Kính thưa các nhà văn nhà thơ, kính thưa các quý khách, kính thưa đại diện gia đình nhà thơ Thâm Tâm!
Hôm nay Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình nhà thơ Thâm Tâm làm lễ ra mắt những tác phẩm văn xuôi của Nhà thơ Thâm Tâm. Có lẽ có một điều đặc biệt là chúng ta làm lễ ra mắt sách của một nhà thơ đã mất. Tôi có cảm giác là ông đã mất rất lâu rồi, lâu như câu chuyện cổ tích, ngay từ lúc ban đầu yêu thơ ca, đến với thơ ca, chúng tôi đã được đọc những bài thơ của ông “Tống biệt hành”, “Chiều mưa đường số 5”và các tác phẩm khác, và lúc đó tôi mang cảm giác thơ của ông đã có từ hàng trăm năm hay hàng nghìn năm. Nhưng hôm nay ông đã trở về đây, về ngôi nhà văn chương, trong trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, nơi ông cùng các nhà văn tiền bối đã gây dựng lên giá trị của văn chương Việt Nam, tư cách của văn chương việt Nam và những tư tưởng lớn của văn chương Việt Nam còn lại. Trước kia trong ký ức chúng tôi hồi trẻ chỉ nghĩ rằng Thâm Tâm là một nhà thơ, và cho đến bây giờ chỉ cần một vài bài thơ của Thâm Tâm thôi đã dựng ông lên như một nhân vật, như một nhà thơ rất lớn của thời đại đó và cho đến hôm nay.
Nhà thơ Thâm Tâm mất khi còn rất trẻ, tôi muốn đặt một câu hỏi rằng những năm tháng đó, cái thời đại đó, nhà thơ Thâm Tâm cùng rất nhiều các nhà văn nhà thơ khác, họ viết khi còn rất trẻ, trên dưới 30 tuổi, nhưng tại sao họ để lại những tác phẩm lớn như vậy, mạnh mẽ ấn tượng như vậy, cho đến bây giờ chúng ta đọc vẫn nể phục và đôi khi kinh ngạc. Chính vì họ đã làm cho chúng tôi, thế hệ hôm nay, phải nhìn lại mình và những thế hệ trẻ và đặt một câu hỏi: Trong thời đại quá nhiều điều kiện sống, quá nhiều điều kiện dân chủ tự do công bố tác phẩm và có nhiều điều kiện khác hơn, tại sao văn học Việt Nam vẫn có cảm giác những bước đi đầy lúng túng, đầy khó khăn như hiện nay. Cái gì làm nên điều đó? tôi chắc chắn hiện nay những người trẻ trên dưới 30 tuổi sẽ đọc hơn gấp mười lần, gấp trăm lần những tác phẩm mà Thâm Tâm đọc, bởi vì ngày nay tất cả các tác phẩm kinh điển của thế giới, những tác phẩm hay nhất của thế giới, những tác phẩm cập nhật nhất của thế giới đều được dịch ở Việt Nam. Vậy mà ta vẫn đợi chờ một nhà văn, một nhà thơ như Thâm Tâm, như Nguyên Hồng, như Vũ Trọng Phụng và những nhà văn thời ấy.
Ở đây, chúng ta đặt một câu hỏi: Vậy thì điều kiện sống, điều kiện về kiến thức, điều kiện thông tin có đủ làm nên nhà văn lớn hay chưa? Chưa đủ. Tôi nghĩ thời đại của Thâm Tâm và những nhà văn trước đó có tư thế và tâm thế hoàn toàn khác. Họ bước vào, dấn thân trọn vẹn với văn chương, họ yêu con người đến tận cùng, họ đau đớn đên tận cùng, và họ nghĩ đến sứ mệnh của họ đến tận cùng. Cộng tất cả những điều đó lại đã giúp họ tạo ra tác phẩm của họ. Hiện nay chúng ta sống khác đi, ích kỷ hơn, tham lam hơn, ngạo mạn hơn, chính vì thế đã giết chết văn chương của chúng ta. Lâu nay tôi vẫn đặt ra câu hỏi: Ban chấp hành Hội Nhà van có 11 người, nếu có 110 người cũng không có khả năng làm cho nhà văn viết hay hơn. Mỗi nhà văn phải nhận thức điều đó.
Tôi nghĩ về các nhà văn nhà thơ, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến, họ bước vào cuộc chiến tranh như một nhà văn nhà thơ thực thụ, với tâm thế và tư thế của họ. Chính tinh thần, tư cách lớn lao cao cả của họ cộng với tất cả những điều khác đã làm cho những tác phẩm của họ còn lại với chúng ta.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm Thâm Tâm, không chỉ nói cụ thể tới những tác phẩm của ông, mà chúng ta nhìn lại cả thời đại văn chương, nhìn lại giá trị văn chương, để cho tất cả những người cầm bút bây giờ, đặc biệt là những người trẻ, phải suy nghĩ lại sự cầm bút của mình, lương tri mình, tâm hồn mình, sứ mệnh của mình và trách nhiệm xã hội. Hy vọng chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi trong đầu mình: Tâm thế nào mà Thâm Tâm thời đó đã có một khối lượng văn xuôi khổng lồ trong những năm tháng đói rét, chiến tranh, bệnh tật, đất nước còn bao nhiêu tai họa. Thâm Tâm, cùng những nhà văn thế hệ ông và sau đó nữa, đã làm nên những trang sử của văn chương hiện đại thật lộng lẫy.
Hôm nay chúng ta ở đây để ra mắt những cuốn sách văn xuôi của ông. Xin cảm ơn gia đình nhà thơ Thâm Tâm, cảm ơn anh Văn Giá, chị Thanh Hương, những người đã nỗ lực hết mình để có thể làm nên bộ sách của Thâm Tâm, để chúng ta nhìn thấy Thâm Tâm trong một vị trí khác hơn nữa, một tầm cao khác hơn nữa và những điều khác hơn nữa hệ trọng đối với văn chương Việt Nam. Đây cũng là dịp chúng ta kỷ niệm để tưởng nhớ, tôn vinh ông và chúng ta nhìn lại đời sống văn học hiện nay. Tôi nghĩ rằng đây là một việc vô cùng quan trọng và niềm vinh hạnh của Hội Nhà văn. Chúng ta dã có dịp xác lập lại một lần nữa giá trị Thâm Tâm để tôn vinh ông, truyền bá tinh thần và tư tưởng của ông, đặc biệt là truyền bá khát vọng sống, khát vọng sáng tạo, sự dâng hiến cho văn chương và cho con người của Thâm Tâm. Để rồi, mỗi nhà văn trong thời đại mới hiện nay, đặc biệt là các nhà văn thế hệ trẻ cần phải nhìn lại, cần phải xem xét nếu muốn bước tới, nếu muốn 50 năm sau, 100 năm sau những thế hệ sau còn nói về họ.
Xin kính chúc các nhà văn nhà thơ mạnh khỏe, Xin cảm ơn sự hiện diện của các anh chị trong buổi lễ giản dị, long trọng và ý nghĩa này trước một nhà văn nhà thơ đã khuất, Tôi có cảm giác như ông ở một thời đại rất xa xôi, như trong tiền sử, trở về với vẻ đẹp lộng lẫy, huy hoàng và còn nguyên giá trị trong đời sống của chúng ta, trong ngôi nhà của chúng ta, trong đời sống đất nước hiện nay, làm xác lập những giá trị đang bị đánh tráo, nhằm tháo gỡ nguy cơ làm cho các giá trị đó bị biến mất.
Xin cảm ơn!