Chuyển thể bài thơ Tống biệt hành – Phan Ðức, Huệ Thu, Hà Thượng Nhân

1. Thử dịch (hay chuyển thể) bài thơ Tống Biệt Hành

Lâu nay, thơ dịch thường được hiểu là dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác nhưng cách đây vài năm, nhà văn Võ Phiến hiểu theo nghĩa mới là dịch tức là chuyển từ thể thơ này qua thể thơ khác…. Trong một bài viết có đề cập bài Tống biệt hành của Thâm Tâm, nhà văn Võ Phiến cho là bài thơ này khó mà dịch ra thể Lục Bát, vốn là một thể thơ du dương êm dịu, nên không thể nào diễn tả hết giọng thơ rắn rỏi như thể thơ 7 chữ. Thơ dịch do đó cũng là một dạng thơ mà nhà thơ Huệ Thu gọi là thơ chuyển thể. Tôi xin tạm chuyển thể Tống Biệt Hành thất ngôn qua Lục Bát,dù thể thơ này đúng như nhận xét của nhà văn Võ Phiến, là khó nói lên được nỗi niềm dứt khoát, mạnh mẽ mà nhà thơ Thâm Tâm gửi gắm:

Tống Biệt Hành

Đưa người,ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Đưa người,ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
-Ly khách ! Ly khách ! con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong

Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay
Trời chưa vào thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi ? Ừ nhỉ, người đi thực !
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chi thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.

Thâm Tâm

Bài chuyển thể :

Đưa người, chẳng đưa qua sông
sao lòng ta sóng bềnh bồng mênh mang ?
chiều không thắm, chẳng võ vàng
sao đầy trong mắt bóng hoàng hôn rơi ?
đưa người, chỉ người ấy thôi
gia đình giã biệt, không lời dửng dưng

này ly khách đó con đường!
chưa về chí lớn tay không xá gì
thề không trở lại bao giờ
ba năm dù mẹ đợi chờ cũng không

biết ngươi hôm trước chiều buồn
chừ sen mùa hạ nở luôn ngay liền
một chị hai chị như sen
còn dòng lệ sót khuyên em lúc này

ngưoi buồn ta biết sáng nay
trời chưa thu vẫn thắm đầy tươi thay !
biếc đôi mắt em thơ ngây
nỗi niềm thương tiếc khăn tay gói tròn

người đi ? Ừ nhỉ ! Lên đường
mẹ thà như chiếc lá buông cành gầy
chị thà như hạt bụi bay
em thà như ruợu say say cay nồng !

Phan Đức

(DHN.)

Nhận và đọc bài thơ Tống Biệt Hành chuyển thể (dịch chữ của Võ Phiến) của thi hữu Phan Ðức, tôi chợt nhớ cách đây gần 17 năm tôi đã “dịch” bài này ra thể Lục Bát và Hát Nói … Nhân có bài của Phan Ðức, tôi cũng xin được chuyển bài này , và xin chuyển lại bài Tống Biệt Hành mà tôi đã đọc (có thêm một khổ) để trình quí thi hữu và thi khách của quán thơ:

Tống biệt hành

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…

-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

THÂM TÂM 1940

*
Huệ Thu dịch :
bài viết riêng tặng Võ Phiến,
người có ý nghĩ rất ngộ nghĩnh về việc “dịch thơ”

Ðưa người cần chi qua sông
Cũng nghe tiếng sóng trong lòng dội lên

Bóng chiều như mặt thuyền quyên
mà nơi khóe mắt đọng nghiêng nắng tà
đưa người ta đưa người ta
đưa như một kẻ xa nhà dửng dưng

Người ơi ! Lối nhỏ chớ dừng
Chí cao chẳng ở tay không bao giờ
Ðừng nhìn lại xóm nhà xưa
ba năm Mẹ có đợi chờ , kệ thôi !

Buồn thì hôm trước buồn rồi
Bây giờ là Hạ sen ngời đóa hoa
Hãy chào chị hai, chị ba
Chào thằng em út và sa chút buồn

Buồn từ sáng sớm tinh sương
Run chăng gió Hạ qua hồn tưởng Thu !
Thấy mà trong mắt âm u
Khăn tay thấm lệ chút sầu đem theo

Người đi ! Ồ nhỉ ! Buồn hiu
Mẹ coi như chiếc lá vèo trong cây
Chị coi như bụi vừa bay
Em coi như chút rượu cay đắng lòng

Mây Thu, gió núi và trăng
Hình như trời lạnh lâm thâm bóng nhòa
Ðưa người ta đưa người ta
Xôn xao bước động ngỡ là tiếng than !

Huệ Thu

(trích Sương Chiều Thu Ðọng xuất bản 1991 tại Mỹ)

Chuyển qua Hát Nói :

Mưỡu

Người đi chẳng tiễn qua sông
Mà nghe tiếng sóng trong lòng là sao
Buổi chiều hôm đó thế nào
Hoàng hôn bỗng thấy đầy trào mắt ai

nói :

Ðưa người cách mạng *
Bỏ gia đình mà vẫn dửng dừng dưng
Khách khi đi nào biết đâu chừng
Chí chưa đạt thì đừng hồi hương

Ra đi thưa mẹ một con đường
Bảy thước thân trai không ngã rẽ

Người lữ khách sao buồn hôm trước nhỉ ?
Nghĩ mùa hè sen tàn rồi nở nốt
Một chị Hai em thêm đứt ruột
Lệ rớt còn đem tiễn em trai chăng ?
Người đi chàng trẻ Ngũ Lăng
Trên vai quẫy một vầng trăng vời vời **

Huệ Thu
sunnyvale 1992

* bài này Thâm Tâm viết tặng nhà thơ Lương Trúc , cụ Lương Trúc lúc đó bỏ nhà cửa vợ con theo cách mạng . (cụ đã mất mấy năm nay)
** bài hát nói câu kết là câu 6 chữ, nhưng tôi thêm một câu cho “tròn” ý mình!

Huệ Thu

Bác HTN nho HT chuyển :Bài “dịch” của Hà Thượng Nhân :

Bài Hát Tiễn Người

Ðưa người chẳng cứ qua sông
Vẫn nghe tiếng sóng trong lòng xôn xao
Bóng chiều không thấp không cao
Không vàng không thắm trôi vào mắt trong

Ðưa người người có biết không ?
Phẩy tay là chuyện dửng dưng thế tình
Ôi con đường nhỏ chạy quanh
Tay không, chí lớn, không thành, còn đi!

Trở về mà để làm chi
Ba năm mẹ cũng đừng vì con mong.
Người buồn hôm trước phải không
Sen tàn nở nốt mấy bông cuối mùa.

Hôm nay người lại buồn chưa?
Mùa Thu chưa tới, nắng thừa màu tươi
Em thơ mắt ngẩn ngơ cười
Gói tròn thương tiếc cho người chiếc khăn

Người đi, ừ gót phong trần
Mẹ thà coi giống một lần lá bay
Chị thà như hạt bụi này
Em thà như chén rượu cay ai mời

Trăng Thu đầu núi sáng ngời
Ðã nghe cơn lạnh bời bời ruột gan
Ven trời ly khách tần ngần
Lệ nghe muốn chảy mà câm hồi nào?

Hà Thượng Nhân

Nguồn: http://www.trasonthidan.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *