ÁO BÀO GỐC LIỄU
Giữa những ngày người thơ đang sôi nổi hăng say với ái tình mới mẻ, với viễn miên mộng ước, với những đắm đuối mơ màng tứ lạ hồn riêng trong cuộc thay da đổi thịt gió Á mưa Âu, đã có ba chàng “Áo bào gốc liễu” Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm tụ họp với nhau giữa làng thơ. Người đến như trái âm nghịch phách. Người đến với ngang tàng phẫn uất, với kiêu bạc bi hùng. Người đến sẻ cho ta cái mộng anh hùng vãng xa lỡ dở. Đã lâu lắm rồi cái ngày tráng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy tiễn thơ thái tử, đã qua cái thời những chinh phu “áo chàng đỏ tựa ráng pha” (Đặng Trần Côn), chợt nay sống lại, ngay giữa làng Thơ mới đương thời chuyển vận, bao nhiêu dư vị cổ kính của một cảm hứng lãng mạn “tráng sĩ hành.”
Người thi sĩ đầu tiên, mà cái tên đã quen lắm với chúng ta nhưng chí hướng hãy nhiều phần ẩn khuất, là Nguyễn Bính, “thi sĩ chân quê”. Đời nhớ Nguyễn Bính ở cái tình quê duyên quê đằm thắm đôn hậu, nhưng ngoài làm anh trai quê kín đáo hiền lành, người còn chí khí của bậc anh hùng giữa đám quần thoa. Bắt đầu từ ngày người ôm mộng công danh khoa cử:
“Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh qui về làng.”
Mộng ấy đẹp lắm, một mộng nam nhi. Nhưng Nguyễn Bính đã là con người mới, của thời đại mới mất rồi. Thế thời thời thế như cái lồng son giam cánh con chim bằng, nợ nước mây nặng vay chưa trả, vòng danh lợi ghì thân cơm áo:
“Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may”.
Phận tài tử “trí thân vào nợ nước mây” đã những mơ cao, đã những mơ xa. Người vọng tưởng để rồi hụt hẫng nhận ra kẻ anh hùng thuở trước lệch vênh thế nào với thân tài tử bây giờ:
“Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay?
Mơ gì Áp Tiết thiêu văn tự
Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây!”
Toàn bộ thi nghiệp của người, phỏng chừng độ được một hai bài hành ngật ngưỡng giọng trượng phu hảo hán như “Bài hành phương Nam.” Nhưng độ một hai bài đó thôi, ta bỗng thấy một Nguyễn Bính thật khác. Một kẻ sinh bất phùng thời, một người tráng sĩ vóc cao muôn trượng, một khách giang hồ thoát lên vòng luẩn quẩn cơm áo:
“Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,
Hát rằng phương Nam ta với ngươi.”
Với Trần Huyền Trân, nhà thơ “vẩy bút làm mưa gió”, người đến thi đàn có phần lỡ muộn, lại đôi độ thờ ơ như vãng khách rong chơi. Vậy mà vẫn kịp cho Hoài Thanh phải mở cửa “Thi nhân Việt Nam” đã toan đóng lại mà ghi vội một danh “những vần thơ hiền lành mà ít nói yêu đương.” Kể cũng lạ, tiếp người vào cửa làng thơ, ta thấy gương mặt người đâu mấy hiền lành. Rõ là mặt một lãng khách trông vời trời bể:
“ Đêm nay cùng đổ bụi giầy
Miệng cười ha hả, thơ mày rượu tao
Say đời nhắm lẫn chiêm bao
Thơ ra miệng dại, sầu vào mắt điên”.
Và hơn nữa, là một kẻ giang hồ đương phẫn uất gánh công danh thế thời:
“Nẻo về chật chội áo cơm
Dặm đi động lại từng cơn lá rừng
Lòng ta không sóng không dừng
Thơ vang lại vướng mấy tầng cửa quan”
Hào kiệt mà chẳng gặp thời, ví bằng phận hùm thiêng sa cơ, chim bằng cắt cánh. Nhưng kẻ anh hùng hơn lũ người trần mắt thịt ở chỗ, dẫu có phẫn hận, có cay đắng ngột ngạt, vẫn vẹn nguyên chí khí ngang tàng kiêu bạc như thế:
“Mắt trong ví chọc cho mù
Thì đen bạc đấy cũng ừ vàng son
Cười xòa giờ vẫy nước non
Tay chừng cũng ngượng chẳng còn gió bay”
Nguyễn Sĩ Đại đã chẳng sai khi nói trong cái phẫn chí của Trần Huyền Trân tiềm tàng “cái tao nhã khí khái của một thái độ sống tích cực”. Chẳng vậy mà người, dẫu đau đời đấy mà vẫn yêu đời đấy, căm đời đấy mà vẫn mê say với đời. Và hơn cả thế, rất sẵn một sĩ khí sau này ta mới tỏ tường trong đường người đi theo Cách mệnh:
“Hãy công chiến đề chung trang giấy
Cất bút cho dòng chữ kiếm reo.”
Người cuối cùng là Thâm Tâm, đã đem lại cho thi đàn một “Tống biệt hành” ta ví như “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu vậy. Chỉ một “Tống biệt hành” ấy người thơ đã lưu danh muôn thuở, và vụng nghĩ cũng chỉ cần một “Tống biệt hành” ấy, ta đã thấy trọn vẹn lắm cái bóng kiêu hùng người thi sĩ lồng lộng đổ xuống một đời thơ.
Tráng sĩ là ai? Một chàng hào kiệt nuôi chí tang bồng:
“- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!”
Song, cũng một con người rất đời, rất thường, có phần riêng tư ủy mị:
“Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Và trên tất cả là một kẻ sĩ khinh thế ngạo vật, một hào khí bừng bừng sục sôi
“Phiếm du mấy chốc đời như mộng:
Ném chén cười cho đã mắt ta
Thà với mãng phu ngoài bến nước
Uống dăm chén rượu quăng tay thước
Cái sống ngang tàng quen bốc men”
Thâm Tâm có dáng dấp của thi tiên Lí Bạch, một dáng dấp tự do. Không nặng đắng cay, thơ người là một dòng sức mạnh sôi nổi và hứng khởi:
“Nện cho vang tiếng chuông chiều
Thù đem sức sớm đánh kêu trống đình
Thở phù hơi rượu đua tranh
Quăng tay chén khói tan thành trời mưa”
Tuồng như ta thấy lại bóng dáng chàng Từ Hải “chọc trời khuấy nước mặc dầu” vậy. Nợ tang bồng vay trả trả vay, người đã sẵn tay mà ganh đua với đời. Có lẽ bởi âm hưởng thời đại của Cách mạng tháng Tám, nên dẫu có đấy dáng dấp cổ thi, người tráng sĩ của Thâm Tâm đã là người anh hùng rất mới:
“Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu nhất khứ hề”.
Ba chàng thi sĩ về lại với nhau, như khi xưa tiệc rượu vườn đào Lưu – Quan – Trương kết nghĩa. Nhưng không cơ đồ nghiệp lớn, chẳng mưu thành thiên sự, “Áo bào gốc liễu” là một nhóm thi khách ôm mộng anh hùng quen mùi mây gió. Thảng lại gặp nhau cạn chén tri âm, rồi thoắt đã lang bạt hải hồ. Một đời thơ. Một đời mộng. Cái mộng vàng son tráng chí rơi lại từ những ngày rất xưa.
Mấy trăm năm bãi bể nương dâu thời gian vần chuyển, bóng người tráng sĩ ngày nào bên bờ sông Dịch đã tan vào dòng sông kí ức trong tâm tưởng kẻ hậu thế. Những người thơ “Áo bào gốc liễu” khuất mặt giấu tên, nhưng gương mặt người vẫn là một gương mặt thời đại. Người đã cất công nâng cái phẫn hận chán chường của một thế hệ lên thành thơ, thành cái bất bình chứa chiều kích thẩm mĩ. Vả chăng, chí anh hùng của người vẫn còn nguyên trong giấy mực đó. Biết kính cẩn nghiêng mình trước những bậc anh hào, cũng là lẽ phải đạo vậy.
Trang Hoa