Nhà thơ Thâm Tâm tức Nguyễn Tuấn Trình cùng gia đình từ Hải Dương lên Hà Nội kiếm sống 1936 bằng làm thơ và vẽ tranh… Tại Hà Nội, anh đã gặp và yêu Từ Thị Khánh, cô học sinh lớp nhất trường Tiểu học Sinh Từ. Cùng năm ấy, mối tình đầu của họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình với Từ Thị Khánh dang dở vì Khánh nghe lời mẹ đi lấy chồng.
Trong những ngày đi dạo Hà Nội để tìm gặp chàng họa sư Lê ở làng Mọc và cô gái gỡ hoa Ti-Gôn đang nở đầy ở Hà Nội, Thanh Châu đã cảm hứng về những gì mình thấy rồi viết truyện ngắn “Hoa Ti-Gôn” hư cấu một cuộc tình của họa sĩ Lê Chất và cô Mai Hạnh đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 174, thứ bảy ngày 25/09/1937 (ngày 4, thứ bảy như đã chọn trong phần I theo lịch Vạn niên là đúng với thời điểm hoa Ti-Gôn nở rộ. Nhưng ngày 25, thứ bảy chính xác với số báo 174 để HSGTG ra tiếp trong số 179 cũng theo lịch Vạn niên).
Tuấn Trình đã đọc truyện này vì Thanh Châu và anh cùng làm chung trong TTTB. Truyện Hoa Ti-Gôn với những sắc hoa đỏ rụng ngập trời đã khơi dậy trong chàng họa sĩ, thi sĩ một kỷ niệm đau thương. Hoài niệm về cuộc tình đã mất bằng tấm chân tình, Tuấn Trình đã viết bài thơ “Hai sắc hoa Ti-Gôn” ẩn dụ một tình yêu tinh khiết và đổ vỡ như hoa Ti-Gôn bằng chất nghệ sĩ trong tâm hồn. Bài thơ đăng trên TTTB số 179 ngày thứ bảy 30/10/1937. Bút hiệu T.T.Kh chính là “Tuấn Trình – Khánh”.
Bút hiệu T.T.Kh là một cô gái với tình sử đau thương bỗng dưng là hiện tượng “ăn khách” trên báo chí thời bấy giờ. Tuấn Trình sau khi trút hết tinh túy vào HSHTG thì không ra bài thơ nào nữa về nội dung này. Vũ Đình Long “bật đèn xanh” cho anh em trong báo TTTB hành động…
Trần Huyền Trân, người bạn nối khố trong nhóm “Tam Anh – Áo bào gốc liễu” của TT cùng Nguyễn Bính, biết chuyện tình của Tuấn Trình và cô Khánh (vì họ cùng ở chung một căn gác thuê trong ngõ Sầm Công – Hà Nội) và biết bài thơ này là do Tuấn Trình làm. Vốn không ưa mấy về chuyện tình yêu nam nữ mà người phản bội là Khánh đối với bạn mình, nhân có sự gợi ý từ chủ báo kiêm chủ bút Vũ Đình Long nên Trần Huyền Trân mới cùng Đinh Hùng, chàng thi sĩ siêu tưởng, viết bài “Màu máu Ti – Gôn” gởi thẳng “T.T.Kh, tác giả bài HSHTG” (ám chỉ Tuấn Trình) ngấm ngầm với nội dung thẳng thừng mai mỉa cuộc tình nói trên cần phải sòng phẳng như một ván bài và cuộc tình đã trôi qua như “cánh hoa tàn“, khuyên ngầm tác giả HSHTG không nên thương tiếc và cũng chẳng nên giữ lại những kỷ niệm đớn đau trong lòng làm gì nữa!
“Nhất tiễn song điêu” của THT và ĐH bước đầu thành công. Tuần báo TTTB qua mặt tất cả các báo lớn như “Phong Hóa – Ngày Nay” của Nhất Linh, “Hà Nội Báo” của Lê Tràng Kiền… ở Hà Nội về chủ đề này. Tờ TTTB lại có cơ hội làm ăn vì độc giả liên tục gởi thư về toà soạn hỏi thăm cô gái trong HSHTG. Dĩ nhiên, T.T.Kh làm gì có thật nên “Tổ hợp thơ Thâm Tâm và T.T.Kh” phải tiếp tục vào cuộc. “Bài thơ thứ nhất” (lấy lại giọng điệu nội dung và thêm chi tiết hơn từ HSHTG) được đăng trên TTTB, thứ bảy ngày 20/11/1937, số 182 do Nguyễn Bính cùng Trần Huyền Trân làm đạo diễn. Nhưng nội dung chỉ có bấy nhiêu, không nhập tâm được thêm những gì từ mối tình đã chết này, Nguyễn Bính đành phải dùng kế “điệu hổ ly sơn” (nhử cọp về rừng) với chiêu “dương đông kích tây” (dàn bên đông như đánh bên tây) là bài “Dòng dư lệ” tức “Cô gái vườn Thanh” khiến người đọc tin rằng Nguyễn Bính là người yêu của T.T.Kh để nằm ngoài danh sách đời sau đi truy tìm thủ phạm T.T.Kh. Bài thơ này, hiện tại đã ngẫu nhiên làm “lộ hình” Nguyễn Bính vì nội dung chẳng ăn nhập với người trong cuộc. Trong khi đó, nhu cầu thơ lúc bấy giờ với chủ đề tình yêu dang dở, số phận hẩm hiu được đưa lên hàng đầu cho ăn khách, Trần Huyền Trân hay mỉa mai một cuộc tình và là người thường dùng từ “chim lồng cá chậu” cùng Nguyễn Bính thiên về nội dung “đan áo len“, “chị – em“, cả hai với thi pháp lục bát chắc tay hơn các thi sĩ khác đã song tấu ra “Bài thơ đan áo” tức “Đan áo cho chồng” năm 1938 vẫn ký T.T.Kh để câu khách. Không có nguồn nào nói đăng trên TTTB (chúng ta chờ sau này có ai sưu tầm TTTB với các số có đăng ĐACC hay không? Chắc chắn, nó vẫn được đăng ở TTTB trước). J.Leiba đã đưa bài thơ này từ Phụ Nữ Thời Đàm năm 1938 lên Ngọ Báo với 4 câu thơ đề tặng T.TKh. Chứng tỏ, bài thơ đã có sự copy từ một nguồn chính mà nguồn đó phải từ nơi tác giả đó làm ra, có lợi cho tờ báo mà tác giả cộng tác. Để chấm dứt vai trò ốc mượn hồn suốt thời gian dài 3 năm, Nguyễn Bính phải dùng “Tá thi hoàn hồn” (mượn xác hoàn hồn) cùng Trần Huyền Trân một lần cuối ra “Bài thơ cuối cùng” ra vẻ giận dữ trách móc người ráo bán tình yêu để T.T.Kh kiếm cớ rút lui, đăng trên TTTB số 217, thứ bảy ngày 23/07/1938 như ném “lựu đạn cay”, tung hỏa mù rồi… biến!
T.T.Kh không còn xuất hiện nữa vì hết nguồn nhiên liệu. Chúng ta cũng thấy rằng ngay đầu đề bài thơ “Bài thơ thứ nhất, Bài thơ cuối cùng” lấy lệ cho có là với từ ngữ là số đếm chứ không như đầu đề “Hai sắc hoa Ti-Gôn” mà Thâm Tâm đã ẩn dụ rất sâu sắc. Ngay cả những bài ký Thâm Tâm như “Các anh”, “Dang dở“… Nếu TT làm, TT không thể lấy những cái tên tầm thường như vậy về hình thức và TT không thể lập lại nội dung nhạt nhẽo dần khi tim mình đầy ấp sóng hoàng hôn!
Từ khi có thơ từ T.T.Kh, độc giả càng gởi thư tới tấp về tòa soạn để mong “văn kỳ thanh” cũng đồng “kỳ hình” T.T.Kh và xin chữ ký Thanh Châu. Thanh Châu mang tâm trạng người viết văn được độc giả ái mộ thì vô cùng sung sướng. Thanh Châu hoàn toàn không biết về T.T.Kh và tổ hợp này nên đã viết hồi ức “Những cánh hoa tim” vào mùa thu 1939 đăng trên TTTB nói rõ lý do tại sao mình viết truyện “Hoa Ti-Gôn“.
Không thể trốn tránh độc giả hoài vì tòa soạn nào không biết địa chỉ tác giả nếu tác giả đó gởi theo đường bưu điện và càng không thể im hơi nếu tác giả gởi trực tiếp hoặc nhờ cô gái mang thơ tới, nên tổ hợp thơ lại “chữa lửa” bằng cách đẩy bút hiệu Thâm Tâm lên thi đàn. Chuyện tình của Tuấn Trình và cô Khánh đã có nhiều người biết, không thể để cho nhân vật chính than thở hoài mà chàng trong cuộc cứ làm “con rùa rút đầu“. Thêm vào đó, những người biết chuyện tình trên cứ nghĩ Tuấn Trình đã làm “Màu máu Ti-Gôn” công khai nhận T.T.Kh là người yêu nên càng cười chọc, thương tâm, đả kích. Tuấn Trình, bây giờ mang bút hiệu Thâm Tâm với Chào Hương Sơn, Mơ thuở thanh bình, Hoa gạo, Vạn lý trường thành, Ngược gió, Tống biệt hành… năm 1940, người trong cuộc, kẻ đã “lỡ leo lưng cọp” không thể không khỏi bực mình. Bài “Các anh” của tổ hợp Đinh Hùng – Trần Huyền Trân – Nguyễn Bính mỗi người một phong cách, một thi pháp trong bài thơ dài 64 câu lập tức nối gót “Dòng dư lệ” ra đời vào thứ bảy, ngày 4/5/1940 số 307 trên TTTB mang nội dung bực mình của Thâm Tâm để cho số báo ăn khách được tiếp tục sống. Nếu TT là tác giả, TT chẳng thể nào vừa tung tin tình yêu Khánh lên báo rồi làm thơ bắt mình “im đi” được. Bài thơ này còn có những cái tên gọi tầm thường như “Trả lời của người yêu” hay “Gởi T.T.Kh” mà lại còn có những câu “Hãy im đi các anh ơi!” lộn xộn bên trong. Nó được đăng nguyên hay cắt ra hai phần như sách Mã Giang Lân hoặc Thế Nhật hay không trên TTTB? MGL trong bài “Ghi chú thêm về Thâm Tâm và T.T.Kh” từng khẳng định có nhưng đoạn ngoài cuốn “Thơ Thâm Tâm”, (Nxb VH – 1988) do MGL tuyển chọn và sách “Lược sử văn nghệ – Nhà văn tiền chiến 1930-1945” (Nxb Vàng Son SG – 1974) và “T.T.KH. Nàng là ai? (Nxb VHTT – 1994, 2001) của Thế Nhật lại có những câu lục bát phá cách từ Nguyễn Bính nối tiếp lục bát phá cách trong bài “Các anh” 16 câu trong sách MGL. Điều này cho thấy bài “Các anh” phải nguyên vẹn 64 câu chứ không phải 54 câu như Thế Nhật và 16 câu như MGL trích.
Thế nhưng, rừng đốn mãi cũng hết cây, đất lấn mãi cũng hết biển, năng lượng từ nội dung chuyện tình T.T.Kh cũng chẳng được tiếp nhiên liệu nên những bài thơ sau ký T.T.Kh hay Thâm Tâm đều “đầu voi đuôi chuột”. Mâu thuẫn từ các bài thơ ngày càng lộ diện khiến cho tổ hợp thơ cũng phải nghĩ tới “Tẩu vi thượng sách” bằng cách “thêm bếp, rút quân“. Bài “Dang dở” thể thất ngôn với thi pháp đặc biệt (vần trùng 2-3) chỉ có với Đinh Hùng đã được “thêm bếp” đưa lên TTTB năm 1940 để tổ hợp thơ Thâm Tâm “rút quân”. Đây là phát pháo cuối cùng báo hiệu cuộc chơi chấm dứt! Không ai ăn mãi một món ăn cũng như chẳng ai đọc mãi một đề tài chỉ có mấy bài thơ xáo đi, xào lại.
Điều này, hợp lý khi chúng ta rãi các bài thơ được chia thời gian như sau: Hai sắc hoa Ti-Gôn (1937), Màu máu Ti-Gôn (1937-38), Bài thơ thứ nhất (1937), Đan áo cho chồng (1938), Bài thơ cuối cùng (1938), Các anh (1940), Dang dở (1940). Chúng được xen kẻ với bài hồi ức của Thanh Châu “Những cánh hoa tim” năm 1939, “Dòng dư lệ” của Nguyễn Bính tạo thành một chuỗi “ăn chắc, mặc bền”, có đầu, có giữa, có cuối trên báo chí. Nếu không, ta sẽ cứ thắc mắc vì sao T.T.Kh làm thơ năm 1937-1938 mà tới năm 1940, Thâm Tâm mới nhập cuộc?
Khói lửa chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) đang phủ vây đất nước Việt Nam “một cổ hai tròng” bằng nạn ngoại xâm nối tiếp ngoại xâm khi phát xít Nhật hất cẵng thực dân Pháp. Thi đàn thơ văn, báo chí đã không còn là mảnh đất bình yên chim hót cho các nhà thơ dụng thơ mà họ phải chuyển sang nhà thơ “dụng võ”. Tống biệt hành của Thâm Tâm làm tại vườn Thanh Giám để đưa tiễn người và đưa tiễn lòng cũng chấm dứt luôn một cuộc tình mà Đinh Hùng coi rẻ rúng mối tình nàng kiều nữ và anh thanh niên định ra đi cứu nước trong “Dang dở“.
Hoài Thanh – Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” dè dặt với Thâm Tâm và không mấy rõ ràng khi viết về T.T.Kh năm 1941. Phạm Thanh trong “Thi nhân Việt Nam hiện đại” quay về một mối T.T.Kh là người phụ nữ cũng chẳng hé mở được điều gì hấp dẫn hơn.
Về sau, không muốn nhắc lại chuyện cũ và tất cả bài thơ liên quan tới một chuyện tình không hay, TT im lặng để “làm lại cuộc đời” như Nguyễn Hữu Đảng, Vũ Cao đã kể trong “Giai thoại văn học” (Nxb VH – 2003). Năm 1944, TT lập gia đình với Phạm Thị An và sinh ra hai người con. Người con đầu đã mất từ năm 1945. Người con trai duy nhất còn lại là Nguyễn Tuấn Khoa sinh ngày 24/11/1946. Bốn năm sau, TT mang Huyền thoại T.T.Kh xuống tuyền đài năm 1950 trong một lần đi chiến dịch ở biên giới Việt Bắc tại Cao Bằng vì cơn bệnh sốt rét ác tính. Bản Pò Noa (Cao Bằng) còn bia mộ tưởng niệm nhà thơ Vệ quốc quân tài hoa này.
Trong thời gian kháng chiến 1947 – 1950 và sau 1954 nhiều người như Bùi Viết Tân, Nguyễn Tố, Hồ Thông, Ngân Giang, Thạch Hồ, Anh Đào (Đào Tiến Đạt), Giang Tử, Trần Quân (Trần Viết Phương), Đỗ Nhân Tâm, Lê Công Tâm, Hoàng Tấn, Tân Đạt Dân… trên các báo “Cải tiến, Giáo dục phổ thông, Văn nghệ thành phố HCM, Văn nghệ tiền phong, Nhân loại, Sống, Triền sóng xanh, Chuông Mây… ” đã tạo ra luồng thông tin “ông nói gà, bà nói vịt” về hai bút hiệu này. Những người cho biết T.T.Kh là Thâm Tâm có thể đúng một chút ít nếu trong lúc ngà say, Thâm Tâm có hé lộ mình là T.T.Kh. Không có gì giấu được thời gian. Giấy không gói được lửa. Cây kim trong áo lâu ngày cũng lòi ra. Khi say, không ai có thể làm chủ bản thân. Người say là người thường hay nói và khi đã nói thì thường nói thật. Nhưng không biết, sau chuyện tình 1936, TT ngoài đời có “say mèm” rồi “ném chén cười cho đã mắt ta” như trong thơ hay không?
Những người nghe loáng thoáng Thâm Tâm nhận mình là T.T.Kh có thể nhập lại những bài thơ ký T.T.Kh là Thâm Tâm. Những bài ký Thâm Tâm, họ tưởng rằng đã rõ. “Khói” “Cá tháng 4” đã xuất hiện từ bèo bới ra bọ, từ cái nọ, lò ra cái kia không phải là không có “lửa” từ Thâm Tâm hay nhóm tổ hợp thơ. Trách nhiệm này, Thâm Tâm và tổ hợp thơ phải gánh lấy một phần bởi sự im lặng của mình Im lặng là đồng lõa tội lỗi. Rừng văn chương hỗn tạp nhưng vườn văn học chân chính chẳng phải là tấm thảm để người ta chà giày bẩn vào đấy!
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, hòa bình về trên đất Bắc. Người làm văn học từ bỏ vũ khí quay về với mảnh đất thơ văn của mình. Nguyễn Tấn Long – Nguyễn Đức Trọng viết “Việt Nam thi nhân tiền chiến” năm 1968 có tuyển thơ Thâm Tâm và T.T.Kh “bài bản” và công phu hơn HT – HC. Thế nhưng hai ông vẫn cho rằng hai bút hiệu là hai người Thâm Tâm và T.T.Kh. Nguyễn Vỹ viết lại mục “Thâm Tâm và sự thật về T.T.Kh” trong “Văn thi sĩ tiền chiến năm” (1970) khẳng định chỉ có Thâm Tâm làm cả hai bút hiệu. Những người khác như Mã Giang Lân tuyển “Thơ Thâm Tâm” năm 1988, Hoài Việt “Thâm Tâm và T.T.Kh” năm 1991, Thế Nhật “T.T.KH. nàng là ai?” năm 1994 và 2001, Nguyễn Thạch Kiên“Về những kỷ niệm quê hương” năm 1996… đều thu nhập thông tin Thâm Tâm và T.T.Kh qua nguồn TTTB cũng nhập nhằng, không thống nhất trong sách mình. Người bác bỏ “Đan áo cho chồng – Bài thơ đan áo” của T.T.Kh; kẻ khẳng định chính Thâm Tâm. Những cuốn sách này, không ghi “nguồn tư liệu gốc”. Đó là sự thiếu sót về tính khoa học văn bản.
Riêng 2 cuốn “T.T.KH nàng là ai?” của Thế Nhật (1994 – 2001) và “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” của Trần Đình Thu (2007) đều quy về một nhân vật ở Pháp là Vân Nương Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh. Thanh Châu được “chỉ định” là người yêu của T.T.Kh. Kết quả, nhân vật Thanh Châu là nhà văn và nhân vật Vân Chung lấy chồng năm 1939 không ăn nhập gì đến vụ “bán thơ anh” và T.T.Kh đã chồng năm (theo nội dung bài thơ làm năm 1937) đã hồi ức về những mùa thu trước 1936… không phải là nhân vật trong cuộc. Nguyễn Thạch Kiên là bạn lâu năm của Trần Thị Vân Nương, ông đã khẳng định Vân Nương làm thơ sau hậu chiến là chính xác và người viết đồng ý như vậy khi thử tìm thi pháp của Vân Nương qua một số thơ của bà.
Về pháp lý, hai cuốn sách “T.T.KH. nàng là ai” và “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” này vi phạm quyền nhân thân của Vân Nương theo điều 38 trong Bộ Luật Dân Sự khi nhân vật này phản kháng bằng ba lá thư đăng trên báo Ngườiviệt – Cali năm 1994 (thanhnien.com và hai cuốn sách Thế Nhật và Trần Đình Thu đều trích đăng). Bà Vân Chung có quyền phản kháng theo điều 25 và 37 trong bộ luật này. Cuốn sách Trần Đình Thu đã hầu như “đạo ý tưởng” và “đạo hình thức” từ sách Thế Nhật trừ hai phần sau cùng. Thế nhưng, đối với những “đạo văn” cũng có những trăm vạn đường, nghìn phương cách, cuốn “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” của Trần Đình Thu chỉ vào hàng “cháu chắt” của sự đạo văn. Nó chưa đáng mức phải quy trách nhiệm hình sự mà chỉ ở hình thức “cảnh tỉnh” người nghiên cứu nên thận trọng khi tham khảo nguồn tư liệu và cẩn thận khi phát ngôn thành văn bản. Nếu một khi có sai lầm, không phải “một lần đạp… c, một lần chặt chân“, chúng ta còn có cơ hội sửa chữa. Thời gian và lòng hướng thiện sẽ cho chúng ta cơ hội này.
Hỏi về nguồn “Tiểu Thuyết Thứ Bảy“, Mã Giang Lân trả lời chính ông đã đọc TTTB sau năm 1975 và chép tay lại một số bài thơ ký Thâm Tâm. Những bài thơ khác, ông thấy dở nên không chép.
Nguồn TTTB, chú Nguyễn Tuấn Khoa nói rằng sau 1975, TTTB được đưa lên màn hình, một số người được đọc từ đó. Chú Khoa cũng khẳng định đã cung cấp cho MGL một số bài thơ của bố là Thâm Tâm.
Chú Thế Phong (Thế Nhật gồm Thế Phong và Trần Nhật Thu) trả lời là đã đọc TTTB trên “Thư viện Khoa xã hội (34 Lý Tự Trọng, Quận 1) và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM“.
Hỏi về những lá thư phản đối của Vân Nương, chú Thế Phong trả lời: Đăng trên báo nguoiviet, Cali ngày 24/12/1994. Đại diện Ban Biên Tập báo Người Việt – Cali (Đỗ Bảo Anh chủ bút, Phan Huy Đạt chủ nhiệm) trả lời rằng, thời gian lâu lắm, không ai có thể nhớ và người muốn tìm nên tới tòa soạn sao lục chứ họ không làm công việc này.
Ông Phan Đức trong bài “T.T.KH là ai? Cuốn sách viết ra từ sự ngộ nhận” (TĐT, sđd tr 179) cung cấp thêm lá thư Vân Chung đăng trên “Nguyệt San Văn Hóa” số 9/4 bên Pháp.
Trần Đình Thu trả lời về thư phản đối của Vân Nương, anh đọc ở trên mạng. Khi được hỏi về địa chỉ liên lạc với bà Thư Linh về Vân Nương, TĐT trả lời: Lâu lắm rồi, anh không liên lạc với bà ấy.
Về ông Nguyễn Thạch Kiên (hỏi về tư liệu trong sách “Về những kỷ niệm quê hương” T.T.Kh và xin địa chỉ liên lạc với bà Trần Thị Vân Chung là bạn ông), người viết đã liên lạc các hiệu sách ở Cali như Thiên Nga, Trí Đức (nơi người viết mua sách) nhưng chẳng nơi nào còn giữ số điện thoại của ông. Nay, chắc ông cũng đã trên 86 rồi! Các địa chỉ liên lạc trong những cuốn sách có liên can về ông như “Văn học thời nay” của Vũ Hoài Mỹ, người viết cũng đã liên lạc trên 4 e-mail ghi trong sách và nhờ cả chủ bút nguyệt san “ChicagoViệtBáo” là Thủy Lâm Synh hỏi dùm nhưng chưa được hồi âm.
Về phần liên lạc với thầy Mã Giang Lân và chú Nguyễn Tuấn Khoa, do Văn Giá (Phó Gs. TS, trường Đại học Văn Hóa – HN) cung cấp số điện thoại.
Nguyễn Tuấn Khoa (Nguyên Viện trưởng Viện Thông Tin Y học Trung Ương) lập gia đình cùng Nguyễn Ngọc Mỹ (Nguyên cán bộ Trường Đại học Dược Hà Nội). Họ có hai người con đã lập gia đình: Nguyễn Tuấn Huy và Nguyễn Mỹ Trang. Hai bố con Tuấn Khoa và Ngọc Mỹ phần nào nối nghiệp bố, ông nội là Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình trên con đường văn học. Về thông tin năm Thâm Tâm lập gia đình, chú Khoa nói rằng: “Cụ bà đã lấy Cụ ông từ đầu 1944, năm sau đã có con, tôi là con thứ, sinh 24-11-1946″.
- Di bút của Thâm Tâm: Người viết copy từ khanhly.net với thắc mắc không biết có phải là di bút của Thâm Tâm hay không? Nguồn nào cung cấp di bút này cho cô HUVO đăng tải trên mạng? Trả lời thắc mắc này, chú Nguyễn Tuấn Khoa xác định: “Di bút đúng của Cụ tôi, chữ ký cũng đúng“. Nguồn? Chú Khoa trả lời: “Nhà tôi không có di bút này. Di bút trên là của Hồng Tranh đưa cho Thanh Châu”. Hồng Tranh là người mà Thâm Tâm đã gởi bức thư nên ông lấy bức thư này đưa cho Thanh Châu với lý do gì thì chẳng ai biết. Mạng khanhly.net có đăng mà chưa thấy ghi chú từ đâu?
- Mục đích đăng thủ bút của Vân Chung: Cho những ai từng nói là đọc qua những bài thơ bằng đường thư tay, bưu điện, những ai từng nói có coi qua lá thư xin chữ ký Thanh Châu của T.T.Kh nhận ra có phải nét chữ “run run” này?
- Nguồn cần tra cứu thêm là: Phạm Minh Chi (cháu ruột bà Vân Chung, ở 333/14/8 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình (từ bài viết của Phan Đức) hỏi về bà hay liên lạc với bà Vân Chung.
- Nguồn TTTB? Tại sao cùng một nguồn, mà các bài viết đăng trích Thơ Thâm Tâm, thơ ký Thâm Tâm và T.T.Kh lại không thống nhất? Nguồn “Thư viện Khoa xã hội (34 Lý Tự Trọng, Quận 1) và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM” tồn tại nhưng chưa biết TTTB được lưu trử như thế nào?
Huyền thoại hoa Ti-Gôn tóm tắt đến đây xin tạm dừng. Người viết một lần nữa chân thành cám ơn gia đình chú Tuấn Khoa cung cấp thông tin cá nhân và hình gia đình, cám ơn tác giả các cuốn sách liên quan được trích đăng, những tác giả có thơ, truyện, bài được sử dụng cũng như các web site đã góp phần tạo ra chuyên đề “Huyền thoại hoa Ti-Gôn”./.
Tháng 12/14/2008
Ngọc Thiên Hoa
* Phần tóm lược này nằm ngoài cuốn “Huyền thoại hoa Ti-Gôn”.