Ba nhà thơ, một thời ở Cổng trắng Khâm Thiên – Ngô Văn Phú

Trần Huyền Trân, có câu thơ tự giới thiệu nơi ở của mình thuở trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong bài: “Mưa đêm lều vó”:
Tôi ở lều tranh, Cống Trắng này,
Chạnh lòng cá nhảy với chim bay
Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
Giăng phải hồn tôi một lưới đầy!

Nhà văn Thanh Châu, một người bạn thân của nhóm Tam anh (ba người tài hoa) ở Cống Trắng Khâm Thiên Trần Huyền Trân – Nguyễn Bính – Thâm Tâm, khi viết về người bạn thân họ Trần này như sau:

“Quãng 1938-1939, tôi mới gặp Trần Huyền Trân cũng như Thâm Tâm… Và khi đã quen đã thân, tôi mới biết tên thật của Trần Huyền Trân là Trần Kim, và tên thật của Thâm Tâm là Nguyễn Tuấn Trình. Hai ông này luôn có đôi ở bất cứ đâu, họ quấn quýt nhau vì cùng nghiệp thơ văn, nhưng còn vì hoàn cảnh gia đình, vì bản thân mỗi người, rất gieo neo trong đời sống.

Trần Kim mồ côi sớm, mẹ chỉ có một cái lều vó kiếm cá, quăng đầm ao sau Cống Trắng phố Khâm Thiên. Trần Kim làm đủ nghề để nuôi em, đỡ mẹ, dạy tư mở báo Bắc Hà với một số bạn, đều thất bại. Có lần anh còn làm thợ chiếu phim, được thuê đi chiếu khắp nơi, rốt cuộc cũng về tay trắng.

Ngày nay ai qua phố Khâm Thiên, rẽ vào ngõ Văn Chương, thấy những nhà cao tầng, những cơ quan, trường học, nhà cán bộ từng ngăn riêng biệt, dáng dấp có cái như biệt thự, mấy ai ngờ đó là ao đầm ngày trước chỉ chứa đọng nước tù, bèo sen với bóng con thuyền thúng hái rau muống mà nhà thơ gọi đó là rau tần…”. (Trần Huyền Trân, tài hoa và bất hạnh – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1992, trang 30, 31).

Cái gian lều hẹp nhà Trần Huyền Trân được ba người bạn, ba nhà thơ nghèo thường tụ họp gọi cái tên sang là gác Sơn Nam… Thuở ấy, nhiều nhà thơ hay đề ở dưới bài thơ những lầu, những gác kiểu như thế: Lầu Hoàng Hoa, Gác Linh Hương v.v… Trong một bài thơ tặng Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính nhớ lại cái thời nhóm Tam anh ở Cống Trắng Khâm Thiên đầy kỷ niệm:

Nhớ xưa thời còn trẻ,
Thâm Tâm, cậu và mình
Không đào viên kết nghĩa
Nhưng cũng thành Tam anh.
Tiếng tăm thật là nổi
Nhưng cũng thật là nghèo.
Gác Sơn Nam nhịn đói,
Nằm đọc thơ người yêu.
Hễ có tiền trong túi
Là chén như ông Hoàng
Đập vỡ quán Lã Vọng
Đốt cháy Lầu Mộng Hoàn
Những lúc trốn nợ phố
Trở về đầm Liên Hoa
Gió buốt chân kỳ ký
Mưa run lều mẹ già…

Theo thơ của Nguyễn Bính thì nhóm Tam anh này tụ tập ở nhà Trần Huyền Trân, Cống Trắng Khâm Thiên, dẫu thời đó cả ba đều nghèo, nhưng, bởi họ cùng là những người viết văn, viết báo. Họ thường viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, và cũng thường viết sách cho nhà sách Tân Dân mà ông chủ là Vũ Đình Long, có tiếng. Cho nên có bữa “Gác Sơn Nam nhịn đói, nằm đọc thơ người yêu…”, nhưng khi có nhuận bút thì họ cũng kéo nhau đi hưởng những thú vui của đám người tài tử đương thời. Đó là “Đập vỡ quán Lã Vọng”… Lã Vọng tức là quán chả cá nổi tiếng… và “Đốt cháy Lầu Mộng Hoàn”.

Mộng Hoàn là một chủ cô đầu (hát ả đào, ca trù) nổi tiếng ở Khâm Thiên, tức là Tam anh cũng rủ nhau đi, không phải “Chiến Lã Bố” như một chương của Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị, Trương Phi, Quan Văn Trường, mà đi hát ở xóm cô đầu…

Cái đầm Liên Hoa, đầm hoa sen, đâu có phải là sen thật như ở Hồ Tây, mà đó chỉ là cái đầm đầy bèo Nhật Bản (còn gọi là bèo sen), mà thôi… Có lẽ thời gian này là thời gian kiết xác nhất của mấy chàng thi sĩ… Trần Huyền Trân cũng có bài “Gió gác Sơn Nam” viết năm 1943, nhớ lại thời kỳ không thể quên này:

Gió lên về gác Sơn Nam,
Áo thơ gió thổi, đèn tàn gió lay.
Ý thơ lộng gió còn bay
Ba ta ba chiếc bóng gầy. Đèn khuya.
Đêm dài tù túng đi về
Ngọn đèn trang giấy còn chia cái nghèo.
Dầu hao, bấc lụi, gió vèo
Cháo rau ấm bụng, thơ gieo ấm lòng.
Gác Sơn Nam, gác đèo bòng,
Có ba mái tóc bềnh bồng bên nhau.
Gió đời chưa nổi biển dâu
Gió trời thổi mãi mái đầu nằm mơ
Sơn Nam, những ngày gió lộng, 1943 Nhưng những năm tháng này, dẫu nghèo túng, họ gắn bó bên nhau, làm văn, làm báo và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, đều nở rộ ở thời kỳ này…

Tập Rau tần của Trần Huyền Trân, tập thơ đã làm nên phong cách riêng và sự nghiệp thi sĩ của ông, đại bộ phận cũng viết ở giai đoạn này. Những bài thơ nổi tiếng Mưa đêm lều vó (1938), Với Tản Đà (1938), Sầu chung (1942), Đêm trừ tịch (1943), Đôi ta (1943), Chiều loạn (1943), hầu hết được viết trong gác Sơn Nam, ở Cống Trắng Khâm Thiên…

Trần Huyền Trân còn viết văn xuôi… Những truyện vừa Đời kỹ nữ (1940) và Kẻ phụ tình (1939), sau này được Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 1990, chứng tỏ sức viết của ông thời này khá dồi dào…

Còn Thâm Tâm, thời này nổi tiếng với thể hành, một loại tráng ca đầy hùng khí. Nhận xét về thơ Thâm Tâm, Hoài Thanh viết: “Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài thơ dưới đây (tức bài Tống biệt hành – NVP) lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ.Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học 1988, trang 284).
Những Tống biệt hành (1940), Vọng nhân hành (1944), Can trường hành (1944), Tráng ca (1944), Vở kịch một hồi Sương tháng tám của Thâm Tâm in trên Tiểu thuyết thứ bảy của nhà in Tân Dân, năm 1939, đều xuất hiện cùng lúc với những tác phẩm của Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Thơ Thâm Tâm với một tâm trạng khao khát muốn đi tìm đường, muốn có những đổi thay, được lớp trẻ đương thời rất thích, tìm thấy ở đó có tâm trạng của mình”.

Nhưng thời kỳ này, Thâm Tâm còn rất nổi tiếng trong vụ việc những bài thơ tình “Hai sắc hoa Ti-gôn”, “Bài thơ thứ nhất” “Bài thơ cuối cùng”, của T.T.Kh cùng bài thơ Các anh của Thâm Tâm viết trả lời Bài thơ cuối cùng của T.T.Kh… mà những nghi vấn về tác giả T.T.Kh. là ai, còn treo lại đến tận bây giờ…

Thế là cái thời “Cống trắng Khâm Thiên” là thời kỳ, dẫu gian nan, nghèo khó, nhưng có thể coi là thời rực rỡ nhất của nhóm Tam anh…

Nhóm “ba người tài hoa”, hoặc theo cách nôm na là “ba anh chàng” này, không hẹn mà gặp, còn đi xa hơn nữa. Bởi sẵn có những suy tư, những khát khao về những chuyển động của thời cuộc, nên cả Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, đều hướng về cách mạng.

Trong bài Thay lời nói đầu, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: “Vào đầu mùa hè năm 1945, trong lúc Hà Nội mỗi ngày vẫn đầy xác người chết đói, một hôm trên căn gác nhà anh Nguyễn Huy Tưởng, sau chợ Đức Viên, tôi được cùng mấy anh trong Hội Văn hóa cứu quốc soạn bài cho tờ Tạp chí Tiên Phong số 1.

Báo bí mật nên bài vở gửi đến cũng không ký tên thật, chúng tôi làm công tác biên tập, không ai hỏi nhau điều gì tò mò về tác giả, tuy đọc văn nhưng cũng thầm đoán được phần nào. Tôi còn nhớ, phần nghị luận, mở đầu là bài Văn hóa là gì? (của anh Đặng Thai Mai), phần truyện có Buổi chiều xám (của Nguyên Hồng) và đến phần thơ, thì bài được chọn là Những người chưa chết, sau này sửa tên là Chân trời đã rạng – Riêng tôi lúc ấy, chưa biết tác giả là ai và cũng chưa hiểu nhiều về thơ, nhưng đọc những câu lục bát ấy, tôi nghe những lời thơ như những bàn tay nắm lại, bài thơ nặng sức dồn chứa của tình hình như nồi nước sôi lúc bấy giờ…”. Bài thơ ấy của Trần Huyền Trân.

Và những năm ấy, Trần Huyền Trân đã tham gia những nhóm bí mật của Hội Văn hóa cứu quốc, một tổ chức tập hợp các trí thức, văn nghệ sĩ của Mặt trận Việt Minh… còn Thâm Tâm,  tháng 8/1945 cũng tham gia ở Hội Văn hóa cứu quốc và còn là biên tập viên của Báo Tiên Phong; Nguyễn Bính, được Tô Hoài kể lại trong lời giới thiệu tuyển tập thơ Nguyễn Bính (văn học, 1986), trong một lần đi Sài Gòn với nhà thơ và nhà viết kịch Vũ Trọng Can vào Sài Gòn: “… Chỉ đi ăn vài bữa cơm thố, bấy giờ cơm thố còn là loại cơm mạt hạng, thì lại hết tiền. Ngày ấy cạn túi lắm mới phải đi quán cơm thố của mấy chú chiệc chợ cũ…

Ít lâu sau, Vũ Trọng Can và tôi trở ra Hà Nội, còn Nguyễn Bính ở lại và trôi nổi cho tới Tổng khởi nghĩa 1945…”. Ba chàng trai bạn thân thường tụ tập ở nhà Trần Huyền Trân, ở gác Sơn Nam, Cống Trắng, Khâm Thiên đều đi theo cách mạng… nhưng mỗi người một nẻo đường kháng chiến.

Thâm Tâm vào bộ đội rồi làm Thư ký tòa soạn Báo Vệ Quốc Quân và mất ở Việt Bắc năm 1950. Nguyễn Bính ở lại tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, mãi năm 1954 mới tập kết ra Bắc. Còn Trần Huyền Trân, tham gia kháng chiến ở Việt Bắc và dần dần chuyển hẳn hoạt động sang ngành Sân khấu.

Những năm này, họ tiếp tục làm thơ và có những bài thơ được lưu truyền mãi về sau. Trần Huyền Trân có Hải Phòng 19/11/1946, Nguyễn Bính có Tiểu đoàn 307, còn Thâm Tâm có Chiều mưa đường số 5.

Nghe tin Thâm Tâm mất, Trần Huyền Trân làm thơ khóc bạn:

Về khuya, mưa bụi như sương,
Tôi đi còn vọng trên đường bước anh.
Mưa xuân từng hạt long lanh
Ai hay bông ngát hương tình ngày mai.
Ai hay giá lạnh đôi vai,
Lòng tôi ấm những tên người bạn xưa.
Mùa xuân đã biếc trên mồ,
Rừng xanh thác đổ… bây giờ biển xanh.

(Đi dưới mưa xuân)

Năm 1954, Nguyễn Bính về gặp lại Trần Huyền Trân. Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, anh họ Nguyễn Bính nhớ lại: “Tôi gặp lại Trần Huyền Trân tại nhà Nguyễn Bính – một căn phòng nhỏ ở phố Lê Văn Hưu, dạo ấy, Nguyễn Bính đang viết truyện thơ “Am Cô Son” (một cô gái ở vùng Hồ Tây được tuyển làm cung phi của Minh Mạng, nhưng vì dám ngẩng mặt nhìn vua, nên mắc tội “khi quân” và bị đuổi về quê với điều kiện “suốt đời không được lấy chồng”.

Trần Huyền Trân dạo ấy đang quản lý đoàn chèo Cổ Phong. Trân và Bính, hai người bàn nhau viết một vở chèo (tức là vở “Cô Son”, vở này về sau có sự tham gia của một người khác, được Đoàn chèo Hà Nội công diễn…”. Tình bạn của họ khăng khít như thế đấy.

Nhận xét về sự nghiệp thơ ca của bộ ba Tam anh, thiết tưởng không gì bằng những lời của Tô Hoài, một trong những người bạn cùng thời với họ khi Tam anh đều là những nhà thơ lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, viết về phong trào thơ mới: “Ở trường thơ ấy, mỗi người đã thể hiện một phong cách độc đáo. Thâm Tâm và Trần Huyền Trân sừng sững và cũng cô đơn như gốc đa, như con đò một mình. Nhưng thơ Nguyễn Bính in đậm ảnh hưởng vào thơ các bạn bè và gây không ít dư âm trong lòng của một lớp độc giả rộng rãi”. (Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986, trang 24).

Ngô Văn Phú

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *