Thâm Tâm là một trong tam anh thời tiền chiến, bên cạnh Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Họ là ba người bạn thơ thân nhau nhất
Nếu Xuân Diệu cùng nhóm Tự Lực Văn Ðoàn mang vào văn học thời đó tình đôi lứa với những ảnh hưởng Tây Phương chói chang, trong âm thanh sình sịch của “ô-tô,” thì Thâm Tâm và hai bạn sống với không khí hào sảng của võ hiệp, không thực sự kiếm cung nhưng đến với đời bằng bút mực giang hồ, khổ công lập thân từ văn chương, lui tới với nhau bằng chữ nghĩa. Tình đôi lứa quấn quýt trong Xuân Diệu và các thi sĩ lãng mạn, tình “tứ hải giai huynh đệ” bát ngát trong Thâm Tâm. Bài Tống Biệt Hành của ông là bài thơ về tình bạn và tình bạn thời đại có một không hai trong Thi Ca Việt Nam thời Tiền Chiến: trong tình bạn này, gia đình bị bỏ lại bên ngoài. Trong bài thơ này, tâm thức nhiệt tình của trai thời thế, ngôn ngữ khí khái của người ngang dọc, thật hiếm hoi, đã thấy hiện lên bập bùng ngọn lửa từ một bó đuốc, thứ lửa khơi dậy giữa đồng, và lửa cháy trong lòng, trong huyết quản, của những cuộc đời đầy mộng tưởng bôn ba trong một miền sông núi cuồn cuộn chuyển mình:
Tống Biệt Hành
Ðưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Ðưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
– Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
1940
Bài này Thâm Tâm làm trong một tiệc rượu để tặng một người bạn đi kháng chiến trước ông, tên là Phạm Quang Hòa. Bữa tiệc do ông Hòa khoản đãi, có mời thêm hai người khác của nhóm tam anh, là Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Trong cuốn “Thâm Tâm và T.T.KH.” do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1991 ở Hà Nội, tác giả Hoài Việt viết như sau, theo lời kể lại của ông Hòa: “Ngày ra đi, bác có mời Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính cùng uống rượu chia tay. Buổi đó, ba nhà thơ đều có làm thơ tiễn bác… Bài Tống Biệt Hành chính là do Thâm Tâm viết để tặng bác. Cũng theo bác, bài đó có 4 câu cuối mà không hiểu sao tất cả các bản in từ trước tới nay đều bỏ sót.” (Thâm Tâm và T.T.KH trang 67-68). Bốn câu ấy như dưới đây, có đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, năm 1940, mà khi in ở trong Thi Nhân Việt Nam năm 1941, không thấy hai ông Hoài Thanh Hoài Chân chép vào:
Mây thu đầu núi gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm.
Chính do việc tác giả Thi Nhân Việt Nam bỏ đi 4 câu chót, mà sự truyền tụng sau này về bài Tống Biệt Hành đã thiếu sót. Cuộc tiễn đưa không diễn ra nơi một bờ sông, mà lại có tiếng sóng ở trong lòng, cho nên bờ sông ấy chỉ có, chỉ hiện lên giữa bốn người bạn quanh bàn rượu: Con sông Dịch, nơi Kinh Kha biệt Yên Ðan, vào Tần mưu việc lớn. Chia tay hôm nay nhưng lòng sống với Sử cũ. Cuộc phân ly không phải giữa hai người tình, đây là cuộc ly biệt gia đình. Người trai trong nhà dứt áo ra đi, bỏ lại những người đàn bà thương nhớ nhất: người mẹ, các chị và em gái. Mẹ âm thầm không nói. Chị khuyên nhủ đôi lời. Em gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay. Thế mà anh ta đi thực. Anh ta lo nghĩ lâu rồi, anh ta buồn từ chiều hôm trước, không phải anh ta mới nhất quyết vào sáng hôm nay…
Vọng Nhân Hành là một bài khác của Thâm Tâm nói rõ hơn nữa về tình bạn, và tình bạn thời đại. Mấy người trai tráng gặp nhau, mỗi người một chí, người nào cũng muốn “làm một cái gì” cho cuộc đời, cho đại sự. Thơ Thâm Tâm trong dòng cảm xúc này, gần với những tấm gương “giang hồ khí cốt” của các anh hùng Lương Sơn Bạc, những giấc mộng lấp biển vá trời của thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tầu.
Vọng Nhân Hành
Thăng Long đất lớn chí tung hoành
Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh
Một lứa chung tình từ tứ chiếng
Hội nhau vầy một tiếc quần anh.
Mày gươm nét mác chữ nhân già
Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa
Tay yếu đang cùng tay mạnh dắt
Chưa ngất men trời hả rượu cha.
Rau đất cá sông gào chẳng đủ
Nổi bùng giữa tiệc trận phong ba
Rằng: “Ðương gió bụi thì tơi tả
Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta!”
Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp, chân voi còn lận đận.
Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
Thằng bó văn chương đôi gối hận
Thằng thư trói buộc, thằng giã quê
Thằng phấn son nhơ chửa một về!
Sông Hồng chẳng phải xưa Sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”
Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
-Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.
(Tiểu Thuyết Thứ Bảy, 1944)
Thơ làm theo thể hành, là thể khẩu khí khích động, gần với hịch. Hịch dành cho quân sĩ, hành dành cho lãng tử, anh hùng. Nhận định về bài Tống Biệt Hành, hai anh em Hoài Thanh Hoài Chân viết trong Thi Nhân Việt Nam: “Ðiệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bay giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại.” (Thi Nhân Việt Nam, Novembre 1941, tr.290)
Cái “bâng khuâng khó hiểu của thời đại” nó nằm trong hai chữ “hờn câm” ở đoạn thơ 4 câu chót, mà ông Hoài Thanh đã bỏ đi. Hai bài thơ trên làm nên Thâm Tâm, người thi sĩ có giọng thơ hành hiệp của nam nhi thời chiến quốc, mặc dầu cuộc sống của ông không cho thấy điều đó. Nhưng thơ ông cho thấy điều đó:
Rầm trời chớp giật mưa mau,
Lửa đèn chấp chới, khói tàu mù u
Bốn phương đây bạn đó thù
Hiệu còi xoáy lộng bản đồ năm châu.
– A, cơn thảo muội bắt đầu
Tuổi xanh theo gió ngâm câu dặm dài…
(Thâm Tâm, Tráng Ca, 1944)
Còn gì rõ ràng hơn? Thơ ông không nhiều, song niềm thao thức về sự vận động của thời đại hiện ra rất rõ. Ông đã lên đường tham gia kháng chiến rất tích cực. Tích cực hơn là người ta biết. Ông từ trần trong một lán người Thượng (Lán Na Pò) trên vùng Việt Bắc, vì bị sốt rét ngã nước, trong khi đi công tác. Hôm ấy là ngày 18 tháng 8, 1950, ông vừa qua tuổi 33 được 3 tháng, 6 ngày (ông sinh ngày 12 tháng 5, 1917), và đang là Thư ký Tòa soạn tờ báo kháng chiến tên là Vệ Quốc Quân. Năm 1950 thanh niên đi kháng chiến chưa rõ lắm về các chủ trương của ông Hồ, coi việc kháng chiến là việc cứu nước đuổi thực dân xâm lược Pháp. Ðó là thời rực rỡ của những thơ văn thắm thiết tình Yêu Nước. Một phóng viên báo Vệ Quốc Quân kể lại như sau: “…Tới Cao Bằng, bỗng một hôm anh [Thâm Tâm] kêu mệt. Anh sốt, nằm ở một căn nhà sàn, gần biên giới… Tôi cũng tưởng anh chỉ sốt bình thường một hai ngày rồi qua khỏi. Ðến một buổi chiều, tôi được cử xuống đơn vị. Trước khi đi, tôi vào ngồi với anh một lát. Tôi nắm tay anh, thấy rất nóng. Mắt anh vàng hơn ngày thường. Anh bảo tôi đưa anh sang một chỗ nằm khác cho thoáng hơn. Tôi ôm lấy lưng anh, dắt đi. Anh vừa run lẩy bẩy vừa khẽ bảo:
– Mình thấy trong người thế nào ấy. Cậu đi khỏe nhé.
Tôi không thể ngờ đó là câu cuối cùng của anh nói với tôi. Ở đơn vị được một tuần, một hôm bỗng Thôi Hữu gặp tôi, báo tin là Thâm Tâm đã mất.” (Hoài Việt, Thâm Tâm và T.T.KH, tr. 19).
Trong tập Văn Học I, NXB Tác Phẩm Mới in tại Hà Nội vào năm 1985, Từ Bích Hoàng viết: “…dọc đường đi lên biên giới (thu 1950), khi tới Quảng Uyên thì Thâm Tâm bị sốt cao, anh em trong đoàn phải gửi anh lại… Anh được đưa vào một nhà sàn ở Nà Pò và được một chú liên lạc viên đêm ngày săn sóc chu đáo. Tuy ốm nặng nhưng anh không kêu than và cũng không giối giăng lại gì khi mất. Anh được chôn cất luôn tại bản Nà Pò. Chú liên lạc, sau khi anh mất, đã xin được bà con dân bản một mảnh vải trắng làm khăn tang và chỉ duy nhất đó là người để tang cho Thâm Tâm.” (trang 140).
Năm 1945 ông đã đi, góp cái thân thể nhỏ nhoi, thêm cánh tay gầy guộc cho kháng chiến. Nhưng kháng chiến không để lại gì trong thơ Thâm Tâm. Những gì ông để lại là những gì đã viết trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, giai đoạn từ 1937 tới khoảng 1944. Hào khí trong thơ Thâm Tâm có trước giai đoạn kháng chiến. Cái sức lực suy nhược ấy không cất nổi gánh nặng ở đời, nhưng biến thành Thơ, thành Hành, trở thành hào khí của những bài thơ, bài hành nổi tiếng nhất trong những bài thơ bài hành Việt Nam, về tâm huyết trai trẻ của một nước đang sống trong thời bị trị, mặc dù xung quanh tràn ngập những sáng tác lãng mạn, của một nền thi ca lãng mạn và tượng trưng, với những Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Bích Khê,… Rõ ràng Thâm Tâm thuộc dòng Thơ Chính Khí ngay từ đầu, và cho tới khi nằm xuống.