.Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng?…
TỐNG BIỆT HÀNH
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giời chưa mùa thu tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc,
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thật!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say…
Thâm Tâm
Khi phân tích, bình giảng, tranh luận về Tống biệt hành của Thâm Tâm, các bài viết thường quan tâm đặc biệt đến hình tượng người ra đi. Người ra đi là ai? Một chiến sĩ cách mạng? Một đấng trượng phu? Hay một chàng lãng tử? Người đưa tiễn cũng được nhắc đến nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó theo tôi mấu chốt bài thơ chính lại nằm ở người đưa tiễn. Ngay hình tượng người ra đi cũng chủ yếu được thể hiện qua lời của người đưa tiễn. Ở bài thơ này Thâm Tâm đã nhập thân vào người đưa tiễn. Người đưa tiễn vừa là nhân vật trữ tình vừa là đối tượng trữ tình. “TA” đang nói với “TA”. “TA” đang nói với chính lòng mình. Vấn đề đặt ra là “TA” có quan hệ thế nào với người ra đi? Đó là chìa khóa để giải mã những khoảng trống, những nét mờ trong những câu thơ, đoạn thơ gây nhiều tranh cãi.
Nếu đọc lướt qua Tống biệt hành rất dễ ngộ nhận “TA” là một đấng nam nhi, bởi cái chất giọng rắn rỏi, gân guốc mà Thâm Tâm tạo nên trong bài thơ. Đọc kĩ lại, tôi nhận thấy ngoài chất giọng rắn rỏi, gân guốc, Tống biệt hành còn ẩn chứa một chất giọng khác rất sâu lắng, rất trữ tình và đầy nữ tính. Kiểu xưng “TA” và gọi người ra đi là “NGƯỜI” đã phần nào giúp tôi đoán được mối quan hệ của họ. Tú Xương đã từng nhắn gửi với người mình yêu: “Ta nhớ người xa cách núi sông…”; Nguyễn Du cũng từng để nàng Kiều tự dằn vặt mình: “Vì ta khăng khít cho người dở dang…”. Qua giọng thơ trữ tình, qua cách xưng hô và chủ yếu là qua sự bộc bạch nội tâm trong Tống biệt hành, tôi tin chắc rằng Thâm Tâm đã nhập vai bạn gái của người ra đi. Nàng rất hiểu, rất yêu chàng trai nhưng tình yêu đang còn dồn nén trong lòng. Chính sự dồn nén ấy đã tạo ra chất giọng trữ tình, sâu lắng rất khó nhận diện trong suốt bài thơ.
Hãy thử đọc lại bốn câu mở đầu:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đôi “mắt trong” chứa đầy “hoàng hôn” kia chỉ có thể là mắt của phái đẹp! Nếu nói đây là mắt của “em nhỏ ngây thơ” thì không hợp với hai câu trên. “Tiếng sóng lòng” và “hoàng hôn” chỉ có “TA” nghe, “TA” thấy, “TA” ngạc nhiên và “TA” tự đặt câu hỏi với chính mình. Có người bắt bẻ: Sao “TA” lại thấy hoàng hôn trong mắt “TA” được? Xin thưa: “Tiếng sóng” và “hoàng hôn” ở đây đâu nghe bằng tai đâu thấy bằng mắt. “Tiếng sóng” và “hoàng hôn” không ở ngoài vào mà từ trong ra. Đó chính là nỗi vấn vương, nỗi buồn mênh mông của người đưa tiễn. Nàng ngạc nhiên chính vì mãi đến lúc đưa tiễn nàng mới cảm hết nỗi trống vắng trong tâm hồn khi biết rằng người mà mình thầm yêu, trộm nhớ ra đi khi không hẹn ngày trở lại.
Nàng tự thú với lòng:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
“Ta chỉ đưa người ấy” là một cách nói tránh rất tế nhị, rất kín đáo. Điều nàng muốn khẳng định với mình là: ta yêu người ấy! Có điều giữa ta và chàng chưa ai dám thể hiện ra bên ngoài. Cả hai cố làm ra vẻ “dửng dưng”. Những người xung quanh không một ai biết “tiếng sóng” trong lòng và “hoàng hôn” trong mắt người đưa tiễn. Nàng mượn giọng của chàng nói với mẹ “Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Thực ra nàng đang nói với chính mình. Nàng đang linh cảm về nỗi đợi chờ khắc khoải của người thân và cả của chính nàng. Ẩn sau câu thơ mạnh mẽ, dứt khoát kia là nỗi nhói đau của lòng người đưa tiễn. Nàng bộc lộ kín đáo quá nên ít người để ý. Nàng tiếp tục nói với mình:
… Ta biết người buồn chiều hôm trước
…
… Ta biết người buồn sáng hôm nay…
“Ta biết” chứ không phải “ta thấy”. Nỗi buồn kia chàng có để lộ ra bên ngoài đâu mà có thể thấy. “Ta biết” là vì ta quá hiểu chàng, quá hiểu nội tâm của chàng. Phải là người tri âm, tri kỷ mới biết một cách sâu sắc như vậy. Biết, nên không những nàng cảm thương cho mẹ, cho các chị, cho em chàng mà còn cho chính nàng.
Khổ kết bài thơ vẫn là lời độc thoại của người đưa tiễn:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
“Người ấy” đã ra đi mà nàng vẫn không tin. Nhưng sự thực vẫn là sự thực! Sự thực ấy làm lòng nàng quặn thắt. Câu thơ chứa đựng nỗi niềm đầy luyến tiếc, đầy day dứt của người đưa tiễn. Nàng mượn lời chàng để thể hiện cái quyết tâm sắt đá của chàng. Nếu hiểu: xin mẹ hãy coi con như chiếc lá, xin chị hãy coi em như hạt bụi, xin em hãy coi anh như hơi rượu thì vừa không phù hợp với cấu trúc câu thơ lẫn ý đồ của tác giả. Cần phải phân biệt sự khác nhau của hai cách diễn đạt… Nếu người ra đi coi mẹ như chiếc lá, coi chị như hạt bụi, coi em như hơi rượu thì đúng là không lôgíc, không đúng với bản chất của chàng. Nhưng ở đây Thâm Tâm viết: “Mẹ thà coi”… “Chị thà coi”… “Em thà coi”… “Thà coi” có nghĩa là không muốn như vậy, nhưng buộc phải làm như vậy. “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ!”. Chết ai có muốn, nhưng sống trong nô lệ còn đau khổ hơn nên thà chết, thà hy sinh để giành cho được độc lập tự do! Chàng đâu có muốn xa mẹ, xa các chị, xa em, xa cái người đang yêu chàng tha thiết nhưng vì tiếng gọi của lý tưởng chàng đành hy sinh tất cả. Nên nhớ rằng đây không phải là lời của người ra đi mà là độc thoại nội tâm của người đưa tiễn. Nàng ý thức được sự hy sinh cao cả của chàng nên không hề trách móc, oán giận chàng. Tất cả những trạng thái tình cảm đó nàng dồn nén vào bên trong, nàng tự biết với lòng mình.
Không tìm hiểu mối quan hệ giữa người ra đi với người đưa tiễn, không đi sâu phân tích nội tâm của người đưa tiễn thì rất khó lí giải được một số câu thơ có vẻ “bí hiểm” trong Tống biệt hành.
MAI VĂN HOAN