sưu tập báo giấy, tức là chỉ biết báo này ở năm thứ nhì; không thông tin gì về báo này khi mới xuất bản năm thứ nhất), cả ở thông tin về sưu tập báo này trong ô phích tra cứu của thư viện quốc gia (nói năm 1935 từ tháng 3 đến tháng 8 có 20 số, song số 20 ta biết lại ra ngày 13/5, vậy là thiếu thông tin về báo này từ tháng 5 đến tháng 8; về năm 1936 thiếu hẳn thông tin về các số ra từ 1/1/1936 như ta thấy trên tờ bìa rách hiện còn trong sưu tập).

Dẫu sao cũng thử tạm phác ra một hình dung “liền mạch” như sau.

Tuần báo Bắc Hà vốn là tờ báo thời sự xã hội văn hoá do ông Bùi Đình Tiến sáng lập và làm chủ nhiệm, có lúc đã mời (hoặc thuê) Trúc Khê Ngô Văn Triện làm chủ bút; có thể là sau 20 số đầu, báo đã ngừng lại và chuyển đổi thể tài, trở thành tờ báo về kỹ nghệ và thương mại (từ 1/1/1936); nhưng một thời gian sau, do gặp khó khăn gì đấy, báo được chuyển cho một nhóm khác.

Cụ thể là, từ 10/8/1936 đến 7/1/1937, “Bắc Hà tập mới” đánh số lại từ 1 và trở thành tuần báo văn chương, ra được 19 số, người quản lý tờ báo là Trần Đình Kim; toà soạn ở 17 Cao Đắc Minh (Hậu Giám).

Từ 11/3/1937, Bắc Hà lại xuất hiện như một “tập mới” khác: báo quán chuyển tới 57 phố Huế, toà soạn và trị sự do Nguyễn Cao Nhạc quản lý, vẫn là tuần báo văn chương, ra được 10 số.

Đến 13/9/1937 báo này trở về tay hai ông họ Bùi (chủ nhiệm Bùi Đình Tiến, chủ bút Bùi Đức Dậu), với một bộ biên tập mới, lại tự trình bày như một “tập mới” khác, và trở về dạng tuần báo kỹ nghệ và thương mại như đầu năm 1936, tất nhiên vẫn có phần, − thậm chí phần này nhiều trang hơn, − cho bài vở văn chương; 3 số cuối cùng còn lại trong bộ sưu tập vẫn là dạng tuần báo nhưng từ khổ nhỏ (20×30 cm) đổi sang khổ vừa (30×40 cm), đều ra trong tháng 3/1938.

Như vậy, trong sưu tập còn lại (từ 10/8/1936 đến 26/3/1938, ta thấy tờ tuần báo kỹ nghệ và thương mại này đã có tới 2 lần được chuyển cho chủ khác và lâm thời trở thành tuần báo văn chương; ngay khi trở lại là tuần báo kỹ nghệ và thương mại, báo này vẫn dành phần lớn diện tích đăng tải cho văn chương. Đó là điều kiện tốt để một số nhà văn nhất định đưa đăng tác phẩm của mình và dùng tờ báo này làm cơ sở cho việc tham dự sinh hoạt văn học chung đương thời.

2/ Với người quản lý là Trần Đình Kim, trụ sở toà soạn ở 17 Cao Đắc Minh (Hậu Giám), từ 10/8/1936 (tập mới số 1) đến 11/3/1937 (tập mới số 19), báo này trở thành cơ sở của nhóm Trần Huyền Trân, Thâm Tâm… mà tôi nhắc tới ở trên.

Quả vậy. Người quản lý mang họ tên Trần Đình Kim đó chính là Trần Huyền Trân. Qua hộp thư toà soạn trả lời cộng tác viên, ta có thể đoán hai người thường trực ở toà soạn là Trần Đình Kim và Vũ Trọng Can.

Với 20 trang khổ nhỏ (20×30 cm), mỗi số Bắc Hà chỉ dành 1-2 trang cho văn chính luận, khoảng 1 trang cho tin tức, 1-2 trang quảng cáo; còn lại đều dành đăng thơ văn. Ngoài một số mục châm biếm, cười cợt (chẳng hạn các bài thi “tin vịt”, thơ nhại của Mụ Gầy, của Đồ Phồn, “từ bắc vào nam” của Tam Hoàng và “một trang khó chịu” của Ngũ Đế, “bên tai trước mắt” của Thường Dân…), số trang chiếm nhiều nhất vẫn là để đăng truyện ngắn, truyện dài và thơ.

Trong số các tác giả có tác phẩm đăng ở đây, Trần Đình Kim có lẽ là tác giả đăng nhiều nhất, dưới rất nhiều bút danh mà ta đã biết hoặc đôi khi đoán ra được (qua đôi lầm lẫn bộc lộ ngay trên báo, hoặc qua một vài tư liệu sau này). Đó là các bài thơ ký bút danh Trần Kim (truyện thơ Giải oan, các bài thơ Bình minh, Gió lạnh, Lạnh lòng thơ, Bóng đẹp chiều thu, Tơ lòng đã dứt), là các truyện dài: Nắng chiều (ký bút danh Bình Minh, đăng liền từ số 1 đến số 14), Vô duyên (ký Bình Minh và Lê Dân, đăng các số liền từ 6 đến 10), Nhọc nhằn(truyện dài xã hội, kỳ đầu ký Trần Bình Minh, kỳ 2 ký Trần Kim, đăng các số 18 và 19, bỏ dở); truyện vừa Về rừng (ký bút danh Trần Thế, đăng liền các số từ 1 đến 4); khá nhiều truyện ngắn: Yêu (ký bút danh Bình Minh, đăng số 1), Đói (ký bút danh Lê Dân, đăng số 2), Trong im lặng (ký bút danh Lê Dân, đăng số 4), Lòng con (ký bút danh Bình Minh, đăng số 4), Trong bóng mát (ký bút danh Lê Dân, đăng số 5), Nín đi em (ký bút danh Bình Minh, đăng số 5), Lá rụng (ký bút danh Bình Minh, đăng số 6), Người về (ký bút danh Lê Dân, đăng số 6), Tiếng cười (ký bút danh Lê Dân, đăng số 8), Tiếng vỗ tay (ký bút danh Lê Dân, đăng số 10), Con mắt của vương phi (ký bút danh Lê Dân, đăng số 11), Tung hoa (ký bút danh Lê Dân, đăng số 12), Người thợ nhà in (ký bút danh Lê Dân, đăng số 13), Nín tiếng thở dài (ký bút danh Vũ Lê Dân, đăng số 14), Khóc (nhật ký một nhà văn, ký bút danh Vũ Lê Dân, đăng số 15), Giòng thác cuốn (ký bút danh Bình Minh, đăng số 16), Cười (ký bút danh Lê Dân, đăng số 16), Viết báo (ký bút danh Lê Dân, đăng số 17), Nước ao tù (ký bút danh Bình Minh, đăng số 17)… Lại cũng nên ngờ là có thể có sự can dự của tác giả này tới một số văn phẩm khác, ký Cô Huyền Trân (các bài văn ngắn trong mục “Những bông hoa đầu mùa”: Quay tơ, đăng số 9, Bó hoa nhài đăng số 10…).[2]

Một tác giả khác, cũng đứng trong toà soạn và có khá nhiều văn phẩm đăng ở đây, là Vũ Trọng Can. Đó là khá nhiều kịch vui ngắn: Hiểu nhầm (đăng số 2), Rứa thì nhằm (đăng số 4), Khó nghĩ (đăng số 5), Việc làng (đăng số 6), Trình cẩm (đăng số 7), Tao lại đi Tây (đăng số 8), các bài văn vui, chuyện vui: Một nhà học giả (bỡn Lê Văn Trương, đăng số 3), Nghề! (trong mục “Chuyện nhặt”, đăng số 3), Vịt…vịt…vịt…(đăng số 5), Oan, oan, oan (đăng số 10), Cần…lạc bộ (đăng số 11), Trả lời ông Nguyễn Tường Tam (đăng số 12), Dại như vích (đăng các số từ 12 đến số 17, trong đó có kỳ dành để bỡn cợt 11 điều tâm niệm của Hoàng Đạo ở Tự Lực văn đoàn).

Liên quan đến tác giả Vũ Trọng Can này có lẽ nên lưu ý các sáng tác đăng ở đây dưới bút danh Võ Tử (hoặc Vũ Anh, Anh Vũ): các truyện ngắn Về làng (số 2), Ghen (số 3), Chống cự (số 5), Thu sang (số 6), Lòng từ thiện (số 7), kịch Ái ân (số 4), các tiểu phẩm vui: Đồng tiền và ngọn bút (ký Anh Vũ, đăng số 4), Địa vị (ký Vũ Anh, đăng số 5), Dân nguyện (ký Vũ Anh, đăng số 6), Uỷ ban lâm thời (ký Vũ Anh, đăng số 9), v.v…

Trong số các tác giả hẳn chỉ là cộng tác viên có tác phẩm đăng Bắc Hà thời kỳ này, ta lưu ý đến mấy trường hợp như Nguyễn Văn Kiện, Tuấn Trình, Nguyễn Quang Mai, Lan Viên, và nhất là cây bút ký là Văn Việt Tử…

Nguyễn Văn Kiện chừng như có lúc ở Hà Nội có lúc ở Thái Bình, góp mặt với văn giới Hà thành khá đều đặn. Tác giả này từng có không ít sáng tác đăng Hà Nội báo từ đầu năm 1936; ông cũng là dịch giả văn phẩm của Victor Hugo Trước giờ lên máy chém, nhà in Lê Cường in và phát hành cùng dịp với bản dịch vở Giết mẹ, kịch của Victor Hugo do Vũ Trọng Phụng chuyển ngữ.

Tác giả Nguyễn Văn Kiện đăng Bắc Hà cả thơ lẫn văn. Đó là các bài thơ Ám ảnh (đăng số 2), Tiếng hát; Ru con (số 3), Một vì sao (số 4), Giờ chơi (ca kịch ngắn, số 5); Thêm một tuổi (số 19); truyện ngắn: Tươi như máu (số 9, số 10), truyện dài: Hai thứ tóc (các số từ 12 đến 18, bỏ dở), phê bình: Kịch “Bóng mây chiều” của Hàn Thế Du (số 10).

Tuấn Trình vốn là hoạ sĩ trình bày tuần báo Bắc Hà từ đầu. Dần dà ông không chỉ có các minh hoạ, vẽ bìa, mà còn có tranh biếm hoạ. Rồi chính ở thời kỳ Trần Đình Kim điều hành toà soạn, ông bước vào trang văn chương của Bắc Hà với một số bài thơ và bài văn ngắn. Đó là các bài thơ Cố lãng quên đi (đăng số 11), Nhơ bẩn (số 16), Phấn bướm (số 17), là các đoạn văn ngắn Đừng đan áo nữa (số 13, lưu ý: nhân vật nữ xưng tôi trong truyện là Khánh), Những ánh mắt, Nắng chiều (số 15), Trời ơi, sông chảy; Mãi mãi đợi nàng (số 16). [3]

Lan Viên xuất hiện trên Bắc Hà từ số 9 (3/10/1936) với 2 bài thơ Trưa hè ở Quy Nhơn và Rùng rợn. Bài thứ hai trong số hai bài kể trên rõ ràng thuộc chủ đề của tập Điêu tàn (1938) tuy ta sẽ không thấy bài này trong tập thơ ấy:
Trong tháp sầu, gạch rơi:
Giật mình trong bóng tối,
Khách lặng nhìn, tự hỏi:
Tay ai động tháp Hời?
Bởi vậy có thể tin chắc Lan Viên xuất hiện ở Bắc Hà đây chính là người về sau sẽ thêm họ Chế vào bút danh này của mình. Lan Viên lúc này cũng đưa tới tuần báo những bài văn ngắn: Hồn thu (số 11), Ngày sau (số 15), Nhuận bút (truyện vui, số 19). Ta sẽ còn có dịp thấy Lan Viên xuất hiện trở lại trên tuần báo Bắc Hà vào năm sau, ngay sau khi tập Điêu tàn ra đời.

Quang Mai hoặc Nguyễn Quang Mai xuất hiện trên Bắc Hàtừ số 7 (21/9/2007) với truyện dài xã hội nhan đề Mất giạy (đăng liên tục, dừng lại và bỏ dở ở số 18, ra ngày 7/1/1937), và bút ký Một đêm sung sướng (có ghi chú là được viết trong sà lim đêm 30 năm Bính Tý). Ông này cũng viết nối để kết thúc truyện kiếm hiệp Tam động kiếm tiên khi tác giả Văn Việt Tử thôi cộng tác với Bắc Hà.

Tác giả lấy bút danh Văn Việt Tử (chưa rõ là nhà văn nào, có thể người này còn có một bút danh khác là Việt Thi) có vị trí khá đặc biệt đối với tuần báo Bắc Hàthời kỳ Trần Đình Kim quản lý toà soạn. Đó là vì hầu như suốt thời gian này báo liên tục đăng Tam động kiếm tiên của tác giả này, từ số 1 (10/8/1936) đến số 17 (3/12/1936), chỉ ngừng lại cách 2 số trước khi toà soạn này chấm dứt công việc. Tam động kiếm tiên được gọi với một phụ đề là “chuyện kiếm tiên không tiền khoáng hậu”. Chữ “kiếm tiên” hầu như lộ ngay ngụ ý “kiếm tiền”! Giới viết văn làm báo được trình bày như những hiệp khách “kiếm tiên”. Toàn bộ thiên kiếm hiệp này là một liên hoàn đùa cợt cuộc tranh đua giữa 3 nhóm văn chương báo chí có thanh thế ở Hà thành đương thời: nhóm Hà Nội báo, nhóm Tự Lực, nhóm Tân Dân. Tác giả đem võ thuật hoá và tiểu thuyết hoá các cuộc giao tranh trong giới này, mô tả cuộc đụng độ giữa các tay “kiếm tiên” của “động Hồng Kê” với “động Phong Hoả”, và về sau, giữa “động Phong Hoả” với “động Tản Dân”. Động Hồng Kê (ý nói phe Hà Nội báo của ông chủ hiệu Hồng Khê) với Lề Cang chân nhân, Đoản Kiều nguyên suý, tướng tiên phong là giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong, rồi quân sư Lưu Trọng Lừa, cùng các tướng Tái Can tiên, Vi Lang tiên, Bất Thông tiên …(ý ám chỉ ông Lê Cường, chủ hiệu thuốc Hồng Khê và nhà in Lê Cường; chủ bút Lê Tràng Kiều, các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Thái Can, Huy Thông). Động Phong Hoả (ý nói phe Tự Lực văn đoàn với tuần báo Phong hoá) với chủ tướng Nguyễn Tề Tam, quân sư Tứ Tử Ly, và các tướng như Khái Huyết tiên, Lê La tiên, Thạch Lâm tiên, Tù Mờ tiên (ý nói Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam, các nhà văn Tử Ly tức Hoàng Đạo, Lê Ta tức Thế Lữ, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ). Động Tản Dân (ý nói nhà sách Tân Dân) với động chủ Võ Đình Luông, các tướng Nghiêm Hà Lạm quỷ tiên, Nguyễn Đổ Nát quái hiệp (ý nói chủ nhân Vũ Đình Long, nhà văn Nguyễn Đỗ Mục, chủ nhà in Nghiêm Hàm…). Vào truyện, phái Hồng Kê khởi đánh động Phong Hoả, nhưng rồi cục diện thay đổi, phe Hồng Kê bị thua to, tướng Võ Trúng Phong phải đến nương nhờ động Tản Dân. Câu chuyện tiếp diễn với những tình tiết thêu dệt lý thú, ví dụ cuộc tuyển chọn nhân tài của động Phong Hoả với sự xuất hiện và trổ tài của những kiếm tiên như Nguyên Vý Y,”người ở động Khâm Thiên, trước có 12 chân sau bị Khái Huyết tiên cưa mất 10 còn 2”, hoặc Hoảng Huỳ tiên, nguyên “bán thịt chó chết ở xứ Đông Pháp”, rồi Trương Tỷu tiên, “cháu 70 đời Trương Phi, anh em kết nghĩa của Nguyên Vý Y”, v.v… Một hệ nhân vật nữa, được thêu dệt từ thế giới nhân vật của các nhà văn, chẳng hạn Thị Mịch tiên cô, vợ giang hồ hảo hớn Võ Trúng Phong, có bảo bối là chiếc xiêm “đã luyện hàng trăm lần với các tiên ông”, trở thành vũ khí đáng sợ, có thể chụp lên đầu để khuất phục đối thủ; khi Võ Trúng Phong đưa bảo bối ấy ra, Thạch Lâm tiên co cẳng chạy biến, mặc dù trước đó Thạch Lâm tiên từng có lần ném hòn đá xanh trúng mặt Võ Trúng Phong khiến tay hảo hớn này ngã ngất (chi tiết này phải chăng ghi việc bài “Dâm hay không dâm” công kích Vũ Trọng Phụng đăng báo Ngày nayký Nhất Chi Mai là do Thạch Lam viết?). Bên động Phong Hoả có Ba Vành nương nương, con gái Lý Toét lão tổ, sắc đẹp làm mê hồn động chủ Nguyễn Tề Tam; Lê La tiên có lần ngắm trộm Ba Vành nương nương, bị Tù Mờ tiên bắt gặp, Lê La tiên bèn đưa kẹo tạc đạn ra hối lộ, Tù Mờ tiên vội nhai liền bị kẹo đạn nổ gãy răng!

Ngoài việc gián tiếp xác nhận sự đụng chạm cả về văn chương lẫn kinh tế giữa mấy trung tâm văn chương báo chí ở Hà Nội đương thời, người ta thấy khá nhiều tình tiết tập trung vào tác phẩm Giông tố của Vũ Trọng Phụng, lúc ấy đang được đăng tải lần đầu trên Hà Nội báo. Những chuyện mà thiên kiếm hiệp này thể hiện, ví dụ biến từ “nghị Hách” thành động từ (để một người nam có thể doạ một người nữ: ông lại “nghị Hách” cho bây giờ), hoặc chiếc xiêm bảo bối của nữ hiệp Thị Mịch, và nhiều tình tiết khác nữa, chứng tỏ ngay lúc ấy Giông tố đã có tiếng vang rất lớn trong dư luận công chúng và trong giới nhà văn.

Thiên kiếm hiệp Tam động kiếm tiên dừng lại vì Văn Việt Tử ngừng cộng tác với Bắc Hà, tác giả Quang Mai viết nốt kỳ chót cho truyện này, và sau đó Bắc Hàcủa ê-kíp Trần Đình Kim chỉ ra thêm được 1 số nữa rồi ngừng hẳn; tờ Bắc Hà lại được chuyển cho một nhóm khác.

Trên Bắc Hà thời kỳ mới (số 1 ra ngày 1/4/1937) một thông báo ký tên Trần Kim, Thường Dân, Nguyễn Quang Mai, Nguyễn Văn Kiện, Bình Minh, Công Dân (trong những tên tuổi kể trong danh mục này hẳn cũng có vài ba cái tên hư cấu!) cho biết: Vì một lẽ bó buộc, nhóm này không còn chủ trương tờ tuần báo này nữa, và trụ sở cũ của toà soạn này (19 Cao Đắc Minh, Hà Nội) sẽ là địa chỉ mới của Nhà xuất bản Bình Dân do ông Trần Đình Kim làm giám đốc, hàng tháng sẽ xuất bản loại sách bình dân, mở đầu là cuốn truyện dài Mất giạy của Nguyễn Quang Mai.

3/ Với người quản lý là Nguyễn Cao Nhạc, toà soạn và trị sự đặt ở 57 Route de Hue (Phố Huế) Hà Nội, Bắc Hà trình diện một “tập mới” khác, đánh số lại từ số 1 (1/4/1937), vẫn là tuần báo, lúc đầu ra ngày thứ năm, sau 3 số, đến số 4 (24/4/1937) đổi sang ngày thứ bảy, và “tập mới” này chấm dứt ở số 10 (12/6/1937), tức là chỉ sau hơn 2 tháng tồn tại.

Căn cứ vào bộ sưu tập hiện còn, có thể thấy 10 số Bắc Hà lần này vẫn là tuần báo văn chương, mỗi số 20 trang khổ nhỏ (20×30 cm). Tác giả nổi bật ở tuần báo Bắc Hàthời gian này là Lê Thanh (1913-1944) [4] : ông xuất hiện ở đây vừa như tác gia tiểu thuyết đăng đều kỳ, vừa như nhà phê bình, thậm chí đảm nhận vai trò phóng viên chính của tờ báo. Tiểu thuyết Hai cái chết của ông đăng ở hầu hết các số, trừ số 8, tuy rằng khi toà soạn này kết thúc thì mới chỉ hết 8 chương đầu. Ông cũng có tác phẩm viết chung, ví dụ truyện ngắn Thổn thức (viết chung với Văn Nguyệt, đăng số 3), và chừng như ông còn cho đăng truyện ngắn dưới bút danh Thiết Phủ (Cô Xinh đi đưa đám, đăng số 2, Cha hay thù, số 3, Rô ta này, số 4; − đây là tính theo giả định Thiết Phủ là bút danh của ông, vì sau này trên Tri tân, Lê Thanh có dùng một bút danh có âm gần giống là Khiết Phủ). Lê Thanh thực hiện một loạt phỏng vấn: Phỏng vấn Vũ Trọng Phụng về các tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ (đăng số 1), nói chuyện với nhà tiểu thuyết Khái Hưng (đăng số 4), nói chuyện với nhà tiểu thuyết Lưu Trọng Lư (đăng số 5). Lê Thanh đảm nhận mục “Câu chuyện văn chương” với các đề tài: Ta có nên kết án tiểu thuyết “Lạnh lùng” (đăng số 2 và số 3), Chúng ta còn thiếu những vở kịch có giá trị (số 6), Chúng tôi không ngờ, viết vở kịch “Ghen”, ông Đoàn Phú Tứ đã phỏng theo vở “Jalousie” của Sacha Guitry (số 7). Lê Thanh cũng là người điểm sách duy nhất của Bắc Hà những ngày này: đọc tập thơ Tần Ngọc của Huy Thông (số 1), đọc Cô Tư Thung của Lê Văn Trương (số 4). Có thể, chính do trọng lượng bài vở trên Bắc Hà thời gian này hầu như dồn vào ngòi bút Lê Thanh, cho nên khi ông này đau ốm (tin tác giả này ốm mệt được thông báo ở số 8) thì nội dung bài vở cũng bị thay đổi đáng kể.

Nguyễn Lương Bích, người mà sau này sẽ hiện diện như nhà sử học, góp cho Bắc Hà thời kỳ này đôi bài nghị luận: Cần phải duy nhất những danh từ lịch sử và địa dư trong quốc văn (số 1), Những văn bằng cao cấp về quốc văn (số 2).

Bùi Huy Phồn (1911-1990) đã từng đăng nhiều thơ trào phúng ở Bắc Hà thời kỳ Trần Kim chủ trì toà soạn; đến thời gian này, ông vẫn đưa đăng ở đây thơ trào phúng ký bút danh Đồ Phồn (hát nói Cái đêm hôm ấy, tặng những ông 2 vợ, đăng số 1, truyện thơ vui 12 hồi Tôi cưới vợ , đăng liền từ số 2 đến số 6, Vì sao tôi phải làm đồ, số 9, Tết mùng năm, số 10). Thêm nữa, với bút danh Tiếu Ông Bùi Huy Phồn, ông cho đăng tác phẩm văn xuôi dài lấy tên thể loại là “Chuyện tôi” : Khối tình câm hay thủ đoạn báo thù ghê gớm của một thiếu phụ (số 1, 2), Cô ngẫm (số 6), Quả tang (số 7, 8, 9), Giết sâu bọ (số 10).

Vũ Trọng Can góp với Bắc Hà thời kỳ này truyện dài Máu tráng sĩ (số 8, 9, 10), đem một truyện của Pháp viết lại theo lối truyện Tàu.

Nguyễn Vỹ (1910-1971) góp mặt với Bắc Hàthời kỳ này ngay từ đầu truyện dài xã hội Gió sương (đăng hết trong cả 10 kỳ), và truyện ngắn Trớ trêu (số 5).

Thiều Quang góp với Bắc Hà thời kỳ này một truyện vừa Bọt rượu hơi người (số 1, 2).

Trên Bắc Hà thời kỳ này thấy một số tên tuổi mới, ví dụ về văn xuôi và kịch là những Thanh Toàn, Nguyệt Thanh, Nguyễn Xuân Huy, Tùng Sơn, Nguyễn Duy Như, Đào Du, Văn Hương, Nguyễn Văn Kỷ, Thuý Hải,… về thơ là những tác giả Cao Tư, Gió Nguồn, Tích Lang, Việt Thi, v.v…

Trong các tên tuổi từng xuất hiện trên Bắc Hà thời kỳ trước, đến lúc này Tuấn Trình có đăng các đoạn văn ngắn và nhất là truyện ngắn Hương áng tóc nàng (số 8); Lan Viên lúc này đã thêm họ Chế vào bút danh để trở thành Chế Lan Viên với bài thơ Nắng mai (Bắc Hà số 9, ngày 5/6/1937), về sau sẽ có trong tập Điêu tàn, cũng in ở Hà Nội ngay trong năm 1937.

Bắc Hà thời kỳ này giảm hẳn loại bài vở châm chọc cười cợt, tuy đôi khi vẫn còn; ngoài thơ trào phúng của Đồ Phồn đã kể trên, cần kể đến mục “Nói to nghĩ thầm” do Cô Lương hoặc Lý Đương thực hiện, chẳng hạn, Lý Đương (số 4) nhận xét mục “Sổ đoạn trường” của báo Tinh Hoa do Thiện Ác viết (bút danh này là của Đoàn Phú Tứ), thường theo thói khen ai thì khen hết lời, chê ai cũng chê hết lời, tả Vũ Đình Liên trong văn phái mình yêu thì khen cái trán, mà tả Lê Tràng Kiều ở văn phái mình ghét thì cũng chê cái trán, thật là “Yêu ai xé lĩnh may quần; ghét ai kể nợ kể nần nhau ra”!

Về tài liệu lịch sử thì ở Bắc Hà dịp này phải đặc biệt nhắc tới bài tường thuật (đăng số 5 và 6) Hội nghị báo giới Bắc Kỳ ngày 24/5/1937 họp ở trụ sở CSA đường Charles Coulier, với gần 200 nhà báo tham dự, trong đó có Nguyễn Văn Chất, Đinh Khắc Giao, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Phan Tử Nghĩa, A. Clémenti, Nguyễn Đức Kính, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Chí, Trương Tửu, Nguyễn Trọng Trạc, Học Phi, Trần Kim, Hải Triều, v.v…, bàn tới những yêu cầu cụ thể về tự do ngôn luận cần đề xuất lên chính quyền thực dân ở Bắc Kỳ (trên cơ sở chủ trương của bộ trưởng Moutet trong chính phủ mặt trận bình dân ở Pháp).

4/ Từ giữa tháng 9/1937, tuần báo Bắc Hà trở lại dạng ban đầu là tuần báo kỹ nghệ và thương mại, trên manchette báo ghi rõ người sáng lập kiêm chủ nhiệm báo là Bùi Đình Tiến, quản lý kiêm chủ bút là Bùi Đức Dậu, báo quán chuyển về số 4 Rue de Maréchal Pétain, Hà Nội. Toà soạn mới trở về tay các chủ cũ, tuyên bố phụng sự tôn chỉ chấn hưng nền kỹ nghệ và thương mại Việt Nam. Mỗi số dành phần đầu, khoảng 8 trang, cho đề tài kỹ nghệ và thương mại, còn lại 12 trang là dành cho các chuyên mục phụ nữ, văn thơ, vui cười… Trong thời gian còn lại của năm 1937, báo đánh số lại từ đầu, ra được 15 kỳ (1 đến 15); sang năm 1938 tức là bước vào năm thứ tư, báo đánh lại từ số 1, ra tiếp được 12 số, kỳ cuối cùng ra ngày 26/3/1938.

Các trang về kỹ nghệ và thương mại cho thấy một nỗ lực đáng kể của chủ nhân Bắc Hà, tuy nội dung đăng tải thường khá đơn điệu, nghèo nàn. Mỗi số có một bài “bách nghệ ca” do Tiếu Ông hoặc Cô Kim Chi hoặc Oong-nom soạn (nói về các nghề như thợ giầy, thợ may, thợ khăn, thợ làm nón, thợ mộc, thợ kim hoàn, thợ cạo, thợ nề, thợ thêu…). Mục “Kinh tế học thực hành” được Lê Vũ Thái trình bày như những bài giảng. Ph. Khang thuật các tấm gương doanh nhân ngoài nước như vua dầu hoả Rockefeller, vua sắt Carnegie, vua súng Albert Krupp, đại thương gia Harrison…, tên tuổi doanh gia người Việt Bạch Thái Bưởi được nhắc đến trong khá nhiều kỳ báo, xưa hơn nưã là ba ông vua kim hoàn nước Nam là Trần Hoà, Trần Điện, Trần Điền…; các chuyện về “phép doanh nghiệp”, “phép làm giàu” cũng được đề cập bằng các bài mục ngắn. Song, tất cả vẫn quá mỏng quá nghèo. Tờ báo vẫn quá nhẹ ở “phần kỹ nghệ và thương mại”, vẫn buộc phải gây chú ý bằng “phần tiểu thuyết”.

“Phần tiểu thuyết” tức là phần dành cho văn chương nói chung, thời gian này trên Bắc Hà hơi ít những tên tuổi có tiếng. Có lẽ chỉ thấy một số người như: Bùi Huy Phồn góp mặt bằng thơ và văn trào phúng dưới bút danh Tiếu Ông (các bài “bách nghệ ca” kể trên, thơ diễu nhà sư Vì sao mà trọc, số 1/37; kịch vui Thi sĩ với Hằng Nga; các “truyện bùi ngùi” Mở cửa đổ thùng, đăng số 5/37, Phản đảng, đăng liền 4 số 7-10/37…); Văn Thu, tác giả từng có mặt với một số phóng sự về đình đám thôn quê trên Hà Nội báo năm 1936, đã xuất hiện ở đây với thiên “ẩn tình trinh thám tiểu thuyết” mang tên Hà Nội−Sài Gòn đăng đều kỳ trên tất cả các số thời gian này (tính ra khoảng 27 kỳ); Vũ Trọng Can cũng trở lại đưa đăng báo này một số tác phẩm như Người con trai (truyện ngắn, đăng số 2/37), Phòng triển lãm (truyện vui, số 3/37), Chính phủ mẹ đĩ (hài kịch, các số 3, 4, 5/37), Việc nghĩa (văn châm biếm, số 4/37).

Trang thơ lúc này hầu như gồm những tác giả thi thoảng ghé qua làng thơ: Việt Trung Tử (Đêm thu nhớ bạn, số 1/37, Cùng đức táo quân, số 2/37), Đào Du (Biệt ly, số 1/37), Anh Lương (Cô gái dệt vải với tình yêu, số 2/37), Thanh Giám (Tiếng xưa, số 1/37; Hái lộc, số 5/38), Marie Kim Doanh (Ngây thơ, số 2/37), Lê Văn Khôi (Chén quên; Chuông chiều, số 3/37), Nguyễn Xuân Kỳ (Chơi non; Mũi kim, số 6/37), Nhược Thuỷ (Tình câm, số 8/37), Hồng Anh (có ghi thêm “Sông Thương”, hẳn là tên văn đoàn, với 2 bài Giải khăn sô; Xa xăm, số 8/37), Bùi Hoài Việt (Ngày mai, số 10/37; Lá rụng bên sông, số 13/37; Tiếng hát bên sông, số 1/38;Mối tình đầu tiên, số 3/38; Vì sao cô buồn, Con tàu quay lái, số 4/38), Quang Giao (Lãng quên, số 10, Trong đêm tối, số 11/37), Bạch Hạc (Yêu đương, số 13/37), Ph. Liameur (Chiều thu, số 14/37), Cô Mai Thơ (thuộc văn đoàn Sông Thương, các bài:Tôi đã…, số 11/37; Tố Hương, truyện ngắn bằng thơ, số 13/37; Vần thơ hay hay, số 14/37), Minh Quang (Thất vọng, số 2/38), Quang Mai (Xuân, số 5/38)…

Các tác giả góp truyện ngắn, vừa hoặc dài, đăng Bắc Hà thời gian này có thể kể: Thanh Giám (lại một bút danh nữa của Trần Đình Kim chăng? − Sự thực, số 1/37; Trong im lặng, số 8/38); V.T.T.K. (Thằng trộm gà, số 2/37); Lệ Thu (Đồi thông còn đó người về nơi nao, số 3/37, Tiếng chuông trong rừng cấm, các số 6-7-8/37; Con én đưa thoi, các số 5-6/38; Tâm sự cô xuân nữ, số 7/38); Ngọc Hoàn (Hoa đèn, số 4/37); Văn Dzục (Tan tành, số 4/37); Đào Tấn (Tự sử, số 5/37); Đào Du (Tiếng khóc, số 6/37; Thật phúc đức quá, số 1/38; Sa ngã, số 5-6/38); L.T.K. ( Lê Tràng Kiều chăng? − Âm thầm, các số 9-10-11/37), Quang Giao (Anh hàng lạc rang, số 11/37; Vận túng cơn đen, số 12/37; Những ngày buồn tẻ, số 14/37; Lòng người cha, số 2/38; Trước giờ chết, số 3/38; Tiếng cười trên vũng máu, các số 5 đến 9/38); Bạch Hạc (Hối hận, số 13/37); Tường Châu (Thu tàn, số 14/37); Thanh Mai (Hai chị em, số 1/38; Thuyền không bến vắng, số 2/38); Thuý Anh (Chim hoạ mi, số 3/38); Cô Ngọc Quỳnh (Sống trong cõi chết, các số 3 đến 9/38, bỏ dở); Quang Mai (Một cảnh giao thừa, số 5/38); T.T. Nguyễn Thanh Giám (Người chết đường, số 4/38)…

Các tác giả viết kịch có tác phẩm đăng Bắc Hà thời gian này khá ít: ngoài Tiếu Ông (Bùi Huy Phồn) và Vũ Trọng Can đã kể trên, còn có: Hoàng Thu An (kịch vui Đối thủ, các từ số 7/37 đến 3/38), Lê Hoàng Bút (kịch trinh thám Hồng thập tự, các số 4 đến 9/38), Nguyễn Hữu Độ (Chém chích cược, số 5/38).

Một số phóng sự đăng Bắc Hà thời gian này là: Làng báo lầm than của Đào Du (các số 2 đến 8/37); Ma của Việt Hồng & Lệ Thu (có kỳ đăng ký là Lệ Chi hoặc Mộng Thu) (các số 10 đến 14/37; 1 đến 4/38).

Sang năm 1838, trong khuôn khổ “phần tiểu thuyết” của Bắc Hà, người ta thấy sự trở lại của một số nhân sự cũ, từng tham gia tờ này thời Trần Đình Kim điều khiển toà soạn; đó là những cây bút như Quang Mai, Việt Thi, Võ Tử… Một việc nữa là rất có thể do chất lượng tầm tầm của “phần tiểu thuyết” trên báo thời gian này đã dẫn tới sự thay đổi toà soạn.

Đầu số 9 (5/3/1938) toà soạn có thông báo Bắc Hà sẽ thay đổi từ số 10 mà nét chung là: “Báo Bắc Hàtừ số 10 sẽ là công cuộc hợp tác của nhiều nhà văn với chúng tôi”, và sẽ đổi khổ to gấp đôi (từ khổ 20×30 cm sang khổ 30×40 cm). Một bộ biên tập mới được công bố gồm: Về phần thương mại và kỹ nghệ: Bùi Đức Dậu, Lê Vũ Thái (tôt nghiệp Cao đẳng Thương mại Đông Pháp), Đoàn Cơ (tôt nghiệp Đại học Thương mại Paris). Về phần trào phúng và hài hước: Thường Dân, Việt Thường, Đồ Phồn, Võ Tử, Đào Du. Về phần thơ văn và tiểu thuyết: Các ông Trường Xuân, Hữu Nam, Tường Châu, Lê Bảo, Mai Lâm, Hà Lương trong Cấp Tiến văn đoàn. Các cô Huyền Trân, Yến Lan, các ông Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Xuân Khai, Tịnh Nhơn, Huy Vân trong Thái Dương văn đoàn. Bà Hạnh Liên, các cô Lệ Thuỷ, Nàng Lan, các ông Thái A, Trần Hoàn, Lê Tư Lành, Thanh Giám, Việt Thi, Quang Mai. Về phần tranh vẽ: hai họa sĩ Tuấn Trình và T.N.

Như ta thấy, trong danh sách bộ biên tập này có không ít bút danh, kể cả bút danh “ảo”, ví dụ các cô Huyền Trân, Yến Lan sau này sẽ rõ chính là các ông Trần Kim, Xuân Khai. Nhưng điều đáng kể hơn là một số văn đoàn, đồng thời với những cây bút độc lập, đã cùng tham gia tờ báo. Ta biết trong đời sống văn nghệ trước 1945 có khá nhiều nhóm văn chương nghệ thuật không có báo chí (như nhóm Sông Thương, nhóm Thái Dương, nhóm Cấp Tiến mà ta biết tên trong sự liên quan với tờ Bắc Hà ta đang nói tới) bên cạnh các nhóm có thậm chí vài tờ báo và nhà xuất bản (như nhóm Tự Lực đương thời có các tờ Phong hoá, Ngày nay, và nhà xuất bản Đời nay).

Riêng về nhóm Thái Dương mà một số hồi ức và một số tài liệu nghiên cứu lẻ tẻ xuất hiện từ những năm 1990 đến gần đây (ví dụ nhân nói về Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Yến Lan, v.v..) thường khẳng định đó là nhóm thơ văn ở Bình Định, Quy Nhơn; thì, với tư liệu này trên tờ Bắc Hà ở Hà Nội, ta lại có thể nhận định Thái Dương như một nhóm tuy gồm nhiều nhân sự gắn bó với vùng Nam Trung Bộ nhưng lại bộc lộ sự hoạt động của mình chính ở thành phố Hà Nội, và trong thành phần của nhóm cũng có những người như (Trần) Huyền Trân ở Hà Nội, Thanh Tịnh ở Huế.

Điều này không có gì lạ, bởi không ít nhà nghiên cứu đã nhận thấy các đô thị lớn và lâu đời trên thế giới thường là “căn cứ địa” của những hoạt động văn hoá có gốc tích rất xa về địa lý, chẳng hạn học giả Nga D. Likhachev (1906-1999) từng nhận xét rằng thành phố Petersburg nước Nga của ông là nơi hoạt động của rất nhiều nhóm văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hoá các nơi khác nhau từ vùng Trung Á xa xôi, là nơi bảo lưu nhiều di vật văn hoá cổ thuộc những địa chỉ rất xa cách thành phố này về địa lý.

Trở lại tờ tuần báo Bắc Hà vừa đổi mới hồi tháng 3/1938, báo chỉ ra thêm được 3 kỳ nữa, rồi không rõ bị đóng cửa hay tự đình bản. Ở tờ Bắc Hà đổi khổ này, phần thương mại và kỹ nghệ bị thu hẹp lại hơn nữa, trong khi phần trào phúng hài hước xuất hiện khá dày dặn với rất nhiều mục. Mục “Lôi cổ ra” mở cho ký giả Thường Dân nói suồng sã về những việc như ăn cắp văn, hoặc phê nhà phê bình Trương Tửu, trách nhà văn Lê Văn Trương (số 10/38), chuyện bầu cử nghị viện, cười cợt cuộc cạnh tranh giữa báo Ích hữu và báo Ngày nay, phê cách Thế Lữ bắt bẻ Nguyễn Đình Thư (số 11/38), diễu bài xã thuyết của bà chủ báo Phụ nữ, bình về lối chào bình dân (số 12/38). Mục “Những tội nhân của thời đại” do B.H.P., Võ Tử, Công Dân viết, châm biếm những cách làm tiền tệ hại, hoặc những hành vi xấu của một “quan nghè”. Mục “Tụi hề không khéo múa” do Trúc Lâm từ Sài Gòn viết. Mục “Mấy vần đâm hông” do Đồ Phồn viết. Mục “Nhốt vịt…Thả vịt” do Trạng Vịt viết. Văn Việt Tử có mục “Trong dự tưởng, phỏng vấn các nhà buôn báo bán văn”, đã thử phỏng… bà Dzị Thảo chủ báo Phụ nữ (số 10/38), ông Khái Hưng chủ báo Ngày nay (số 11/38), ông Vũ Đình Long chủ nhà sách Tân Dân (số 12/38), tất cả đều là những tiểu phẩm châm biếm. Văn Việt Tử cũng trở lại loại kiếm hiệp viết về các nhà văn với Ngũ ba hoa hiệp khách, có phụ đề “chuyện võ hiệp để diễu”, tiếp tục cái mạch của Tam động kiếm tiên bỏ dở hồi tháng 12/1936 cũng trên tờ Bắc Hà này, diễu sự cạnh tranh trong giới làm văn làm báo đất Bắc đương thời, bắt đầu từ chuyện chủ động Tản Dân Võ Đình Luông và chàng em vợ là kiếm tiên Lê Văn Phì, chủ trì động “Vô ích hữu” tập hợp các kiếm khách, kết liên với kiếm tiên Trương Tuý Tỷu, một nhà phê bình! (lúc này Vũ Đình Long là chủ nhà xuất bản Tân Dân, Lê Văn Trương là chủ nhiệm tuần báo Ích hữu, Trương Tửu thường xuyên viết các bài phê bình văn học đăng ở đó). Thiên võ hiệp này tất nhiên cũng chỉ ra mắt được ba kỳ rồi chấm dứt hẳn như số phận của chính tờ tuần báo Bắc Hà này.

Về các sáng tác thơ văn đăng trong 3 số cuối cùng của tờ Bắc Hà, có thể kể: Việt Thi với kịch Không nhà (số 10/38), thơ Điểm trang (số 11/38), Mme Hạnh Liên với thơ Gió reo (số 10/38), Lê Tư Lành với thơ Đêm đông (số 11/38), Quang Mai với phóng sự Lỗ thủng trên áo gấm trần: Hà Nội (số 10 đến 12/38),Trần Hoàn với truyện Lập lắc đâu? (số 11/38), phóng sự Đói (số 11 và 12/38); Đào Du với phóng sự Chung quanh khay đèn (số 10 đến 12/38), Tuấn Trình với kịch ngắn Mùi hương tịch mịch (số 12/38).

Nhưng nét nổi bật hơn cả trong mảng thơ văn ở 3 số này là sự trình diện của nhóm Thái Dương và Trường Thơ Loạn. Tên ký dưới tác phẩm của các tác giả Xuân Khai, Huy Vân, Huyền Trân, Chế Lan Viên đều kèm theo tên “Thái Dương” (văn đoàn). Xuân Khai có các truyện ngắn Gốc khế bên đường (số 10/38), Nó học chữ nho (số 12/38), phóng sự vui Để râu (số 11/38), thơ Túi vàng (số 12/38, ghi rõ trích trong Giếng loạn); dưới bút danh Cô Yến Lan có kịch ngắn Giải phóng một linh hồn (số 11/38) và bài thơ Chiều (số 12/38). Huy Vân có thơ Trong tiếng xuân (số 10/38). Huyền Trân có thơ Nguồn sống (số 10/38). Chế Lan Viên có thơ Ngoài hồn (số 10/38), Xuân về trong sọ(số 12/38), hai bài cùng đề tài với các bài trong tập Điêu tàn nhưng nằm ngoài tập thơ, khi đó đã ra mắt và bắt đầu có tiếng vang trong dư luận.

Ở cả ba số từ 10 đến 12 Bắc Hà đều có khung quảng cáo cho tập thơ Điêu tàn, dạng đầy đủ hơn cả ở số 12 (26/3/1938) như sau:

“Một linh hồn lạ nhất trong các nhà thơ xưa nay:
CHẾ LAN VIÊN trong Thái Dương
ĐIÊU TÀN, thơ Chàm − thơ Ma

Một tập thơ đã sửng sốt, rung động lòng người, đã xao xuyến trong làng thơ hiện đại, đã được khen ngợi bởi:

ĐÔNG CHI (báo Mai), HÀN MẶC TỬ (Tràng an), KHÁI HƯNG (Ngày nay),

THANH ĐỊCH (Tràng an), TRỌNG MINH (Tân tiến), LÊ THANH (Phụ nữ), TRƯƠNG TỬU (Ích hữu), PHẠM VĂN KÝ (Gazette de Hue).

Đọc Quan Niệm về thơ của Trường Thơ Loạn ở tựa Điêu tàn”

Hơn thế, ở số 12 Bắc Hà còn mở mục “Chiến địa” để đăng bài của Chế Lan Viên (Trường Thơ Loạn) nhan đề Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu.

Theo nội dung bài này, có thể biết được rằng từ khi tập Điêu tàn của Chế Lan Viên ra mắt (in tại Hà Nội và phát hành cuối 1937 đầu 1938), chỉ riêng nhà phê bình Trương Tửu đã có hai bài đăng báo, một bài nhan đề Quan niệm về thơ Chế Lan Viên, bài khác nhan đề Thi sĩ của Điêu tàn(chưa rõ cả hai bài ấy đăng ở đâu, hẳn một trong hai bài đăng ở báo Ích hữu, bài còn lại có thể đăng trên tờ Phụ nữ có toà soạn ở số 7 phố Hội Vũ, Hà Nội − báo này ra từ 16/2/1938, số cuối cùng ra vào tháng 4/1939, do bà Nguyễn Thị Thảo là chủ nhiệm; nhà phê bình Lê Thanh, nhà thơ Nguyễn Vỹ từng làm trong bộ biên tập báo này, Nguyễn Vỹ viết bài thơ Gửi Trương Tửu có câu “Còn tôi bưng thúng theo đàn bà/ ra chợ bán văn, ngày tháng qua” chính là trong lúc đang làm ở báo này; có thể Nguyễn Vỹ đã đem bài của bạn mình đăng tại đây). Hai bài báo này của Trương Tửu hiện nay chưa tìm lại được. Theo Chế Lan Viên thì ý kiến của Trương Tửu về tập Điêu tàn đã được Hàn Mặc Tử “giả lời một cách đau đớn”, dưới đầu đề Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu, (không rõ bài của Hàn Mặc Tử đăng báo nào?) chính là cái đầu đề mà Chế Lan Viên mượn dùng lại ở bài này, nhằm vạch ra sự mâu thuẫn của nhà phê bình: một mặt khen thơ trong tập Điêu tàn, mặt khác, lại công kích việc tác giả lý thuyết hoá cái điên cái mê của mình trong bài tựa Điêu tàn, bài tựa mà Trường Thơ Loạn (có lẽ chỉ gồm 3 tác gia Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên) xem là tuyên ngôn thơ của mình.

Nói riêng ở khía cạnh tìm tòi tư liệu văn học sử, bài báo này của Chế Lan Viên khiến người nghiên cứu phải lưu ý tới việc tìm tòi hơn nữa để hình dung toàn cảnh những thảo luận và tranh cãi xung quanh tập thơ Điêu tàn ngay sau khi nó được in xong và phát hành tại Hà Nội, cuối 1937 đầu 1938.

Nhưng ta hãy trở lại với tuần báo Bắc Hà. Chính với việc được dùng làm diễn đàn cho nhóm văn nghệ sĩ Thái Dương và Trường Thơ Loạn, tuần báo này đã chấm dứt hoạt động của mình. Dù buộc phải tắt tiếng vì lẽ gì, việc tuần báo này, vào những số chót, đã can dự những sự kiện văn chương đáng kể như Trường Thơ Loạn và tập Điêu tàn, cũng có thể coi như là đã cất được “tiếng hát Thiên nga” trước khi tắt giọng vậy.

Trở lại câu chuyện tìm hiểu khía cạnh nhóm phái văn chương trong đời sống văn học trước 1945, những điều tìm được từ sưu tập tuần báo Bắc Hà hẳn là chưa thể cho thấy gì rõ rệt về điều ta tưởng về một nhóm nhà văn với trung tâm là Trần Huyền Trân (Trần Kim) và Thâm Tâm. Song qua đây ta lại thấy sự trình diện của những kiểu nhóm khá lỏng lẻo, chủ yếu là tụ lại do cùng đăng tác phẩm tại cùng một cơ quan báo ở cùng một thời gian nhất định. Với nhóm được gọi là Thái Dương, sự xuất hiện của các thành viên của họ trên tờ Bắc Hà, dù trong thời gian quá ngắn ngủi, vẫn tự chứng tỏ là một nhóm có những thành viên tài năng mạnh mẽ, để lại dấu ấn đậm trong văn học sử.

Hànội, 19/11/2007

Chú thích

[1] Ở đây chủ yếu muốn nói tới cuốn sách: Thâm Tâm và T.T.KH. (Tủ sách “Thế giới văn học”) /Hoài Việt sưu tầm, biên soạn/ Hà Nội-Tp HCM., 1991: Nxb. Hội Nhà Văn, 160 tr. 13×19 cm.

[2] Về tác giả Trần Huyền Trân (1913-1989), tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội có thể tìm thấy tên một số ấn phẩm dưới dạng sách in của tác giả này: 1/ Công chúa Lào, kiếm hiệp diễm tình/ Trần Kim/ Hà Nội, 1935: Tân Việt văn đoàn, 128 tr.; 2/ Sau ánh sáng , tiểu thuyết/ Trần Huyền Trân/ Hà Nội: 1940: Librairie Centrale, 119 tr.; 3/ Người ngàn thu cũ, tiểu thuyết / Trần Huyền Trân/ Hà Nội, 1942: Phổ thông bán nguyệt san, 132 tr.; 4/ Quan Âm Thị Kính, chèo cổ /Trần Huyền Trân sưu tầm, cải biên/ Hà Nội, 1957: Nxb. Phổ thông. 79 tr.; 5/ Trương Viên, chèo cổ/ Trần Huyền Trân cải biên/ Hà Nội, 1957: Nxb Phổ thông, 74 tr.; 6/Tích cổ viết lại / Lộng Chương, Hàn Thế Du, Trần Huyền Trân/ Hà Nội, 1982: Nxb. Văn hoá, 243 tr.; 7/ Đời kỹ nữ, tiểu thuyết /Trần Huyền Trân/ Hà Nội, 1990: Nxb. Hà Nội, 222tr. [tái bản]; 8/Lẽ sống, tập truyện ngắn, /Trần Huyền Trân/ Tp. HCM, 1996: Nxb. Văn nghệ, 150 tr. [tái bản]; 9/ Rau tần, thơ /Trần Huyền Trân/ Hà Nội,1986: Nxb Văn học, 48 tr. Trong mục từ “Trần Huyền Trân” (Từ điển văn học, bộ mới, Tp.HCM: Nxb Thế giới, 2004, tr. 1786-87) do Nguyễn Hoành Khung soạn, có nêu thêm tên một số tác phẩm khác nữa của tác gia này.

[3] Về tác giả Thâm Tâm (1917-1950), hiện mới chỉ có một vài cuốn sưu tập tác phẩm: Thơ Thâm Tâm / Mã Giang Lân sưu tầm/ Hà Nội, 1988: Nxb. Văn học ; Truyện ngắn Thâm Tâm / Văn Giá, Nguyễn Thanh Hương sưu tầm/, Hà Nội, 2000: Nxb VHTT, 303 tr.); và cuốn tư liệu Thâm Tâm và T.T.Kh. (Hoài Việt sưu tầm, Hà Nội, 1991: Nxb Hội Nhà Văn, 160 tr.); mục từ “Thâm Tâm” trong Từ điển văn học , bộ mới (sđd.) còn khá sơ sài. Tại Thư viện quốc gia ở Hà Nội hiện có thể tra cứu được khá nhiều tên tác phẩm đã in trong sinh thời của tác giả này: Nỗi ân hận dài , tiểu thuyết /Nguyễn Tuấn Trình/ Hà Nội, 1942: Á châu, 175 tr., và một loạt sách khác, đều ký Thâm Tâm, trong đó khá nhiều cuốn là sách viết cho thiếu nhi, do nhà in Tân Dân ở Hà Nội ấn hành: trong năm 1942: Người giao chỉ, 30 tr., Tiên trong giếng thần, 30 tr., Cái quạt mo, 30 tr., Đười ươi giữ ống, 30 tr., trong năm 1943: Bố, Cái, 30 tr., Chim làm tổ, 34 tr., Rồng, 34 tr., [ba cuốn này thuộc một bộ sách cho trẻ em có tên “Giòng máu sông Hồng”], Cái quạt mo, 30 tr., Thuốc mê, tiểu thuyết, 120 tr., trong năm 1944: Gánh hát sử Nam, 58 tr., Hai cây hoa nhài, 34 tr., Người giữ ngựa, 67 tr., Đời con kiến, 34 tr., Bọ trẻ tàn tật, 62 tr., Cóc và ếch tranh hùng, 34 tr., Ông hoàng răn, 34 tr., Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, 34 tr., Bước gian nan của con nắc nẻ, 34 tr., Thuồng luồng ở nước, 54 tr., trong năm 1945: Tiếng mùa xuân, 64 tr., Thỏ, chuột và khỉ, 33 tr., Hươu, Rím, Khách, 31 tr., Linh hồn đá, 31 tr. Ngoài ra còn có cuốn Đại đội Kim Sơn trên chiến trường Tây Bắc, loại sách chiến đấu, Nxb Vệ quốc quân, 1949, 16 tr.

[4] Về tác giả Lê Thanh (1913-1944), xin xem sưu tập: Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Hà Nội 2002: Nxb. Hội Nhà Văn & TT VH&NN Đông Tây, 484 tr. 14,5×20,5 cm. Sưu tập này chưa ghi nhận và thông tin về những tác phẩm và hoạt động của Lê Thanh trên tờ Bắc Hà đang nói tới ở bài này.

Nguồn: http://vienvanhoc.org.vn/print/tulieuvanhoc/401/mot-to-tuan-bao-may-nhom-tho-van-xung-quanh-tuan-bao-bac-ha-nhung-nam-1936–38.aspx

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *