Tôi ít được tiếp xúc với nhà thơ Vũ Cao, tuy vậy, tiếng lành đồn xa, tôi được biết nhà thơ Vũ Cao là một nhà lãnh đạo văn nghệ được anh chị em Văn nghệ quân đội yêu kính nhất.
Bởi ông đôn hậu, độ lượng như một người anh cả, sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót về sinh hoạt của cấp dưới. Với những sai sót trong văn chương, chuyện to, ông hóa giải thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì.
Riêng tôi còn hàm ơn ông trong vụ “đi tìm tác giả bài thơ Dặm về”. Đến lúc có đủ chứng lý bài thơ đó là của Nguyễn Đình Tiên, tác giả cuốn Chân dung tướng ngụy Sài Gòn, chứ không phải của Quang Dũng như nhiều người đã đoan quyết (trong đó có Hoàng Cầm, Nguyễn Dậu…) và một số tuyển tập thơ trong Sài Gòn trước Giải phóng (Thi nhân tiền chiến… in là của Quang Dũng).
Sau khi đã đưa nhân chứng đến gặp Nguyễn Đình Tiên (nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc người phổ nhạc bài thơ này ngay trước kháng chiến chống Pháp…) rồi người cuối cùng xác nhận là GS TS Nguyễn Đình Quang (Đi tìm xuất xứ một bài thơ, báo Văn Nghệ số 37 ra ngày 16/9/1989), vẫn có người, nhất là những người gần gũi công tác với Nguyễn Đình Tiên thắc mắc: “… chưa bao giờ thấy ông ấy nói đến thơ!”.
Những thắc mắc ấy lại chỉ xuất phát từ nhận định “Ông Nguyễn Đình Tiên là một cán bộ rất nguyên tắc, lý trí, hơn cả một cán bộ tổ chức. Sao ông có thể là tác giả bài thơ lãng mạn đó!”.
Tôi đã gặp nhà thơ Vũ Cao cũng là bạn lâu năm của đại tá Nguyễn Đình Tiên, kể về sự không thuyết phục được những người này, thì nhà thơ thấy ngay vấn đề, ông kể cho tôi nghe một kỷ niệm về Thâm Tâm thật ấn tượng:
Một đêm giao thừa ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp, lúc Vũ Cao còn là một phóng viên báo Quân đội nhân dân, mà nhà thơ Thâm Tâm đang là thư ký tòa soạn.
“Ngày Tết, chỉ còn tôi và anh Thâm Tâm ở lại trực, bên đống lửa chống cái rét đêm 30, khi câu chuyện đi vào chiều sâu tâm sự, tôi dè dặt nói”: “Anh ạ! Muốn nói gì thì nói, bài thơ “Tống biệt hành” của anh, theo ý tôi, vẫn là bài thơ rất hay, xúc động lòng người. Đêm nay, chỉ có anh và tôi, anh cho tôi được đọc lại bài thơ đó!”.
Thâm Tâm nhíu mày, nghĩ ngợi, rồi khẽ gật đầu. Khi tôi đọc, tôi để ý, thấy từng câu, từng câu, mắt anh rưng lệ. Tôi đọc xong, anh lấy khăn tay chấm mắt, rồi nghiêm trọng cấm tôi từ nay không được nhắc đến bài thơ đó nữa!
Anh Vũ Cao nhớ lại tính nghiêm cẩn, nguyên tắc trong công việc của nhà thơ Thâm Tâm, “đặc biệt, anh có thể ngồi lì bên bàn viết cả buổi, nghiêm đến nỗi có liên lạc ở tuổi 18 (sau thành bà vợ tôi) đi qua sau lưng anh phải rón rén, sợ ảnh hưởng đến công việc của anh, mà tôi nhớ lúc đó, anh chỉ khoảng ngoài ba mươi tuổi. Anh khác hẳn con người nghệ sĩ Thâm Tâm trước Cách mạng như tôi được biết…”
Muốn trở thành con người mới, Thâm Tâm quyết dứt bỏ đứa con tinh thần, dấu ấn thời lãng mạn tiểu tư sản của minh! Phải chăng Nguyễn Đình Tiên cũng có sự thay đổi quyết liệt con người mình như vậy?
Hóa ra cách lý giải xã hội học của ông Vũ Cao lại mang tính thuyết phục người đọc không kém những chứng lý cụ thể cho bài viết của tôi hồi đó! (Bài thơ tìm được tác giả, báo Văn nghệ tháng 10/1989).
Sức sống của một bài thơ hay quyết liệt hơn ý chí chủ quan của con người, câu chuyện của anh Vũ Cao đã rọi sáng thêm cho tôi điều đó!
Thế mà có lúc tôi lại dám hỗn với anh trong một bài viết. Tôi còn giữ được bản photo bài báo Bài thơ ra đời như thế nào hình như in trên Văn Nghệ trẻ, lại quên ghi tên, số báo và ngày ra báo.
Bài viết tôi trả lời một bạn thơ trẻ thắc mắc về cách lý giải hai bài thơ hay tiêu biểu của hai bậc đàn anh Vũ Cao và Hoàng Cầm.
Trong một buổi tiếp xúc với độc giả ở Cung Văn hóa Việt Xô, Vũ Cao đã kể về sự ra đời bài thơ “Núi Đôi” (tôi cũng được nghe) như sau: “Tôi đi sau các bà trên đường đến chợ huyện. Các bà kể cho nhau nghe câu chuyện mà sau này tôi viết thành bài thơ “Núi Đôi”. Tôi chỉ là người ghi chép lại câu chuyện cảm động đó. Nếu không phải là tôi mà là ông Trần Lê Văn đây chẳng hạn nghe được, thì bài Núi Đôi… có khi là của ông Văn”.
Còn nhà thơ Hoàng Cầm đã nhiều lần kể với mọi người: “Tôi thỉnh thoảng cứ nghe có tiếng đọc thơ bên tai. Lúc có giấy bút sẵn tôi ghi thì không mất đi những cầu thơ hay, riêng bài “Lá diêu bông” thì giọng đọc bài thơ rành rọt (một giọng nữ) từ câu đầu đến câu cuối, tôi chỉ ghi chép lại”.
Bạn thơ trẻ viết cho tôi: “Hai cách cắt nghĩa thơ như nước với lửa này làm tôi, một người mới bước vào làng thơ hoang mang. Chả lẽ nhà thơ chỉ là người thư ký ghi chép thôi sao? Khi thì ghi từ lới các bà đi chợ, khi thì ghi lại lời của bậc thần nhân. Vậy những điều lý luận văn học đã đúc kết là thừa cả chăng? Không nói đến cảm hứng, không có cấu từ, không cả sự nghĩ ngợi tối thiểu của nhà thơ?”.
Tôi đành phải giải thích cho bạn trẻ hai cách nói trên của bậc đàn anh, đại ý: Nhà thơ Vũ Cao hẳn là có ý khiêm tốn, đề cao việc học tập ngôn ngữ dân gian.
Có những năm, văn nghệ sĩ đi vào thực tế học làm, học nói, tiếng nói của quần chúng đặc biệt được đề cao. Nhà thơ Vũ Cao là người trưởng thành từ thuở ấy, ông vẫn giữ nguyên quan niệm ấy. .
“Núi Đôi” là bài thơ kể chuyện cảm động ta bằng lời kể dung dị rất gần ngôn ngữ dân gian. Ở câu chuyện thương cảm này, nếu cách điệu, duy mỹ sẽ làm giảm sự chân thực.
Nhưng… những câu như Xuân Dục, Đoài Đông đôi cánh lúa/ Bữa thì anh tới bữa em sang, có thể nói là ghi theo lời kể. Chứ Sương trắng người đi lại nhớ người hoặc: Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em thì nhà thơ muốn ghim ở mức chân chất mãi cũng không được, đến lúc cao trào của tình cảm, nó vẫn được thăng hoa.
Tôi đoan chắc không một bà nông dân nào nói ra được những câu như vậy! Nhà thơ cứ làm thơ một cách hồn nhiên như nước từ nguồn chảy ra, nhưng việc thưởng thức thì chúng ta có thể phân chất những thành phần gì từ nguồn nước ấy.
Còn nhà thơ Hoàng Cầm, hẳn là nhiều năm bị ức chế vì cách nhìn giản lược một thời, nay thời đổi mới đã chấp nhận những cách tiếp cận thực tế đa dạng hơn, yếu tố tâm linh không xa lạ gì với nhà thơ gặp thơ từ trước Cách mạng, nên ông muốn nói quá đi một chút đến mức thần bí hóa công việc sáng tạo…
Tôi giải thích cho bạn trẻ: Hai cách lý giải thơ của hai nhà thơ đàn anh trên, tưởng như đối lập mà vẫn gắn bó với nhau như hoạt động con lắc. Kéo qua về phía tả bao nhiêu, con lắc sẽ trả về phía hữu bấy nhiêu.
Tôi kết luận bài viết trên bằng một câu đùa trêu hai vị đàn anh:
“Bạn thích làm thơ, cứ làm thơ hồn nhiên như con nước vọt ra tự nguồn, dần dà thời gian (kinh nghiệm và tri thức thơ) sẽ điều chỉnh thơ bạn. Đứng hoang mang gì về tuyên ngôn các vị đàn anh, đến khi bạn nổi tiếng bạn lại lý giải thơ cách khác, nhiều người vẫn phải nghe…”.
Tôi áy náy như có gì không phải với hai người tôi yêu kính, nếu cách anh không đọc những dòng trên, coi như tôi nói sau lưng hai anh. Nghĩ thế, một hôm tôi đến gặp anh Vũ Cao, đưa anh xem bài báo và xin lỗi anh, nếu anh không thông cảm. Nhà thơ Vũ Cao đọc qua bài viết, rồi với nụ cười độ lượng quen thuộc:
– Lời nói cũng như trang chữ đã ra với công chúng, có sự phản hồi là điều tốt, mình có nói giữa sa mạc đâu! Cậu nói vui và có lý đấy, việc gì phải áy náy!
Thêm một lần tôi biết ơn nhà thơ, người lãnh đạo văn nghệ có đức độ hiếm có!