Con người lãng mạn trong Tống biệt hành – Trần Hà Nam

Không gian bi tráng. Ly biệt sầu thương. Nỗi buồn thăm thẳm cứ lấn át dần hùng tâm tráng chí người đi bằng cảm giác mất mát, đổ vỡ, hụt hẫng dâng đầy trong những dòng thơ của Tống biệt hành.
Tống biệt hành không nằm trong không khí của những cuộc ra đi của Tây Tiến, Đất Nước của giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nên tư cách tráng sĩ của ly khách hiện ra trong bài thơ thuần túy chỉ là hình ảnh con người lãng mạn cá nhân mà thôi. Dẫu rằng trong thực tế, người bạn của Thâm Tâm có thể lên chiến khu, nhưng từ nguyên mẫu đến nhân vật trữ tình trong thơ thường vẫn có khoảng cách nhất định. Huống chi cách xây dựng hình ảnh, khắc họa tâm trạng nhân vật ở đây hoàn toàn thuộc về thủ pháp lãng mạn. Có mượn thơ xưa cái không khí “đưa qua sông” cũng là để phân biệt với người của thời hiện đại không đưa qua sông. Có mượn bóng chiều cũng để nhấn mạnh ngoại cảnh không phải là tác nhân tạo nên nỗi buồn biệt ly, vì bóng chiều không thắm không vàng vọt, không buồn không vui.. Những từ đưa người, ly khách, người buồn, người đi … có thể nhận ra suốt trục dọc của bài thơ và nhấn nhá nhiều lần như một điệp khúc buồn. Sự thay đổi của thời đại và sự khác biệt trong tư tưởng đã làm nên hình bóng con người hiệp sĩ nhưng kiểu người ấy khác hẳn Kinh Kha ngày xưa ra đi diệt trừ bạo chúa. Bởi đọc kỹ những câu thơ Thâm Tâm, ta không biết được người ấy đi đâu, muốn làm gì cụ thể. Tất cả chỉ là để thỏa mãn khát khao :
Chí nhớn chưa về bàn tay không
                             Thì không bao giờ nói trở lại
Nhưng vì một lý tưởng cá nhân để sẵn sàng đánh đổi tất cả, dứt bỏ sợi dây ràng buộc của tình mẫu tử, chị em, anh em, bạn bè… có tàn nhẫn quá chăng? Đứng về lý, tác giả là người đồng tình cùng ly khách, trong những lời cảm khái. Nhưng nếu chỉ có vậy, người ra đi sẽ có bộ dạng của một kép hát trên sân khấu. Thâm Tâm đã nghiêng về mặt tình cảm, hòa nhập với tâm trạng người trong cuộc để diễn tả những khoảnh khắc của chiều hôm trước, sáng hôm nay và của cả buổi chiều hiện tại với nỗi buồn đứt ruột cố nén trong lòng kẻ ra đi. Để biết rằng người ấy không phải là kẻ một dửng dưng . Khổ kết nghẹn ngào như một lời trăng trối gửi về mẹ, chị, em với những hình ảnh so sánh chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say đầy những ám ảnh thân phận. Và đó cũng là cách cắt nghĩa cho thái độ dửng dưng đến lạnh lùng trước đó.
Bốn năm sau khi viết Tống biệt hành, Thâm Tâm đã viết Vọng nhân hành (1944) có những câu:
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề…”

Có lẽ phải bắt đầu từ tâm thế thời đại ấy, chúng ta mới cắt nghĩa được phần nào tứ thơ của Tống biệt hành. Vào những năm bốn mươi của thế kỷ XX, trên thi đàn lãng mạn Việt Nam, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính có một hơi thơ giống nhau : “Nằm đây thép rỉ son mòn – Cái đi mất mát, cái còn lần khân” (Độc hành ca – Trần Huyền Trân); “Ta đi nhưng biết về đâu chứ – Đã nổi phong yên lộng bốn trời – Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ – Uống say mà gọi thế nhân ơi” (Hành phương Nam – Nguyễn Bính). Phải chăng, khi cuộc sống thực trở nên bức bối ngột ngạt, các nhà thơ thời ấy khao khát một cuộc ra đi? Nhưng phần lớn những khúc hành, ca chỉ là một sự giải tỏa tâm trạng bức bối, trong khi cuộc sống thực của các nhà thơ cứ quẩn quanh trong khuôn đời chật hẹp. Tinh thần ấy đã từng được nói lên rất rõ trong thơ Hàn Mặc Tử : “Đi, đi, đi mãi nơi vô định – Tìm cái phi thường, cái ước mơ”(Đời phiêu lãng). Nhân vật người đi trong Tống biệt hành dù có gợi lại không khí cổ xưa, dù cố gắng gượng chống chọi tiếng thổn thức sâu thẳm từ tâm hồn bằng dáng vẻ kiêu dũng bề ngoài, cũng vẫn chỉ là sản phẩm thuần túy lãng mạn. Người đọc thẩm thấu thêm chất “bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh, Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam) từ bài thơ của Thâm Tâm, để trân trọng những tấm lòng biết hướng về những điều cao cả, như một sự phản ứng lại xã hội tầm thường tù túng lúc bấy giờ. Vì vậy nỗi buồn của người đi (cũng là tâm trạng của chính Thâm Tâm) rất đáng quý.
Trần Hà Nam

(Giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Qui Nhơn, Bình Định)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *