Kỷ niệm của tôi với các văn nghệ sĩ, bạn bè của cha tôi

    Ngày bé gia đình tôi ở chân đèo Khế, Đại Từ, Thái Nguyên. Thỉnh thoảng có bác Nguyễn Công Hoan, bác Nguyên Hồng tới thăm ông bà tôi. Bác Nguyên Hồng lần nào qua nhà cũng bế tôi, có lần hỏi tôi có thuộc bài không, có biết làm thơ không. Tôi trả lời bác: “Cháu học thuộc lòng bài học rất nhanh và nhớ lâu, nhưng không biết làm thơ ạ”. Bác bảo: “Sau này lớn lên cháu sẽ làm được thơ và cố học tập làm văn, cháu sẽ viết được văn đấy”. Lời khuyên của bác đã giúp tôi học văn thật tốt. Khi học lớp 10, tôi đã được giải nhì văn Thanh phố Hà Nội, nhưng không thi học sinh giỏi văn miền Bắc, vì được chọn vào đội tuyển thi toán. Lên nhận giải cao nhất cuộc thi Toán toàn miền Bắc năm 1963-64, tôi nhớ bác Nguyên Hồng và tiếc vì đã không thi văn, giá mà nghe lời bác theo văn chương, có thể cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng khác. Kỷ niệm về bác in đậm trong tôi, một người bác hiền hậu, vời bộ quần áo nâu giản dị.

Ngày chiến thắng Điện Biên năm 1954, có một đoàn tù binh về qua đường đèo Khê, tới nghi chân ở xóm tôi. Mấy người tù binh Pháp và một chú bộ đội vào quán nước nhà tôi. Chú là một người lính biết tiếng Pháp dẫn giải tù binh. Khi nói chuyện với ông bà và mẹ tôi, biết gia đình tôi là người Hà Nội, đều nói chuyện trực tiếp với tù binh bằng tiếng Pháp, chú bảo: Cháu cũng là học sinh Hà Nôi, đi bộ đội từ ngày kháng chiến toàn quốc, công tác tại Tổng cục Chính trị. Khi biết mẹ tôi là vợ Thâm Tâm, thật bất ngờ, chú rút từ trong ví ra một tấm ảnh nhỏ, ảnh cha tôi. Gia đình tôi không có một tấm ảnh nào của cha tôi. Mẹ tôi mừng quá, liền hỏi xin chú. Chú bảo mẹ tôi: “Em chỉ có tấm ảnh này để nhớ anh. Thôi thì em biếu chị vậy”. Mẹ tôi nghẹn ngào cảm ơn chú, rồi hứa sẽ trả lại ảnh cho chú, nếu còn được gặp lại. Chú bảo: “Thôi chị ạ. Anh Thâm Tâm cùng đơn vị với em, nay gặp chị, em xin trả lại anh cho chị. Hình ảnh anh em sẽ giữ mãi trong lòng”. Khi chia tay, chú cũng bế tôi và cho tôi một cuốn sổ tay mới tinh, bìa ni lông màu tím. Ở trang đầu chú ghi: “Tặng cháu Khoa. Biển học không bờ, Siêng năng là bến. Chú Ngọc”.
Mẹ tôi biết trạm dừng cuối cùng của tù binh ở dưới Thái Nguyên. Ngay hôm sau, mẹ tôi vội đi xe hàng về nhà bác tôi ở Hà Nội lúc đó chưa giải phóng, chụp lại bức ảnh.và in ra mấy bản. Bà đã kịp về tìm chú Ngọc ở Trại tù binh Thái Nguyên để trả chú bức ảnh gốc. Bản sao bức ảnh giờ đây là bức chân dung Thâm Tâm trên bàn thờ nhà tôi. Bẩy chục năm qua, mấy lần dọn nhà, chiến tranh, cuốn sổ không còn nữa, cũng chẳng thể biết chú Ngọc đã đi đâu về đâu. Chỉ còn lại “biển học không bờ…” cho tôi siêng năng phấn đấu để thành người “tới bến” với tấm ảnh cha tôi và tình người đồng đội tên Ngọc.

Ngày về Hà Nội, mẹ đưa tôi đến thăm bác Trần Độ, hai bác Lê Liêm, Lê Thu Trà và nhiều các bác tôi không biết tên. Ngày tết, bác Lê Thu Trà thường đến nhà tôi cho quà. Ngày tôi cưới vợ, bác còn mừng cho tôi cả tấm vải may bộ comple. Mãi tới đầu những năm 90, trong một dịp Họp mặt cựu hoc sinh trường Bười ở cơ quan tôi, ông viện trưởng giới thiệu tôi là người giúp đỡ tổ chức buổi họp mặt, là con Thâm Tâm, tôi mới được gặp các bác Bùi Hạnh Cẩn, Văn Cao, Đặng Vũ Hiệp… Các bác hỏi thăm mẹ tôi, kể nhiều chuyện cũ về cha tôi và từ đấy, tôi nhiều lần được trò chuyện cùng các bác. Bác Đặng Vũ Hiệp lại bảo tôi đến nhà chú Lê Hai để xin mấy tấm ảnh cha tôi và đồng đội Cục Tuyên huấn và báo Vệ quốc quân.

Tôi thuộc lòng bài thơ Núi đôi từ ngày học phổ thông. Ngày Báo Quân đội Nhân dân kỷ niệm 40 năm thành lập, mẹ con tôi được mời đến dự, và tôi đã gặp chú Vũ Cao. Về sau, lần nào gặp chú, tôi cũng thấy chú nhìn tôi chăm chú, có lần còn được chú gọi đến nhà chơi, gặp cả chú Vũ Tú Nam. Câu chuyên thì dài, nhưng có một lần chú nhìn tôi mãi rồi bảo: “Chú gặp cháu mà cứ có cảm giác được thấy lại bố cháu”. Ngày làm phim Nhớ Thâm Tâm, chú ngồi bên bếp lửa nhà sàn, kể về kỷ niệm thời làm báo Vệ quốc quân, chú cũng nhìn rất lâu vào ngọn lửa, như muốn tìm lại những cảm xúc của một thời “Anh đi bộ đội sao trên mũ, Mãi mãi là sao sáng dẫn đường. Em sẽ là hoa trên đỉnh núi, Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

Năm 1990, ông Hoài Việt tới nhà gặp mẹ con tôi để tìm tư liệu viết về Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân và TTKH. Ông đã dẫn tôi tới thăm bác Thanh Châu, bác Trúc Đường, giới thiệu tôi với chị Nguyễn Bính Hồng Cầu (con Nhà thơ Nguyễn Bính). Tôi đã có ý định tổ chức buổi gặp gỡ của các con Nhóm Áo bào gốc liễu (Tam Anh), rồi công việc bận rộn cuốn đi, ý định không thành. Năm 1999, các anh ở Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng cất công tìm mộ cha tôi. Tôi nhận được thư của anh Y Phương bảo tôi gửi cho anh 6 tấm ảnh buổi mai táng của Thâm Tâm mà gia đình còn giữ được, rồi gửi qua nhà bác Thanh Châu. Tôi đi chụp lại và mang đến nhà bác vào đúng mùa giàn Ti gôn nhà bác đang nở rộ. Ngồi nói chuyện tìm mộ Thâm Tâm mãi không thành, bác bảo tôi có thể có manh mối từ những bức ảnh này đấy. Tôi thấy bác buồn, liền chuyển câu chuyện về giàn hoa Ti gôn và truyện ngắn Hoa Ti gôn của bác, khởi nguồn của bài thơ Hai sắc hoa Ti gôn “huyền thoại”. Bác thay đổi nét mặt đầy tức giận, nói rất to: “Bác sẽ kiện! Mấy người viết chuyện bà Vân Chung là TTKH đã hỏi bác. Bác bảo họ rằng bà Vân Chung và bác ngày xưa phải lòng nhau, rồi do thời cuộc mà không đến với nhau, chia tay mà vẫn quý trọng nhau. Bà ấy lấy chồng đàng hoàng, làm gì có hoàn cảnh như TTKH. Ngày giải phóng miền Nam, bác còn vào Sài Gòn thăm bà ấy như những người bạn thân thiết. Bác chỉ có niềm vui là đã được người đọc thích chuyện Hoa Ty gôn thôi”. Tôi hỏi bác: “Thế TTKH là ai bác có biết không ạ, sao bảo bà ấy tên là Khánh, người yêu ngày xưa của bố cháu?” Bác đang cáu, liền gắt lên: “Mặc kệ người ta cháu ạ. Làm gì có cô Khánh nào? Bố anh và các ông bạn giỏi bịa lắm!” Tôi ra về mà cũng chẳng hiểu ra làm sao cả.

Nói tới hoa Ti gôn, tôi lại nhớ ngày tới thăm bác Ngọc Giao. Hồi ấy tôi và GS Đinh Đức Tiến có tham gia dịch và biên tập tuyển thơ của nhà thơ Mỹ nổi tiếng Longfellow. Tâp thơ in xong, GS Tiến rủ tôi đến thăm bác Ngọc Giao đang ở khu Trung Tự và tặng sách. Biết tôi là con Thâm Tâm, bác Ngọc Giao mới kể mấy chuyện cũ về cha tôi. Bác bảo Thâm Tâm ngày xưa viết nhiều lắm, nhưng chủ yếu là để kiếm tiền nhuận bút. Có lần Thâm Tâm hỏi ông chủ NXB Tân Dân xin ứng trước một ít nhuận bút vì nhà có việc. Ông Vũ Đình Long mới bảo: “Anh đừng xin ứng trước thì hơn!” Thế là Thâm Tâm quay ra, lẩm bẩm: “Không cho thì bảo không được, việc gì phải nói thế!”.Rồi móc túi còn hơn đồng bạc rủ mấy ông bạn đi uống rượu cho hả cơn tức. Thâm Tâm hiền nhưng mà cục, đã có lần cãi nhau gì với Nguyễn Bính to con. Thâm Tâm bé nhỏ mà giận quá tát Nguyễn Bính chảy cả máu mồm. Mọi người can mãi mới thôi. Tôi bảo có đọc được chuyện bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn’ được bác nhặt lại từ sọt rác. Bác bảo đúng đấy, vì hôm trước có hai người phụ nữ mang đến tòa soạn rồi về luôn. Chẳng ai để ý nên hôm sau có người tưởng giấy loại bỏ vào sọt rác. Khi bài thơ được đăng, tòa soạn có đăng tin nhắn tới TTKH để liên hệ trả nhuận bút, chẳng ai đến nhận cả. Và bác cười.
Chuyện các bác kể về Hai sắc hoa Ti gôn chỉ có thế, vẫn mãi là nghi án văn chương mờ ảo, hình ảnh người con gái nhặt cánh hoa rơi mãi vẫn đẹp trong lòng người đọc, thế thôi.

Tôi được gặp bác Phạm Duy lần đầu ở Nhà hát lớn, trong buổi biểu diễn của Mỹ Linh cùng danh ca Tuấn Ngọc. Bác bảo tôi: Tiếc là bố anh mất sớm quá. Năm 2011, tôi tới dự buổi ra mắt sách “Dĩ vãng phía trước” của anh Ngô Thảo, được anh trao cho gia đình tập di bút của Thâm Tâm mà báo QĐND và Văn nghệ Quân đội còn giữ được. Buổi ấy bác Pham Duy ngồi xe lăn. Tôi tới quỳ bên xe bác chào hỏi. Tôi kể rằng ngay từ thuở bé, ở trên Việt Bắc, tôi đã được nghe một bài hát của bác. Ấy là lần chú ruột tôi, nhà văn Hoài Niệm, Bắc Thôn, tác giả “Hai làng Tà Pình và Động Hía”, đưa mấy cô chú văn công về thăm ông bà tôi, đàn hát cả buổi tối. Có một chú hát bài “Bà mẹ Gio Linh” và tôi rất sợ câu hát ám ảnh tôi “Nghẹn ngào không nói một câu, Mang khăn gói đi lấy đầu. Đường về thôn xóm buồn teo, Xa xa tiếng chuông chùa reo…” Bác bảo chuyện thật đấy cháu ạ. Rồi bác hỏi tôi thích bài nào của bác không. Tôi bảo cháu thích nhất bài “Tiếng nước tôi (Tình ca)” và bài Tây Tiến. Bác cười: Con ông Thâm Tâm mà lại!

    Mùa thu, hoa Ti gôn vẫn nở, Núi Đôi mãi còn đấy, mà người xưa xa vắng hết rồi. Còn lại trong tôi là hình bóng các chú các bác từ những ngày đã xa lắm với niềm thương nhớ. Và tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được gặp những người đồng đội, những người bạn của cha tôi. Tôi đang thấy cha tôi và các bác vẫn đang ngồi bên nhau cạnh bếp lửa nhà sàn với những chén rượu nồng ở đâu đó cõi xa, và ngâm câu “Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu, Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê…”
Ngày giáp Tết Quý Mùi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *